1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Hậu đại dịch, học nghề gì mau giàu?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Trong tình cảnh dịch Covid-19 phức tạp, các em học sinh quan tâm nhiều đến định hướng nghề nghiệp, chọn học ngành nghề gì để ra trường không thất nghiệp, mau làm giàu.

Không có nghề "hot", chỉ có con người "hot"

Từ tháng 3, hệ thống giáo dục nghề nghiệp tại TPHCM đã khởi động hành trình tuyển sinh mới. Nhiều trường cao đẳng, trung cấp đã cho các nhóm tuyển sinh về các trường THCS, THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên ở các tỉnh lân cận để giới thiệu trường, chiêu sinh khóa mới.

Khác với mọi năm, nhiều học sinh đã quan tâm hơn đến giáo dục nghề nghiệp với cấp bậc học cao đẳng và trung cấp, đặc biệt là hệ đào tạo 9+ (học sinh tốt nghiệp lớp 9 học 4 năm có bằng cao đẳng) được nhiều em quan tâm do có nhiều lợi thế.

Tuy nhiên, vấn đề các em lo lắng là trong tình cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, nên học nghề gì để ra trường không thất nghiệp, học gì để mau giàu?

Chia sẻ về suy nghĩ này, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, cho rằng dù có hay không dịch Covid-19, con người vẫn phải lao động, sản xuất mới có thể tồn tại và phát triển.

Do đó, điều quan trọng không phải là chọn nghề gì đang "hot", ngành gì đang "hot", đang cần người để ra trường không thất nghiệp, kiếm được nhiều tiền... mà là chọn nghề gì phù hợp với mình.

Ông Tuấn cho rằng: "Không có nghề "hot", ngành "hot" mà chỉ có con người "hot". Chỉ cần bạn là người giỏi trong lĩnh vực của mình thì bạn không cần phải sợ thất nghiệp, không phải lo không kiếm được nhiều tiền".

Hậu đại dịch, học nghề gì mau giàu? - 1

Nếu giỏi nghề hơn người khác thì không lo thất nghiệp (Ảnh minh họa: TC Nguyễn Tất Thành).

Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM khuyên học sinh nên lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân để có thể theo đuổi nghề lâu dài và hiệu quả.

Sau khi chọn được ngành nghề để học, học sinh phải cân nhắc lựa chọn cấp bậc học (đại học, cao đẳng, trung cấp) phù hợp với sức học và kế hoạch cuộc đời (muốn ra trường làm việc sớm hay muộn). Kế đến là lựa chọn trường học phù hợp với điều kiện gia đình (gần nhà, kinh tế gia đình đáp ứng được chi phí học tập...).

"Đừng tưởng nghề nào đang có nhu cầu lao động cao, bạn học xong là không bị thất nghiệp. Nếu bạn làm không làm được việc, không giỏi kỹ năng thì vẫn thất nghiệp như thường. Còn như bạn giỏi kỹ năng hơn người khác thì học nghề nào cũng sẽ có việc, bạn làm tốt thì doanh nghiệp nào cũng cần", ông Tuấn nhận định.

Những nhóm nghề "khởi sắc" sau dịch

Tuy khẳng định kỹ năng nghề là yếu tố quan trọng nhất đối với người lao động nhưng ông Trần Anh Tuấn cũng đồng ý việc học nghề phù hợp với xu thế phát triển kinh tế xã hội sẽ đạt được nhiều thuận lợi hơn.

Dựa vào kinh nghiệp 40 năm làm công tác nhân lực, ông dự báo có 12 nhóm ngành nghề cần nhiều nhân lực trong giai đoạn 2022-2032. Trong đó, đứng đầu vẫn là ngành khoa học máy tính và công nghệ. Theo ông, công nghệ là ngành dẫn dắt kinh tế thế giới trong thập kỷ này.

Kế đến là các ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí và tự động hóa. Những ngành này sẽ cần rất nhiều nhân lực để đáp ứng nhu cầu sản xuất, xây dựng và phục vụ cuộc sống của con người, đặc biệt ở các nước đang phát triển như Việt Nam.

Hậu đại dịch, học nghề gì mau giàu? - 2

Covid-19 khiến nhu cầu nhân lực ngành y tế tăng cao, nhiều học sinh theo học (Ảnh minh họa: TC Nguyễn Tất Thành).

Theo đơn vị nghiên cứu thị trường lao động Adecco Việt Nam, sau đại dịch Covid-19, thị trường lao động ở Việt Nam sẽ tăng cường tìm kiếm nhân tài ở nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là trong các ngành công nghệ và truyền thông, sản xuất và kỹ thuật, dịch vụ tài chính, thương mại điện tử, y tế, năng lượng...

Báo cáo hướng dẫn lương thưởng năm 2022 của đơn vị này nhận định: "Làn sóng chuyển đổi kỹ thuật số mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhu cầu chăm sóc sức khỏe gia tăng và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng trong khu vực sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm cho lực lượng lao động chất lượng cao trong thời gian tới".

Ngoài ra, đơn vị này dự báo những vị trí việc làm phục vụ nhu cầu chuyển đổi kinh doanh của doanh nghiệp trong tình hình dịch Covid-19 sẽ có nhu cầu tuyển dụng rất cao.

Chẳng hạn như xu hướng số hóa và làm việc từ xa sẽ kích thích doanh nghiệp quan tâm đến các vị trí liên quan đến ngành công nghệ và dữ liệu. Khi con người tương tác trực tuyến ngày càng nhiều thì các vị trí sáng tạo liên quan đến trải nghiệm trực tuyến như nhà thiết kế đồ họa, tiếp thị kỹ thuật số... sẽ cần nhiều nhân lực.

Dự báo nhu cầu nhân lực năm 2022 tại TPHCM

Kịch bản thứ nhất, tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng phức tạp, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế - xã hội, TPHCM cần khoảng 255.000 - 280.000 chỗ làm việc.

Kịch bản thứ hai, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, diễn biến theo chiều hướng tích cực, TPHCM cần khoảng 280.000 - 310.000 chỗ làm việc.

(Nguồn: Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM)