PGS Chu Cẩm Thơ và lý giải môn học nào quan trọng

(Dân trí) - “Môn học nào quan trọng? Những điều tôi trải qua chỉ cho thấy, người ta chẳng thể thiếu điều gì trong số những gì cần phải học. Nhưng ở mỗi thời điểm, người ta ý thức được sự quan trọng của mỗi môn học ở các mức độ khác nhau, và hoàn toàn mang tính thời điểm”.

Học để đi thi, vì bắt học?

PGS. TS Chu Cẩm Thơ (giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, Giám đốc nghiên cứu và phát triển Trung tâm toán tư duy Pomath) có bài chia sẻ về tầm quan trọng của các môn học, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

Về phương diện cá nhân, tôi rất ngại phải đối mặt với câu hỏi này. Tôi đã thấm thía khi đi tìm câu trả lời ở các phụ huynh, các học sinh khi tiến hành nghiên cứu về việc giáo dục toán học.

Trong các khảo sát mà tôi tiến hành, hầu hết học sinh trả lời tôi là học toán để đi thi, vì bị bắt học. Phụ huynh cũng có câu trả lời tương tự.

Và rất nhiều người giỏi toán, đã từng thành công khi theo đuổi việc học toán về sau cũng bỏ, mà không thấy môn Toán quan trọng.

Qua những lần ấy, đủ để tôi rút ra một kết luận (tạm thời) rằng: môn học quan trọng, được người ta chọn học, học nhiều cũng có thể không thực quan trọng, bởi đó cũng chỉ là những nhận thức lối mòn hoặc mang tính nhất thời mà thôi.

Ngay cả bây giờ, khi cả thế giới nói đến 4.0, nói đến AI (trí tuệ nhân tạo) và toán/ toán ứng dụng vì thế ngày càng được quan tâm, nhưng nhớ rằng, với những ca sĩ, với vận động viên thể thao, họ sẽ chẳng mảy may quan tâm nếu môn đó vi phạm vào thời gian luyện tập, vào đam mê mà họ theo đuổi.


Mỗi thời điểm, người ta ý thức được sự quan trọng của mỗi môn học ở các mức độ khác nhau (Ảnh minh họa)

Mỗi thời điểm, người ta ý thức được sự quan trọng của mỗi môn học ở các mức độ khác nhau (Ảnh minh họa)

Không chọn môn thích để theo đuổi

Thời đi học, tôi học rất giỏi sử, rất thích lịch sử. Giá sách của tôi rất nhiều sách sử, từ lịch sử Việt Nam đến thế giới. Tôi cũng có thói quen nếu tặng sách thì chọn sách sử (vì nghĩ nó ai cũng đọc được, và cần đọc). Nhưng tôi không chọn sử là nghiệp theo đuổi.

Tôi chọn sử là hành trang cho công việc, cho cuộc đời mình, khi áp dụng bất cứ điều gì, cũng phải nghĩ trước sau, về "lịch sử" vấn đề và nghĩ về tương lai (những hậu quả, những ảnh hưởng). Sử dạy tôi những điều đó, người dạy sử, truyền tình yêu sử cho tôi dạy tôi như thế.

Thời tôi đi học, tôi được đánh giá có năng khiếu văn chương. Nhưng tiếng Việt của tôi thì không tốt lắm. Đã có lúc tôi gặp khó khăn khi không phân biệt tốt các loại từ vựng, đặt câu theo mẫu không chuẩn, ...

May thay, tôi được khuyến khích viết văn để bù điểm tiếng Việt. Tôi viết theo cách của mình và được chấp nhận. Nhưng có năm, tôi không được giáo viên khuyến khích nữa (đấy là một cô giáo mới), thế nên tôi chán học văn.

Tôi không viết gì trong thời gian đó. Tôi cũng ít đọc những tác phẩm liên quan, mà chỉ đọc theo ý thích của mình.

Thời tôi đi học tôi sợ môn thể dục, mặc dù tôi rất thích thể thao. Tôi ghét phải khởi động rồi chạy mấy vòng trên sân trường bê tông bằng chân đất. Tôi ghét phải úp mặt xuống đất. Tôi không thể làm nhanh những động tác theo mẫu, mà có giúp đỡ tôi cũng khó làm được (bây giờ thầy dạy Yoga cho tôi cũng than phiền như thế).

Nhưng tôi thích đánh cầu lông, đá cầu và xem đá bóng. Tôi đã từng "đem" đội bóng lớp mình đi chiến đấu khắp những lớp, những trường ở khu vực. Đội bóng nữ lớp tôi còn vô địch...

Nhưng giờ, tôi ý thức được môn học nào quan trọng nhất với con tôi ở thời điểm này: chính là thể dục thể thao.

Tôi biết thói quen rèn luyện sức khỏe, tinh thần thể thao trượng nghĩa không thể nói suông, đọc sách mà thành. Nhìn tụi nhỏ của tôi, trong đó có con tôi cứ thiêu thiếu điều đó, thấy những người lớn xung quanh tôi sớm nhu nhược, sớm than vãn, bệnh tật. Tôi tin rằng, họ đã nhận thức chưa đúng về môn Thể dục thể thao.


Môn học quan trọng, được người ta chọn học, học nhiều cũng có thể không thực quan trọng, bởi đó cũng chỉ là những nhận thức lối mòn hoặc mang tính nhất thời mà thôi. (Ảnh minh họa)

Môn học quan trọng, được người ta chọn học, học nhiều cũng có thể không thực quan trọng, bởi đó cũng chỉ là những nhận thức lối mòn hoặc mang tính nhất thời mà thôi. (Ảnh minh họa)

Môn học quan trọng tùy từng thời điểm

Môn học nào quan trọng? Những điều tôi trải qua chỉ cho thấy rằng người ta chẳng thể thiếu điều gì trong số những gì cần phải học.

Nhưng ở mỗi thời điểm, người ta ý thức được sự quan trọng của mỗi môn học ở các mức độ khác nhau, và hoàn toàn mang tính thời điểm. Lý do của điều đó, chính là phụ thuộc vào nhu cầu của xã hội, của chính họ mà biến thành sự lựa chọn.

Vậy nên, nếu một môn học nào đó không tự chứng minh được sẽ đáp ứng nhu cầu đó ra sao, người dạy môn học đó không làm cho người học cảm nhận được họ sẽ đạt được nhu cầu của mình qua môn học thì mọi triết lý sẽ vẫn là xa vời.

Việc cường điệu để nhấn mạnh tàm quan trọng của môn học bằng cách hạ bệ một môn học khác chắc chẳng có ích lợi gì (vì có người đã làm mà chẳng đem lại kết quả gì).

Thay vì thế, tôi chọn cách mà tôi vẫn làm: cho người học cơ hội lựa chọn, để họ bày tỏ nhu cầu, và tôi sẽ nỗ lực để họ chọn vì môn học tôi dạy giúp họ đạt được mục tiêu mà họ mong muốn.

Chu Cẩm Thơ