Hai chữ “thầy” trong một sắc áo xanh

(Dân trí) - “Thầy Tự” là cái tên thân mật mà đồng đội và người dân trên đảo Hòn Chuối, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau thường gọi mỗi khi gặp chuẩn úy Nguyễn Quốc Tự.

Theo Thiếu tá Đào Xuân Ninh, Đồn trưởng đồn biên phòng Đ04, dù chuẩn úy - y sĩ Nguyễn Quốc Tự công tác tít mãi ngoài đảo xa nhưng trong đất liền nhiều người cũng vẫn biết đến anh. Người thì gọi anh là “thầy thuốc”, người thì chào là “thầy giáo”. Chỉ có sắc áo anh mặc và màu quân hàm anh mang thì luôn là màu xanh - màu xanh áo lính. 
 
Hai chữ “thầy” trong một sắc áo xanh - 1
Chuẩn úy Nguyễn Quốc Tự dạy học trò trong lớp học tình thương.

Từ thầy thuốc của dân đảo

Nguyễn Quốc Tự mới 30 tuổi, chưa lập gia đình nhưng khi chuyện trò với tôi về nhiệm vụ và cái “nghiệp” cứu người của mình, anh không một chút bối rối hay ngại ngùng dù đó là chuyện sinh đẻ của chị em. Với chất giọng trầm và ấm, anh vừa cười vừa nói: “Mình cứu người ta mà mình ngại ngùng là mình giết người ta. Sợ người ta ngại chứ mình sao ngại được!”.

Thường thì khi chuẩn bị “vượt cạn”, chị em trên đảo đều vào các bệnh xá ở đất liền. Nhưng đâu phải mọi gia đình trên đảo đều đầy đủ điều kiện để vào đất liền. Thành thử, 5 năm qua, kể từ khi nhận nhiệm vụ ở đảo Hòn Chuối, chuẩn úy Nguyễn Quốc Tự đã trở thành bà đỡ bất đắc dĩ đến cả chục lần. Mà lần nào cũng mẹ “tròn con vuông”. Nhìn vào cuốn sổ bệnh án dày cộp trong Phòng Quân y của đơn vị, chúng tôi biết đó chỉ là một phần rất nhỏ trong công việc hàng ngày của anh. Vì nếu tính cả các cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên đảo, bình quân mỗi tháng anh Tự khám và điều trị cho khoảng 70 lượt người bệnh dù trên đảo chỉ vẻn vẹn có 47 hộ gia đình với 185 nhân khẩu.

Lý giải về điều này, chuẩn úy Tự cho biết giữa bốn bề sóng vỗ, những ngư dân trên đảo đá Hòn Chuối quanh năm chỉ biết có con cá, con tôm. Ngày ngày họ gắn mình với ghe và tàu đánh cá lênh đênh trên biển. Ở lại đảo, phần lớn là phụ nữ, người già và trẻ nhỏ. Mỗi khi ốm đau, không phương tiện đi lại, họ chỉ còn cách cậy nhờ Đồn biên phòng. Rồi tất cả những tai nạn trên đảo và ngoài khơi, dù nặng, dù nhẹ cũng lại đến tay anh. “Mình không nhớ đã cấp cứu bao nhiêu trường hợp. Có những tai nạn xảy ra trên biển mình chỉ mang đồ nghề, thuốc thang, không mang sổ bệnh án nên không thống kê được. Những ca đơn giản thì mình sơ cứu rồi đưa vào đảo chữa trị. Ca nặng thì sơ cứu và chuyển vào đất liền”, anh Tự tâm sự.

Qua hàng loạt những ca được anh Tự cấp cứu, người dân trên đảo càng thấm thía hơn tấm lòng nhân ái, hết mình vì người dân của anh chuẩn úy, đặc biệt là hiện nay đảo Hòn Chuối chưa có trạm y tế, đời sống của người dân thì còn nhiều thiếu thốn mà tai nạn thì lại luôn dình dập.

Đến thầy giáo lớp học tình thương

Chuẩn úy Tự tâm sự: Người dân vẫn thường nói vui với nhau rằng đảo mình có hai cái “Không”: không trạm y tế, không trường học cho trẻ nhỏ”. Nhưng trong cái buồn do thiếu thốn, người dân đảo vẫn có niềm vui, vui là không có trường mà con em họ vẫn được cắp sách tới lớp. Một lần nữa, người gieo chữ ở đây không ai khác là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đ04. Mà người đứng lớp cũng lại là thầy Tự. Lớp học có cái tên mà chính bản thân nó đã mang nhiều ý nghĩa Lớp học tình thương. Giữa lưng chừng đèo, dưới những tán cây rừng, mỗi tuần 5 buổi, chuẩn úy Tự mang “con chữ” đến cho 15 em nhỏ, từ lớp vỡ lòng cho đến lớp 3. Tất cả các em ngồi chung 1 lớp. Đặc biệt trong lớp học tình thương có những em do chính chuẩn úy Nguyễn Quốc Tự chào đón khi em cất tiếng khóc sơ sinh.
 
Hai chữ “thầy” trong một sắc áo xanh - 2
Chuẩn úy Nguyễn Quốc Tự trong buổi dạy cho các em trong lớp học tình thương.

Trong ánh mắt ngây thơ, em học trò nhỏ tên Thảo hào hứng khoe với tôi em đang học Toán và Tiếng Việt. Một mong ước giản dị như bao học trò khác của Thảo là học thật giỏi, học để mai này giống thầy Tự, trở thành cô giáo dạy lại cho các em nhỏ trên đảo.

Theo học thầy Tự từ năm 2007, năm nay em Nguyễn Minh Đan lên lớp 3. Ba năm qua, mỗi ngày đến lớp là một ngày đầy ý nghĩa với Đan. Có những niềm vui mà ở nhà Đan không thể có. Đan là người hay e dè, ngại ngùng khi có người lạ bắt chuyện nhưng khi được hỏi về việc học thì Đan háo hức kể ngay: Con đã biết đọc, biết viết và cả tính toán nữa. Thầy Tự còn dạy ca hát nữa nên con rất thích đi học”.

Có dịp trò chuyện với anh Hồ Tuấn Hiệp, Tổ phó Tổ Tự quản đảo Hòn Chuối, tôi cũng nhận thấy sự quý trọng ở anh dành cho chuẩn úy Nguyễn Quốc Tự. Mỗi khi nhắc đến chuẩn úy Tự, anh Hiệp luôn gọi anh với cái tên rất kính trọng “thầy Tự”. Anh cho biết, ngoài tình thương mà thầy Tự dành cho tụi nhỏ, Đồn Biên phòng Đ04 còn tặng sách, vở và bút viết cho các em nhỏ. Còn khi được hỏi về ý nghĩa của lớp học này, anh Hiệp nói rằng nhờ có lớp học nên con em trên đảo Hòn Chuối đều biết đọc, biết viết. Bộ đội đến từng nhà, động viên cả bố mẹ và các em nhỏ tới học.

Bài và ảnh: Nho Trung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm