Thanh Hóa:

Hàng trăm trẻ học trong ngôi trường sắp sập, ô nhiễm thuốc trừ sâu

(Dân trí) - Mỗi ngày đến trường, gần 400 học sinh Trường mầm non Thiệu Nguyên (Thanh Hóa) cùng 20 giáo viên luôn cánh cánh nỗi lo trường sập. Bên cạnh đó, trường nằm ngay trên kho thuốc sâu cũ cũng đang ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của cô trò.

Vừa học vừa lo trường sập

Trường mầm non Thiệu Nguyên nằm trên địa bàn thôn Nguyên Sơn (xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Cơ sở vật chất của nhà trường được thừa hưởng từ Trường tiểu học Thiệu Nguyên từ năm 2009.

Hàng trăm trẻ học trong ngôi trường sắp sập, ô nhiễm thuốc trừ sâu
Trường mầm non Thiệu Nguyên nơi gần 400 HS đang học trong nỗi lo trường sập và ô nhiễm từ thuốc trừ sâu.

Nhà trường hiện có 3 dãy nhà học chính với 12 phòng học. Hầu hết, các phòng học đều là nhà cấp 4 mái ngói, sau nhiều năm sử dụng đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều vị trí trong một số phòng học, tường đã bị nứt nẻ, vôi vữa bong tróc mỗi khi mưa xuống nước ngấm qua tạo nên sự ẩm thấp lớn.

Để chống dột mỗi khi trời mưa, chính quyền địa phương đã đầu tư sửa chữa đóng một hệ thống mái trần dưới mái ngói bằng bạt ni-lông cho hầu hết các phòng học. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời, khi trời mưa to gió lớn nước mưa vẫn ngấm qua mái ngói gây dột xuống nền nhà.

Ngoài ra, hệ thống cửa của nhà trường đến nay cũng đã quá cũ nát, nhiều cánh cửa chính cũng như cửa sổ bị mối mọt ăn loang lỗ, có vị trí phải đóng vào bằng nhiều miếng ván khác nhau. Có những phòng học không có cửa sổ để che chắn. Toàn bộ số cửa sổ sau của các dãy phòng học đều không có cánh cửa nên phải che chắn bằng nhiều tấm bạt bằng ni-lông để chắn nắng mưa.


Trong 12 phòng học chính của nhà trường thì chưa đầy 1/2 trong số đó được lát gạch men. Nhiều phòng học, học sinh vẫn đang còn phải học dưới nền gạch, xi măng. Để chống ẩm mốc từ dưới nền nhà lên, nhà trường đã trải bạt lên nên nhà của nhiều phòng học…

Trong năm học này, Trường mầm non Thiệu Nguyên có 376 em học sinh với 320 em bán trú. Trong đó, nhà trường có 108 em trong độ tuổi chuẩn bị vào lớp 1. Số lượng học sinh nhiều nhưng nhà trường hiện chỉ có 20 giáo viên và 5 nhân viên phục vụ bán trú.

Điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy và học của nhà trường. Vào những ngày mưa to, gió lớn, nhà trường phải cho học sinh nghỉ học ở nhà để đảm bảo an toàn. Vào những ngày thường, phải học tập dưới ngôi trường xuống cấp, lúc nào giáo viên và học sinh cũng luôn canh cánh nỗi lo bị sập mái ngói, vôi vữa bong tróc rơi trúng đầu…

Bà Nguyễn Thị Hải - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cơ sở vật chất xuống cấp, giáo viên của trường lại thiếu so với lượng học sinh khá đông nên chúng tôi luôn thường trực trong nỗi lo để đảm bảo an toàn cho các cháu. Bình thường thì không sao nhưng không may xảy ra sự cố, một giáo viên không thể nào mà quán xuyến hết tất cả các em học sinh trong một lớp được”.

Hệ thống sân trường thấp nên thường xuyên bị ngập úng, học sinh không thể chơi ngoài trời.
Hệ thống sân trường thấp nên thường xuyên bị ngập úng, học sinh không thể chơi ngoài trời.

