Hà Nội: Xôn xao học sinh nữ đánh nhau vì ghen tuông

(Dân trí) - Một clip dài khoảng 35 giây, quay lại cảnh ẩu đả, chửi bới giữa đường kèm dòng chú thích "Nữ sinh đánh nhau ở Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội" vừa được đăng tải trên mạng. Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) xác nhận đúng là nữ sinh của trường mình có tham gia vào vụ ẩu đả cùng với một học sinh một trường THPT khác trên địa bàn.

Hiểu nhầm, nữ sinh xử lý bằng ẩu đả

Với tiêu đề "Nữ sinh đánh nhau ở Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội; giờ cứ có mâu thuẫn là các em gái thích giải quyết bằng nắm đấm", clip được cho xảy ra giữa nữ sinh một trường THCS và trường THPT trên địa bàn Gia Lâm, Hà Nội.

Mở đầu clip, một nữ sinh nhỏ nhắn và nữ sinh khác cùng tranh cãi rồi lao vào đánh nhau. Khoảng mấy giây sau, một số nữ sinh tiếp tục xông vào liên tục đá, túm tóc nữ sinh nhỏ nhắn.

Cả người bị đánh cũng chống trả quyết liệt. Hai bên giằng co nhau, đến khi có người lớn vào can ngăn, đám đông mới được giải tán.

Hà Nội: Học sinh nữ đánh nhau vì ghen tuông

Chia sẻ với PV Dân trí, cô Lê Thị Quyến, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) xác nhận, đúng là nữ sinh của trường mình có tham gia vào vụ ẩu đả cùng với một học sinh một trường THPT khác trên địa bàn.

Theo đó, sự việc chỉ là do hiểu nhầm về mặt tình cảm giữa hai học sinh nữ trên đây với một học sinh nam. Khi học sinh nữ ở trường THCS xin đi nhờ xe của một bạn nam, khiến nữ sinh THPT hiểu nhầm và giải quyết sự việc bằng ẩu đả.

Nhiều học sinh THPT lao vào đấm đá nữ sinh THCS (ảnh từ clip)
Nhiều học sinh THPT lao vào đấm đá nữ sinh THCS (ảnh từ clip)

“Sự việc xảy ra ở nông thôn, các em còn bồng bột của tuổi mới lớn. Nhà trường đã mời gia đình và hai học sinh gặp gỡ, hòa giải, các em cũng đã xin lỗi nhau vì hiểu nhầm.

Nữ sinh có tham gia đánh nhau của trường chúng tôi là học sinh khá. Nhà trường cũng đã nhắc nhở các em, phải chăm lo học tập. Nếu còn tái phạm, nhà trường sẽ có biện pháp kỉ luật nghiêm khắc, thậm chí tới mức đình chỉ học tập”, cô Quyến cho biết.

Cần gần gũi hơn với con trẻ

Được biết, đây không phải là trường hợp duy nhất liên quan đến việc "đánh ghen" của học sinh khi đang trên ghế nhà trường.

Trước đó, trên mạng xã hội đã lan truyền chóng mặt clip dài hơn 2 phút vụ việc ẩu đả giữa một nữ sinh đang theo học tại Trường THPT chuyên Chu Văn An và nữ sinh khác ở Trường THPT Việt Bắc (TP Lạng Sơn).

Sự việc được xác định do mâu thuẫn tình cảm liên quan đến một bạn nam nên một trong số hai nữ sinh đã tìm đến “đối phương” để đánh ghen.

Khoảng cuối tháng 4/2016, do mâu thuẫn trong tình cảm nên Q. - nữ sinh lớp 10 của Trường THPT Đại Ngãi (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng), đã tát liên tiếp vào mặt bạn trước sự chứng kiến của bạn bè cùng lớp.

Khi có nhiều người lớn chạy vào can ngăn, đám đông mới giải tán (ảnh từ clip)
Khi có nhiều người lớn chạy vào can ngăn, đám đông mới giải tán (ảnh từ clip)

Trao đổi với Dân trí về điều này, TS Vũ Thu Hương, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, các em có quá nhiều lý do để đánh nhau nếu một khi ở trường lớp không có hoạt động xã hội gì, các em không được hoạt động thể dục thể thao nên năng lượng tích tụ.

Một khi không có các hoạt động thể thao, hoạt động xã hội, các em chỉ biết tập trung học và quan hệ bạn bè nên có thể nói đối với một số em, khi việc học chán chường, bạn bè sẽ có giá trị cao nhất. Khi mối quan hệ với bạn bè bị ản hưởng bởi một lý do nào đó, sẽ dẫn đến việc bạo lực.

Thứ hai, hiện nhiều gia đình vẫn quan niệm tình cảm yêu đương là việc làm rất xấu với các em. Thay vì quan tâm, chia sẻ với con cái, nhiều gia đình phản ứng rất quyết liệt và bực bội. Nhiều học sinh không được chia sẻ từ bố mẹ nên các em không biết làm sao vượt qua và cuối cùng là... tự tìm cách giải quyết theo cách của mình.

Thứ 3, theo TS Hương, phương pháp dạy học ở nhiều trường, mặc dù chúng ta cho rằng phải thoải mái và gần gũi hơn với học sinh nhưng thực chất vẫn rất bảo thủ. Học sinh thiếu các hoạt động xã hội bên ngoài, ít được tìm hiểu cuộc sống nên các em bức bách và chịu áp lực tinh thần cao độ.

“Điều tôi muốn nói cuối cùng là nhiều gia đình và nhà trường chỉ quan tâm đến dạy chữ mà không quan tâm đến đạo đức. Nếu ngày xưa, một vụ đánh nhau có thể gây cho học sinh cảm giác “sốc phản vệ” thì nay, giá trị này không còn đề cao nữa nên khá “hỗn loạn”. Vì vậy, theo tôi, gia đình và nhà trường cần có những thay đổi tích cực, gần gũi hơn với các em để giúp các em vượt qua những mất cân bằng của tuổi mới lớn”, TS Hương nói.

Mỹ Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm