Hiện tượng tự vẫn trong học sinh, sinh viên:

Ham cờ bạc, quyên sinh!

Gần đây, dư luận đang xôn xao về hiện tượng một số sinh viên, thậm chí cả học sinh, tự tìm đến cái chết để giải quyết những bế tắc của mình. Người do thất tình, kẻ do nợ nần từ những vụ đỏ đen, cá độ… mà quyên sinh.

Cuối tháng 3 đầu tháng 4 vừa qua, sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải đã phải chứng kiến 2 cái chết hết sức thương tâm. Ngày 29/3, một thanh niên đã nhảy từ tầng 7 xuống tự vẫn. Người thanh niên này tên là Hùng - cựu sinh viên K37 của trường. Nguyên nhân được xác định là do nạn nhân đã bị bệnh tâm thần, đã trốn khỏi nhà về thăm lại trường xưa và đã không làm chủ được hành vi của mình.

 

Ngày 10/4, vào lúc 14h khi các nhân viên bảo vệ đi kiểm tra trong khuôn viên thì thấy một nam sinh nằm bất tỉnh trên một vũng máu. Nạn nhân được đưa vào Bệnh viện Việt - Đức cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng, nạn nhân đã chết vào hồi 18h cùng ngày. Nam sinh trên được xác định là Lê T.K. (22 tuổi), là sinh viên K44, khoa Kinh tế xây dựng, quê ở thị xã Hà Đông (Hà Tây). Các nhân chứng cho biết, nạn nhân để lại một lá thư tuyệt mệnh trong túi áo, trong thư có nói là tìm đến cái chết do nợ môn học và nợ tiền.

 

Theo Công an phường Láng Thượng, nguyên nhân khiến Lê T.K. phải tìm đến cái chết bi thảm là do anh ta bị thua lô đề, nợ nần chồng chất. Sau đó bị các chủ nợ xiết nợ ráo riết, quá quẫn bách, K. đã tìm đến cái chết. Năm ngoái, tại Trường Đại học Bách Khoa, một nam sinh viên K48 đã tự vẫn. Nguyên nhân cũng được xác định là do tham gia cuộc đỏ đen, sinh viên trên đã rơi vào nợ nần. Không có tiền trả, chàng trai này đã dại dột tìm đến cái chết để... xóa nợ.

 

Được đưa vào bệnh viện cấp cứu, nam sinh trên đã qua được cơn nguy kịch nhưng hiện giờ bị liệt, phải nằm một chỗ không đi lại được. Chỉ một phút cạn nghĩ, họ đã quên mất cuộc sống vẫn đang hằng ngày tiếp diễn, quên những dự định tốt đẹp cho tương lai, quên công lao sinh thành dưỡng dục của mẹ cha.

 

Càng chơi càng ham, càng thua càng cay cú, những sinh viên này đã tiêu tốn của gia đình hàng trăm triệu đồng. Hết cắm xe máy của nhà, đến xe của bạn bè, con đường dẫn đến trộm cắp, lừa đảo thật ngắn ngủi.

 

Khi không còn biết trông cậy vào đâu, không có lối thoát nào, họ lại tự tìm đến cái chết để giải thoát cho mình.

 

Chuyện sinh viên chơi lô đề, cờ bạc dường như đã vượt ngoài tầm kiểm soát của nhà trường và gia đình. Thời gian sinh hoạt ngoài giờ học và ở nhà của sinh viên cũng nhiều hơn, nhất là với các sinh viên ngoại tỉnh. Một chủ quán nước trong khu tập thể Trường Đại học Bách Khoa cho chúng tôi biết: "Muốn biết chuyện sinh viên cờ bạc cứ ra đây khoảng 7 - 8h tối. Cả phố này nhốn nháo vì "chúng nó" đi so kết quả xổ số, lô đề". Cờ bạc và dám nợ đến tiền tỷ không còn là chuyện hy hữu trong giới sinh viên. Đáng buồn hơn, phần lớn các kết cục bi thảm do cờ bạc lại rơi vào những gia đình nghèo.

 

Cờ bạc không chỉ làm vẩn đục giảng đường đại học, tệ nạn này đã lan đến cả các trường PTTH. Khi chúng tôi đến trường PTTH Xuân Đỉnh, Từ Liêm - Hà Nội, các thầy, cô giáo và bạn bè vẫn đang bàng hoàng vì cái chết của Nguyễn Viết T., học sinh lớp 10. Cậu học sinh mới 16 tuổi này đã nhiễm nạn cờ bạc từ các hàng điện tử. Trong học kỳ I, T. đã phải nhận hạnh kiểm trung bình vì tự ý nghỉ học, chơi điện tử và lô đề. Đã được giáo viên chủ nhiệm, Ban Giám hiệu nhiều lần nhắc nhở nhưng T. càng ngày càng "say" cờ bạc hơn học tập.

 

Chiều 29/4, cô giáo chủ nhiệm Đặng Thục Anh đã phát hiện T. và 5 học sinh khác đang chơi bạc phía cuối lớp. Cả 6 học sinh này đã viết bản kiểm điểm nhận lỗi và được về lớp làm tiếp bài kiểm tra. Tiết 4 - 5 hôm ấy, T. vẫn ra dự mít tinh kỷ niệm 30/4 cùng các bạn khác. 7h tối, gia đình T. gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm tìm vì T. vẫn chưa về nhà. Sáng sớm hôm sau, nhà trường và gia đình đã bàn kế hoạch tìm T. Ai cũng nghĩ, T. chỉ bỏ nhà đi "bụi" đâu đó vài hôm nhưng sáng 9/5, xác T. đã được tìm thấy ở sông Đuống. 

 

Chúng tôi muốn kể thêm về trường hợp của sinh viên Nguyễn Văn C., quê ở Phú Thọ. Trước Tết âm lịch vài ngày, C. đã trúng một "con đề" rất đậm: được 70 triệu đồng. Ngay lập tức, C. "hãnh diện" thuê một chiếc taxi loại sang đưa người yêu đi du lịch 1 tuần. Nhưng đến giờ, C. đã rơi vào tình trạng nợ ngập đầu ngập cổ, phải sống chui lủi, trốn tránh chủ nợ. Khi chủ nợ tìm về tận quê, mẹ C. đã phải gom góp đến đồng tiền cuối cùng trong nhà trả nợ cho anh ta, nhưng C. thì vẫn chứng nào tật nấy.

 

Quên chuyện học hành, suốt ngày ném mình vào các cuộc đỏ đen, không biết tương lai của những sinh viên này sẽ đi về đâu?

 

 

Theo Nguyệt Hà - Ngọc Yến

Công An Nhân Dân