Hàn Quốc: Du học để tránh áp lực
“Ông bố ngỗng trời” là biệt danh người Hàn Quốc đặt cho những người đàn ông sống và làm việc trong nước, trong khi gia đình di cư ra nước ngoài để giảm áp lực học tập cho con cái.
Có thể nói tại Hàn Quốc, cuộc sống của thanh thiếu niên chỉ xoay quanh chuyện học hành. Tốt nghiệp tại một trong ba trường ĐH danh tiếng nhất nước được xem là tấm vé thông hành đến với một công việc tốt và hôn nhân mỹ mãn. Nhưng trước khi đến với ngưỡng cửa ĐH, giới trẻ Hàn Quốc phải trải qua chương trình giáo dục vô cùng căng thẳng.
Học sinh tiểu học phải học đến 11 giờ khuya trong ngày bình thường và đến 8 giờ tối ngày cuối tuần. Học sinh trung học thì sống bằng khẩu hiệu điên rồ: “Bốn đỗ, năm trượt”, có nghĩa là những ai chăm học chỉ dành bốn tiếng đồng hồ ngủ mỗi ngày sẽ có cơ hội đỗ vào một trường ĐH danh tiếng, còn cô cậu nào lười biếng "nằm ườn xác" trên giường hơn năm tiếng chắc chắn sẽ “trượt vỏ chuối”.
Chính vì gánh nặng khủng khiếp đó, làn sóng học sinh, sinh viên Hàn Quốc đi du học để có một cuộc sống cân bằng và điều kiện giáo dục tốt hơn ngày càng gia tăng. Năm nay, 192.000 sinh viên người Hàn Quốc học tại các trường ĐH nước ngoài, vượt xa mức 150.000 năm năm trước đây.
Số thiếu niên du học cũng tăng gấp ba lần, lên 16.500. Mỹ là địa chỉ hàng đầu, tuy nhiên các nước khác như Canada, Úc và New Zealand cũng là đích đến hấp dẫn.
Tuy nhiên, cái giá phải trả cho cuộc sống "ngỗng trời" là rất lớn. Chưa nói đến chuyện học phí, việc để con em ra nước ngoài học khi chúng còn nhỏ không hề dễ dàng đối với nhiều người bởi gia đình họ phải sống trong cảnh chia ly.
Không chỉ có vậy, nhiều người còn lo lắng việc trẻ em Hàn Quốc ra nước ngoài trong thời kỳ hình thành nhân cách sẽ làm phai mờ đi bản sắc dân tộc trong chúng.
Theo Hiếu Trung
Tuổi Trẻ/Financial Times