Hành trình “trở thành phụ nữ” của PGS trong top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam
(Dân trí) - Trong một bài viết trước đây, PGS Chu Cẩm Thơ (Phó trưởng ban phụ trách, Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) từng khiêm tốn cho rằng, hành trình làm phụ nữ của mình còn rất gian nan. Trong danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 do tạp chí Forbes công bố ngày 4/3, Cẩm Thơ vinh dự có mặt.
PGS. TS Chu Cẩm Thơ sinh năm 1981. Năm 29 tuổi, cô đạt học vị tiến sĩ và ở tuổi 32 đã ở vị trí Phó Chủ nhiệm bộ môn, tham gia viết sách giáo khoa môn toán. Năm 2016, cô được Nhà nước phong học hàm Phó giáo sư.
Ngoài 4 đề tài chủ trì đã nghiệm thu đạt loại xuất sắc, cô là thành viên chính tham gia 5 đề tài Quốc tế, Cấp Nhà nước và nhiều đề tài cấp Bộ, Cấp Bộ trọng điểm về Giáo dục định hướng năng lực, tích hợp Toán và khoa học, giáo dục STEM, phương pháp dạy học tích cực, đào tạo giáo viên.
Cẩm Thơ hiện giảng dạy tại ĐH Sư phạm Hà Nội, tham gia viết sách, cố vấn nhiều chương trình trọng điểm và đặc biệt là người sáng lập, Giám đốc Nghiên cứu, phát triển chương trình dạy Toán cho trẻ em POMATH.
Trong bài viết "tự họa" trước đây, PGS Chu Cẩm Thơ từng khiêm tốn cho rằng: “Người phụ nữ như tôi có khi lúng túng khi trang điểm, nhưng lại cứ khăng khăng một thể loại trang phục, cho nên mới bị chê già.
Người phụ nữ như tôi, cứ giữ tính chính trực, nên đôi khi bị bảo rằng giống tính đàn ông.
Người phụ nữ như tôi, giữ chữ tín với mọi người, nên đôi khi bảo quá ham công việc. Ngay cả người nhà cũng bảo, thôi đừng cố, nghỉ đi, không ai trách đâu mà lo”. Và rồi chị kết luận: “Hóa ra, hành trình làm phụ nữ của tôi còn gian nan nhiều lắm”.
Dân trí xin giới thiệu bài viết của PGS Chu Cẩm Thơ về hành trình “trở thành phụ nữ” của chị - nhà khoa học bên ngoài tỏ ra mạnh mẽ nhưng tâm hồn thấm đẫm văn chương.
PGS. TS Chu Cẩm Thơ.
“Có người nhớ lại, 10 - 15 năm trước, thấy tôi thật khác bây giờ. Trong đầu họ, chỉ nhớ đến 1 con bé tóc xoăn, cắt ngắn, mặc quần bò, đút tay túi quần, đeo cặp đi học, đội mũ lưỡi trai ngược, hoặc ngông nghênh, hoặc quát tháo mọi người, không giống con gái chút nào. Thành ra bây giờ trông tôi khác quá!
Có người lại bảo, nhìn kĩ lại, tôi chẳng khác gì ngày xưa. Vẫn nụ cười không cần biết xung quanh thế nào, vẫn ồn ào tranh luận đến cùng hoặc có khi lạnh lùng đến khó chịu, không giống phụ nữ có chồng và 2 con là mấy!
Thực lòng, tôi chưa bao giờ nghĩ mình không phải là con gái. Dù rằng, mẹ bảo tôi, nhà có 4 chị em gái, thì tôi giống con trai nhất.
Tôi biết mình là con gái, nhưng cái chuẩn để chứng minh là con gái của tôi có khác mọi người chăng!
Thuở dậy thì, tôi giục mấy đứa con trai: "Chúng mày vệ sinh nhanh lên, để tao lấy nước tưới rau", mà không xấu hổ. Bởi với tôi, đó là một nhiệm vụ, mẹ giao cho, và phải hoàn thành.
Những ngày ấy, thời gian được chơi của tôi ít lắm. Trong giờ học thì phải cố làm nhanh lên, để ra vườn trường hái rau, nhặt lá hoặc tranh thủ làm sổ sách, nghĩ phong trào cho lớp. Nên thành ra, cũng phải chọn những trò chơi ít thời gian mà thỏa mãn được nhu cầu giải trí.
Hình ảnh PGS.TS Chu Cẩm Thơ mềm mại dưới vành nón lá
Ấy vậy nên, mọi người chỉ nhìn thấy tôi trên sân cầu lông, hoặc đá cầu. Mà mấy trò đấy, chỉ có bọn con trai mới thích chơi. Cũng vì cả đời đi học làm Lớp trưởng, Liên đội trưởng, Bí thư Đoàn, nên cái việc hô hào các bạn tham gia hoạt động là việc ngấm vào máu. Nên tôi chẳng thấy ngại khi tham gia đá bóng nữ. Vì nghĩ rằng, chỉ khi mình tham gia, các bạn mới tham gia.
Thuở đã biết thương thầm trộm nhớ của tôi, người ta vẫn thấy tôi không có gì là con gái. Tôi thường chọn áo phông, quần bò, dép lê đi học, đi chơi. Nghĩ đơn giản thôi, đó là trang phục làm tôi thoải mái nhất. Vì sao tôi cắt tóc ngắn, ấy là vì khi chải tóc, tôi mất rất ít thời gian.
Thế nên khi tôi mặc áo dài, lần đầu tiên, các bạn nam cứ nhìn tôi tròn vo mắt. Tôi chỉ bảo với đứa bạn cùng phòng "Thì tao dáng đẹp mà, thắt đáy, lưng ong, nên mặc áo dài thì đẹp". Nhưng cậu bạn thân thì lại cáu cẳn, vì cái tội, tôi buộc 2 tà áo vào, rồi ngồi xe đạp cậu ta, vừa đi, vừa nhẩm lại bản phân công nhiệm vụ.
Cái thời sinh viên ấy, tôi cũng thấy mình được các bạn trai chăm sóc rất tận tình. Vì chúng nó là bạn thân của tôi. Và vì tôi nghĩ, trên đời này, tình bạn là đáng quý nhất. Tôi vỗ về mấy đứa con gái khoa toán, đến ngày Valentine, ngày 8/3 lo không có hoa, có quà, thì thật buồn.
Tôi chỉ nhắc mấy đứa bạn cấp 3, rằng tao cần hoa, cần quà cho cả phòng. Thế là, ngày đó, chúng tôi vênh váo với các bạn khoa Văn lắm. Vì các bạn là con trai của tôi, kéo nhau cả đoàn, sang xách nước, mua hoa, mua quà cho cả phòng kí túc. Mấy bạn nữ xì xào, còn tôi, thì nghĩ rất đơn giản, chúng tôi là bạn thân của nhau mà.
Chu Cẩm Thơ tự tin trước công chúng
Tôi nhớ một cậu bạn cấp 2, từ Bách khoa sang, ngồi đợi tôi từ 7 đến 10h (vì tôi đi tuyên truyền hiến máu nhân đạo), chỉ để hỏi một vài điều liên quan đến việc học. Hay một cậu bạn nữa học Xây dựng, đi xe buýt, đến cửa lớp học của tôi, có chuyện buồn học tập, gặp tôi để được an ủi. Hay cậu bạn học Mỏ, cứ thỉnh thoảng lại đèo tôi đi chơi.
Chúng tôi thân thiết thế, nên mọi người cứ nghĩ này nọ, ấy nhưng với tôi, đã là bạn bè thì việc gì cũng có thể sẻ chia với nhau. Thế nên, ngày sinh nhật tôi, có cậu bạn, tặng tôi 1 tập bài hát, và ghi là: Nhớ thỉnh thoảng phải hát.... Các bạn ấy biết, tôi cũng có nhu cầu như các bạn nữ khác.
Khi đọc thư các bạn viết, tôi chỉ mảy may nghĩ đến đến chuyện tôi là con gái, và phải có người yêu. Thế nên, ai đó cầm đàn hát, hay viết thơ, hay tặng một cái chặn giấy có biểu tượng gì đó, tôi cũng không mấy quan tâm.
Tôi đúng thật không phải là con gái, vì tôi luôn đặt ra công việc hàng ngày, và nếu việc đó, không thuộc phạm trù phải nghĩ, thì cũng có thể cho qua nhanh chóng.
Rồi đến một ngày, có cậu bạn học, đến nhà tôi mời cưới. Cậu ấy nói với bố tôi rằng: "Nếu cháu biết Thơ có ý định lấy chồng, thì cháu đợi bao lâu cũng được. Nhưng chắc bạn ấy không lấy chồng."
Tôi cười rõ to khi cậu bạn ra về. Ai bảo là tôi không có ý định lấy chồng? Chỉ là chưa đến lúc: Năm ấy tôi 25 tuổi.
Chu Cẩm Thơ và hai con tại Huế
Tôi bắt đầu đi học đại học Luật, và may thay, ở đó, có người nhận ra nét nữ tính của tôi.
Người đấy biết rằng tôi sẽ không thay đổi gì cả để minh chứng cho mọi người rằng tôi là phụ nữ.
Vì người đó biết rằng tôi luôn là phụ nữ, không những thế, lại còn quá cổ điển nữa.
Sau này lập gia đình, tôi cũng khắt khe: Ăn sáng ở nhà, ăn tối cũng ở nhà. Việc nhà phải tự làm, chăm con, làm gương cho con cũng phải tự làm. Vợ làm, và chồng cũng làm.
Người ấy biết những điều tôi mong muốn khi là phụ nữ. Đó chẳng phải quá cao siêu, nhưng khó thực hiện. Phụ nữ của tôi, phải đủ tự tin để giáo dục con cái, để được chồng tôn trọng, và mọi người thân yên tâm.
Người phụ nữ như tôi có khi lúng túng khi trang điểm, nhưng lại cứ khăng khăng một thể loại trang phục. Cho nên mới bị chê già.
Người phụ nữ như tôi, cứ giữ tính chính trực, nên đôi khi bị bảo rằng giống tính đàn ông.
Người phụ nữ như tôi, giữ chữ tín với mọi người, nên đôi khi bảo quá ham công việc. Ngay cả người nhà cũng bảo, thôi đừng cố, nghỉ đi, không ai trách đâu mà lo....
Hóa ra, hành trình làm phụ nữ của tôi còn gian nan nhiều lắm.
Hành trình của tôi còn nhiều thử thách quá. Chắc hẳn khi nào, các con gái của tôi lớn lên, nhìn chúng đáng yêu và ra dáng thiếu nữ, được nhiều người yêu quý, người ta sẽ nghĩ đến người mẹ của chúng, chắc chắn là một phụ nữ.
Nhưng tôi thì biết, khi để chồng chải đầu, khi nằm gối đầu lên tay anh ấy, và chìm vào giấc ngủ; khi chúng tôi cùng nấu ăn, hoặc anh ấy reo lên, cả nhà thơm quá rồi em ơi, lúc đó, tôi biết mình là phụ nữ chính hiệu”!
Chu Cẩm Thơ