Hé lộ danh tính 3 trường đại học châu Á lọt Top 20 thế giới

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - Tạp chí uy tín trong lĩnh vực giáo dục Times Higher Education công bố danh sách những trường đại học tốt nhất thế giới năm 2023. Trong Top 20 có tên 3 ngôi trường nổi tiếng châu Á.

Times Higher Education là tạp chí của Anh chuyên về tin tức và các vấn đề liên quan đến giáo dục đại học. Times Higher Education được biết đến với việc công bố bảng xếp hạng đại học thế giới Times Higher Education - QS. Bảng xếp hạng lần đầu tiên ra mắt vào tháng 11/2004.  

Bảng xếp hạng những trường đại học tốt nhất thế giới năm 2023 do tạp chí Times Higher Education (THE) công bố bao gồm 1.799 trường đại học trên 104 quốc gia. Đây là bảng xếp hạng đại học lớn nhất và đa dạng nhất của thời điểm hiện tại.

Bảng xếp hạng này dựa trên 13 chỉ số hiệu suất đã được hiệu chỉnh cẩn thận để đo lường hiệu quả hoạt động của một ngôi trường trên bốn lĩnh vực: Giảng dạy, nghiên cứu, chuyển giao kiến thức và triển vọng quốc tế.

Top 20 trường đại học đứng đầu danh sách bình chọn uy tín của THE năm 2023 bao gồm chủ yếu là các trường đại học danh tiếng của Anh và Mỹ. Trong Top 20 chỉ có sự xuất hiện của 3 trường đại học trong khu vực châu Á là Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) và Đại học Quốc gia Singapore.

Đại học Thanh Hoa 

Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) đứng thứ 16 trong cuộc bình chọn những trường đại học xuất sắc nhất thế giới năm 2023 do Times Higher Education công bố.

Đại học Thanh Hoa là một trường đại học nghiên cứu công lập quốc gia ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Trường đại học được tài trợ bởi Bộ Giáo dục. Kể từ khi thành lập vào năm 1911, trường đã sản sinh ra nhiều nhân vật nổi bật, đáng chú ý trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, chính trị, kinh doanh, học thuật và văn hóa.  

Hé lộ danh tính 3 trường đại học châu Á lọt Top 20 thế giới - 1

Đại học Thanh Hoa (Ảnh: Apply for China).

Đại học Thanh Hoa là trường danh giá của Trung Quốc và đỗ vào ngôi trường này là mơ ước của hàng triệu học sinh Trung Quốc. Đại học Thanh Hoa có hơn 110 hiệp hội sinh viên bao gồm năm lĩnh vực: Khoa học và công nghệ, rèn luyện thể chất, nhân văn, nghệ thuật và phúc lợi công cộng.

Sinh viên quốc tế được khuyến khích tham gia các hoạt động ngoại khóa khác nhau và tham gia các hiệp hội sinh viên của trường. 

Đại học Thanh Hoa từng được bình chọn là một trong những khuôn viên đại học đẹp nhất thế giới bởi các kiến trúc sư và nhà thiết kế khuôn viên của tạp chí Forbes năm 2010.

Những cựu sinh viên đáng chú ý của ngôi trường danh giá này bao gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, cựu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ và Phó Thủ tướng Thường trực Trung Quốc Hoàng Cúc.

Đại học Thanh Hoa còn là trường cũ của cựu Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên, cựu Bộ trưởng tài chính Trung Quốc Lou Jiwei, tướng Tôn Lập Nhân, Lương Khải Siêu...

Đại học Thanh Hoa được biết đến là nơi đào tạo ra nhiều tỷ phú nhất so với bất kỳ trường đại học nào ở Trung Quốc. Kể từ năm 2017, có 152 tỷ phú Trung Quốc là cựu sinh viên của trường.  

Đại học Bắc Kinh

Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc đứng thứ 17 trong cuộc bình chọn mới của THE. Đại học Bắc Kinh được thành lập với tên gọi Đại học Hoàng gia Bắc Kinh vào năm 1898 khi được Hoàng đế Quang Tự trao tặng hiến chương hoàng gia.

Hé lộ danh tính 3 trường đại học châu Á lọt Top 20 thế giới - 2

Đại học Bắc Kinh (Ảnh: Class Notes).

Trong suốt lịch sử của mình, Đại học Bắc Kinh đã có một vai trò quan trọng là trung tâm của các phong trào trí thức lớn ở Trung Quốc. Từ đầu những năm 1920, trường đại học này đã trở thành một trung tâm cho các phong trào cộng hòa, tiến bộ và mới nổi của Trung Quốc.

Các giảng viên và sinh viên trường Đại học Bắc Kinh giữ những vai trò quan trọng trong việc khởi xướng phong trào văn hóa mới.

Đại học Bắc Kinh là trường của nhiều nhân vật nổi tiếng của Trung Quốc hiện đại, bao gồm đương kim Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, cựu Chủ tịch nước CHND Trung Quốc Mao Trạch Đông, cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Hoa Trần Độc Tú, nhà văn Lỗ Tấn, nhà văn Gu Hongming, nhà ngoại giao Trung Quốc Hồ Thích, cựu Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc Mao Thuẫn, nhà hoạt động chính trị Lý Đại Chiêu.

Đại học Bắc Kinh còn nổi tiếng với khuôn viên trường và vẻ đẹp của kiến trúc truyền thống Trung Quốc. Hàng năm, có khoảng 7.000 sinh viên quốc tế theo học tại Đại học Bắc Kinh. Đại học Bắc Kinh cũng liên kết với rất nhiều trường đại học nổi tiếng của Anh và Mỹ.

Đại học Quốc gia Singapore

Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đứng thứ 19 trong danh sách những trường đại học tốt nhất thế giới. Trường được thành lập vào năm 1905 và là trường đại học tự trị lâu đời nhất ở Singapore.

Trường cung cấp các chương trình cấp bằng trong một loạt các ngành ở cả cấp độ đại học và sau đại học, bao gồm khoa học, y học và nha khoa, thiết kế và môi trường, luật, nghệ thuật, khoa học xã hội, kỹ thuật, kinh doanh, điện toán và âm nhạc. 

NUS được coi là một trong những học viện uy tín nhất trên thế giới. Khuôn viên chính của trường nằm ở phía Tây Nam của Singapore, tiếp giáp với tiểu khu Kent Ridge của Queenstown.

Đại học Quốc gia Singapore có một người đoạt giải Nobel, một người đoạt giải Tang và một người đoạt giải Vautrin Lud. NUS được coi là trường đại học hàng đầu của khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Hé lộ danh tính 3 trường đại học châu Á lọt Top 20 thế giới - 3

Đại học Quốc gia Singapore (Ảnh: Đại học Quốc gia Singapore).

Kể từ khi thành lập vào năm 1905, NUS đã có nhiều cựu sinh viên ưu tú đến từ Singapore và Malaysia bao gồm 4 Thủ tướng và Tổng thống Singapore, 2 Thủ tướng Malaysia...

Một số sinh viên tốt nghiệp của trường Đại học Quốc gia Singapore cũng là những chính trị gia nổi tiếng như Rais Yatim, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin, truyền thông và Văn hóa Malaysia, Ng Eng Hen, Bộ trưởng bộ Quốc phòng Singapore và S. Jayakumar, cựu Phó Thủ tướng Singapore.

Đây còn là trường học cũ của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Margaret Chan, cựu Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc Kishore Mahbubani và Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Ng Ser Miang.

Giám đốc điều hành của tập đoàn Hyflux Olivia Lum, giám đốc điều hành của Temasek Holdings Ho Ching, chủ tịch của Spring Singapore Philip Yeo và giám đốc điều hành của Razer Inc Min-Liang Tan đều là cựu sinh viên của NUS.   

Theo www.timeshighereducation.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm