Hai vũ khí của giáo viên phổ thông đã bị “tước đoạt”?
(Dân trí) - Chất lượng giáo dục phổ thông đã có những tiến bộ nhưng so sánh với nhu cầu và kỳ vọng của xã hội thì chưa đủ. Trong khi đó, nhiều yếu tố bất lợi cho việc nâng chất lượng nhất là chính giáo viên cảm giác nghề không phải là nghề khi hai vũ khí là điểm và xử phạt đã bị “tước đoạt”.
Đó là ý kiến mà PGS.TS Lê Khánh Tuấn, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ GD&ĐT, chia sẻ tại hội thảo đánh giá tổng quan chất lượng giáo dục phổ thông Việt Nam - tiếp cận và thách thức do Trường ĐH Sài Gòn phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức sáng ngày 30/12.
Trong phần phát biểu của mình, PGS.TS Lê Khánh Tuấn đặt vấn đề đánh giá chất lượng giáo dục theo định hướng nào. Ngay sau đó, ông Tuấn khẳng định tiếp cận nào thì sẽ có đánh giá đó, hay nói cách khác sự đánh giá về chất lượng sẽ phụ thuộc rất lớn vào định hướng giá trị đã xác định của người cung cấp dịch vụ và của người tiếp nhận.
Ông Tuấn cho rằng nếu xét khía cạnh truyền thông thì ở nước ta, sự tôn vinh nghiêng nhiều bằng cấp, do đó hiện thân của chất lượng là bằng cấp, dẫn đến người học ít quan tâm đến thu nhận kiến thức, phương pháp mà chỉ quan tâm đến có bằng.
Còn nếu xác định chất lượng là sự đạt được mục tiêu, thì ngành giáo dục hướng đến là rèn luyện năng lực tư duy, phương pháp tiếp cận. Tuy nhiên, cha mẹ học sinh lại hướng đến điểm số, thi đỗ hay không, trong khi nhà quản lý hướng đến thành tích. Vì vậy dẫn đến xung đột xảy ra. “Trước áp lực của cha mẹ và bệnh thành tích, nhà trường hướng tới điểm số ảo, giỏi ảo. Và để chiều lòng người học, nhà trường phải làm sao để có học là có bằng. Ở đây, rõ ràng nhà trường đặt ra mục tiêu nhưng lại chạy theo đáp ứng mục tiêu của người khác - người tiếp nhận dịch vụ. Từ đó mà chất lượng bị tha hoá”. Ông Tuấn khẳng định đây là vấn đề rất căn cơ cần lưu ý khi giải bài toán nâng cao chất lượng.
Khi đánh giá riêng chất lượng giáo dục phổ thông, ông Khánh Tuấn cho rằng: “Không thể phủ nhận chất lượng giáo dục phổ thông đã có những tiến bộ, nếu so với chất lượng giáo dục ĐH và sau ĐH thì sự tiến bộ khả quan hơn. Nếu so sánh với điều kiện đảm bảo chất lượng thì đó là một sự nỗ lực đáng tự hào. Nhưng, nếu so sánh với nhu cầu và kỳ vọng của xã hội thì chưa đủ”.
Ông Tuấn chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Trong đó, trước hết phải tiếp cận ở góc độ đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý là yếu tố quyết định chất lượng nhưng đang đứng trước những yếu tố bất lợi.
Theo ông Tuấn: “Trong hành nghề giáo viên đa số tốt nhưng có một bộ phận tha hóa. Đấu tranh, xử lý với sự tha hóa quyết liệt là đúng nhưng bảo vệ giáo viên khi họ bị hiểu nhầm vì những tìm tòi, đổi mới gây hậu quả thì chưa đủ”. Bên cạnh đó là sự thiếu ổn định trong chính sách tuyển dụng. Môi trường dân chủ trong sinh hoạt học thuật hạn chế, ý kiến giáo viên ít được lắng nghe nên làm việc theo phận sự là chủ yếu. “Hệ lụy là giáo viên làm việc cầm chừng, không mạnh dạn đổi mới, sáng tạo để giữ gìn sự an toàn của bản thân”, ông Tuấn nói.
Đặc biệt, ông Tuấn chia sẻ: “Cảm giác nghề không phải là nghề. Hai vũ khí của giáo viên đã bị “tước đoạt” là điểm và xử phạt học sinh. Ngoài ra dạy thêm, học thêm không phải là xấu, nhưng trong đối xử lại đánh đồng nó với “dạy thêm học thêm tràn lan”, như vậy là không công bằng trong quan niệm nghề nghiệp. Bác sĩ có thể làm thêm ngoài giờ tại sao giáo viên lại không được làm một cách chính đáng?”.
Cũng theo ông Tuấn, nguyên nhân thực trạng trên còn ở cơ sở vật chất và thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu, đầu tư tài chính là sự nỗ lực lớn của nhà nước nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu…
Cũng tại hội thảo, GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho rằng nhiều ý kiến đặt vấn đề các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục phổ thông nhưng chưa nêu vai trò của trường đại học. Theo ông Sơn, kết quả nghiên cứu đã khẳng định việc tuyển sinh các trường ĐH có tác động đến chất lượng trường phổ thông. Đó là bởi tâm lý dạy học để thi hằn sâu ở trường phổ thông và tâm lý kỳ vọng của phụ huynh
“Trường đại học cũng có tác động rất lớn đến chất lượng giáo dục phổ thông. Các trường tuyển sinh, đào tạo chất lượng thế nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đội ngũ giáo viên giảng dạy trong hệ thống giáo dục sau này", ông Sơn khẳng định.
Lê Phương