Hà Tây quyết tâm “xoá” tiếng xấu trong thi cử!
(Dân trí) - <a href="http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2007/5/177462.vip">Chi 5 tỷ để xây tường rào</a>, nâng mức bồi dưỡng giám thị lên gấp đôi, đồng thời quy rõ trách nhiệm cho từng người cũng như tập huấn công tác coi thi cho cả nhân viên bảo vệ, phục vụ… là những biện pháp riết ráo để Hà Tây “xoá” ấn tượng tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Dân trí đã có trao đổi với ông Đào Văn Bình, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tây, trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2007 của tỉnh về vấn đề này.
Để khắc phục những tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2006, tỉnh Hà Tây đã chuẩn bị như thế nào cho kỳ thi sắp tới này?
Kỳ thi tốt nghiệp năm nay, tỉnh chúng tôi có gần 40.000 thí sinh dự thi với 71 hội đồng thi và 1.700 phòng thi. Để có kỳ thi khách quan, công bằng trong đánh giá kết quả thi và khắc phục những yếu kém, tiêu cực trong những năm qua thì mục đích của chúng tôi là làm chuyển biến và nâng cao nhận thức tư tưởng cho nhân dân để từ đó có thái độ, làm việc đúng đắn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và Bổ túc THPT.
Theo đó, chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng đặc biệt là giáo viên, phụ huynh, học sinh cùng có trách nhiệm với kỳ thi.
Chúng tôi đã tổ chức họp và có bản cam kết với phụ huynh học sinh về nội quy, quy chế thi, động viên con em học tập, ôn tập nghiêm túc làm bài thi, không tụ tập đông người ở ngoài khu vực và nhờ người ném bài giải bài thi, không đóng góp kinh phí trái với quy định của nhà nước và của tỉnh.
Được biết, tỉnh chi hơn 5 tỷ để xây tường rào ở các trường học tránh tỉnh trạng ném bài như năm trước?
Đúng, nhưng đó chỉ là một biện pháp. Để an ninh, trật tự trong kỳ thi, UBND tỉnh đã phân công và quy trách nhiệm cụ thể cho mọi lực lượng. Đặc biệt, năm nay trường nào không đủ điều kiện về vật chất thì chúng tôi sẽ không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp tại trường đó.
Bên cạnh đó, tất cả những ai tham gia vào kỳ thi như Lãnh đạo Hội đồng, thư ký Hội đồng, giám thị kể cả nhân viên phục vụ, bảo vệ, thanh tra, công an… đều phải được tập huấn nghiệp vụ và học tập quy chế thi, mục đích, yêu cầu và những điểm mới của kỳ thi.
Năm trước, mặc dù có công an bảo vệ bên ngoài nhưng tình trạng người nhà bắc thang, ném bài vào cho thí sinh vẫn ngang nhiên thực hiện. Liệu năm nay có biện pháp khắc phục tình trạng này?
UBND tỉnh đã làm việc với ngành công an tăng cường chỉ đạo công tác thi. Năm nay, chúng tôi kiên quyết không để nhiều người tụ tập gây rối mất trật tự bên ngoài, trèo tường, ném bài giải vào trường thi. Không cho máy photocoppy gần trường hoạt động trong giờ thi.
Nếu trường hợp cần thiết, có thể chúng tôi điều động công an các huyện, thị xã, thành phố nơi khác đến tham gia công tác bảo vệ Hội đồng thi, khi cần thiết sẽ xử lý theo quy định những trường hợp gây rối trật tự công cộng khu vực thi.
Vậy Hà Tây có tính biện pháp nào để bảo đảm an toàn cho những cán bộ coi thi và thanh tra không?
Chúng tôi đã có kế hoạch đề phòng, ngăn chặn người quá khích gây sự, hành hung những người tham gia làm thi, bảo vệ an toàn cho người tham gia làm thi. Yêu cầu các trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Hội đồng coi thi cần có phương án bố trí xe ôtô, thống nhất với công an đưa giám thị đi và về khi thấy cần thiết để bảo vệ an toàn tính mạng cho người làm thi đó.
Năm trước do chế độ bồi dưỡng cho giám thị quá ít (25.000đ/1giám thị/buổi thi) Hội phụ huynh của các trường THPT đã đứng ra thu tiền của học sinh để bồi dưỡng cho giám thị. Năm nay, UBND tỉnh có thay đổi gì không?
Chúng tôi quy định các trường không được thu lệ phí thi, thu tiền hỗ trợ làm thi dưới mọi hình thức. Mọi chi phí cho kỳ thi phải lấy từ nguồn ngân sách nhà nước. Ngành Giáo dục có trách nhiệm làm dự trù kinh phí bổ sung cho kỳ thi, phối hợp với ngành Tài chính trình UBND tỉnh bổ sung ngân sách cho kỳ thi.
Năm nay, chúng tôi tăng gấp đôi chế độ bồi dưỡng cho mỗi giám thị là 50.000đ/1giám thị/buổi thi.
Ông có thể khẳng định quyết tâm của tỉnh Hà Tây năm nay lập lại kỷ cương trong thi cử?
Tổ chức kỳ thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, giảm bớt nặng nề, tốn kém. Kết quả kỳ thi phản ánh đúng chất lượng dạy và học của nhà trường và có tác động tích cực đến việc thực hiện các mục tiêu giáo dục.
Với quyết tâm đó nên để chuẩn bị cho kỳ thi này, chúng tôi thành lập Ban chỉ đạo thông suốt từ UBND tỉnh đến UBND các huyện, xã. Thậm chí, đồng chí Bí thư tỉnh ủy còn trực tiếp đi kiểm tra công tác chuẩn bị thi ở các điểm thi nóng trong năm trước.
Đặc biệt, năm nay chúng tôi coi trọng công tác hậu kiểm, nếu điểm thi của Hội đồng nào giống nhau, có nghi ngờ thì Chủ tịch Hội đồng đó phải chịu trách nhiệm.
Cảm ơn ông!
Hồng Hạnh
(Thực hiện)