Hàng chục triệu học sinh Trung Quốc hưởng lợi từ bữa trưa miễn phí
(Dân trí) - Trung Quốc khởi động chương trình bữa trưa miễn phí cho trẻ em từ năm 2011 vì nhiều học sinh nghèo phải nhịn đói khi tới trường do không đủ tiền mua bữa trưa hoặc nhà ở quá xa trường học.
Mười năm sau khi chương trình bữa trưa miễn phí cho trẻ em được thực hiện, dữ liệu chính thức cho thấy hơn 40 triệu học sinh Trung Quốc đã được hưởng lợi từ chương trình này.
Ren Chunrong, một nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Giáo dục Trung Quốc, cho biết: "Sáng kiến này đã góp phần bảo vệ điểm mấu chốt của bình đẳng xã hội. Chương trình đã cứu nhiều trẻ em khỏi nạn đói và suy dinh dưỡng, đồng thời cho phép các bậc cha mẹ có nhiều thời gian hơn để làm việc, cải thiện thu nhập cho gia đình".
Ông Ren giải thích, cha mẹ của nhiều học sinh là nông dân hoặc người lao động nhập cư, những người thường không có thời gian chuẩn bị bữa trưa cho con cái do lịch làm việc dày đặc.
Năm 2020, chính quyền trung ương cung cấp cho mỗi học sinh một khoản trợ cấp ăn trưa trị giá 4 nhân dân tệ hàng ngày (tương đương 15.000 đồng).
Các lãnh đạo của Bộ Giáo dục nhận định rằng, do chi phí cuộc sống ở khu vực nông thôn tương đối thấp nên số tiền đó, dựa trên chi tiêu, tiêu dùng lương thực bình quân đầu người hàng năm của người dân sống ở nông thôn, có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực cơ bản của mỗi học sinh vào bữa trưa.
"Với khoản trợ cấp hiện tại, trường cung cấp cho mỗi học sinh ba món ăn và một món canh vào bữa trưa. Bữa ăn ngày nào cũng có thịt và thực đơn không lặp lại trong một tuần", ông Wang Long, hiệu trưởng một trường tiểu học ở thành phố Tất Tiết, nằm ở tây bắc tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, cho biết.
Để đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh, thầy Wang cho biết, các nhà cung cấp bữa ăn học đường đã được yêu cầu chuẩn bị thực đơn dựa trên khuyến nghị của các chuyên gia dinh dưỡng và gửi cho sở giáo dục địa phương xem xét. Tùy từng thời điểm, nhà trường sẽ cập nhật thực đơn dựa trên đề xuất của học sinh.
Vào tháng 5/2020, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã công bố một báo cáo về những thành tựu của dự án chương trình bữa trưa miễn phí cho trẻ em.
Dữ liệu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc cho biết, vào năm 2019, chiều cao trung bình của học sinh nam và nữ ở khu vực nông thôn đã tăng lần lượt là 1,54 và 1,69cm. Cân nặng trung bình của các em tăng lần lượt là 1,06 và 1,18kg, cao hơn mức tăng trung bình của cả nước.
Chính quyền trung ương đã phân bổ tổng cộng 147,2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 21,6 tỷ USD) để trợ cấp cho dự án này, tính đến cuối năm 2019. Khoản trợ cấp được phân phối cho các sở giáo dục địa phương vào đầu mỗi học kỳ dựa trên số lượng học sinh. Sau đó, các nhà cung cấp thực phẩm tham gia đấu thầu công khai để được cung cấp thực phẩm cho các trường học.
Các trường được yêu cầu cung cấp thông tin cập nhật về việc sử dụng quỹ, thực đơn cho học sinh, số lượng học sinh và tên của các em trong mỗi học kỳ.
"Số tiền này được dùng để cải thiện chế độ dinh dưỡng của học sinh. Vì vậy nó phải được chi tiêu cẩn thận", ông Wu Daquan, hiệu trưởng trường tiểu học Tangtou ở tỉnh Quý Châu, Tây Nam Trung Quốc, cho biết.
Thầy Wu Daquan nói thêm rằng phòng giáo dục địa phương đã thành lập một nhóm để nghiên cứu giá nguyên liệu thực phẩm trên thị trường nhằm giám sát việc mua sắm thực phẩm và giữ cho giá bữa ăn học đường ở mức hợp lý.
Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng bữa ăn cung cấp cho học sinh, Bộ Giáo dục Trung Quốc, các cơ quan quản lý thị trường và cơ quan y tế yêu cầu lãnh đạo các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở dùng bữa cùng học sinh để giám sát, đảm bảo chất lượng thực phẩm.
Các cơ quan chức năng cũng khuyến khích các trường mời phụ huynh ăn trưa cùng con để lấy ý kiến của phụ huynh.
"Ở huyện của chúng tôi, chúng tôi có một kế hoạch chi tiết cho vấn đề an toàn thực phẩm. Mỗi trường học đều thành lập các bộ phận đặc biệt để giám sát việc mua nguyên liệu thực phẩm, khử trùng bộ đồ ăn, bảo quản thực phẩm và phân phát bữa ăn", Liu Jianmei, phó giám đốc phòng giáo dục huyện Ngọc Long, tây nam Trung Quốc, chia sẻ.