Cũng theo bà Hải, do cơ sở vật chất nhà trường yếu kém nên nhiều năm qua giáo viên cùng học sinh nhà trường dù có nỗ lực đến mấy nhưng cũng không được xếp hạng thành tích vì trường không nằm trong hệ thống trường đạt chuẩn.
 
“Giáo viên, phụ huynh nhà trường luôn mong muốn có được ngôi trường mới sớm nhất để ổn định công tác dạy và học của nhà trường”, bà Hải chia sẻ.

Nhiều năm học trên kho thuốc trừ sâu

Khu đất mà Trường mầm non Thiệu Nguyên đang đóng hiện nay, từ năm 1978 trở về trước là một kho chứa thuốc bảo vệ thực vật của HTX nông nghiệp ở địa phương. Trong những năm tháng chiến tranh, HTX này đã bị trúng bom nên nhiều kho, thùng chứa thuốc trừ sâu bị vỡ tung ra ngấm xuống lòng đất. Sau này, địa phương đã chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất, ngừng hoạt động HTX và cho xây khu nhà trường tiểu học, đến năm 2009 thì chuyển cho Trường mầm non Thiệu Nguyên.

Một trong 3 dãy phòng học của nhà trường luôn trong tình trạng lụp xụp ẩm thấp.
Một trong 3 dãy phòng học của nhà trường luôn trong tình trạng lụp xụp ẩm thấp.

“Trong 3 dãy phòng học của trường thì có dãy nhà phía Bắc là nằm ngay trên phần đất của kho thuốc bảo vệ thực vật của HTX cũ. Vào những hôm trời nắng to, hay trời mưa nhiều thì mùi thuốc trừ sâu bốc lên rất khó chịu. Để phòng ô nhiễm cho các cháu, những hôm có mùi thuốc bốc lên chúng tôi phải cho đóng cửa các phòng học hoặc dồn các cháu lại những dãy nhà không bị ô nhiễm”, bà Hải cho hay.

Cũng theo bà Hải, phải học tập trong môi trường ô nhiễm này rất nguy hiểm cho giáo viên và học sinh. Tuy chưa xảy ra ảnh hưởng gì lớn nhưng nhà trường luôn canh cánh nỗi lo bị nhiễm độc cho giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, không còn giải pháp nào khác mà đành phải “sống chung cùng ô nhiễm”.

Được biết, năm 2013 sau nhiều lần người dân xã Thiệu Nguyên có ý kiến lên các cấp chính quyền và ban ngành chức năng. Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cũng đã về lấy mẫu, kiểm tra mức độ ảnh hưởng từ kho thuốc bảo vệ thực vật cũ này.

Theo đó, tại Trường mầm non Thiệu Nguyên có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất lớn, khi so sánh các mẫu đất tại đây với QCVN 15: 2008/BTNMT - quy chuẩn quốc gia về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư trong đất đã vượt quá 3,33 lần cho phép. Chính vì thế đã có tác động phân tán lớn đến môi trường xung quanh như nguồn nước, đất trong khu vực rất cao…

Một góc tường của dãy phòng học phía Đông đang bị nứt nẻ, xuống cấp có thể sập bất cứ lúc nào.
Một góc tường của dãy phòng học phía Đông đang bị nứt nẻ, xuống cấp có thể sập bất cứ lúc nào.

Hiện nay, do nguồn nước giếng khoan của nhà trường bị ô nhiễm nên để có nước phục vụ cho sinh hoạt của các em học sinh bán trú, nhà trường đã phải dẫn nước từ một nơi khác về, điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho nhà trường cũng như kinh phí hàng năm. Nhiều hộ dân sống gần khu vực này cũng đã bị ảnh hưởng lớn từ việc ô nhiễm thuốc trừ sâu trong lòng đất tại Trường mầm non Thiệu Nguyên nói trên.

Được biết, UBND huyện Thiệu Hóa đã phê duyệt cho xã Thiệu Nguyên chuyển trường mầm non này đến một địa điểm mới.
 
“Xã đã quy hoạch vị trí mới để xây dựng trường nhưng do nguồn kinh phí xây dựng trường quá lớn nên ngân sách xã không đáp ứng được”, ông Nguyễn Tiến Khanh - Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Nguyên cho biết.

Thái Bá


Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm