Hà Nội: Vợ chồng nhà giáo mò cua bắt ốc để có tiền đi học nâng chuẩn
(Dân trí) - Câu chuyện mò cua bắt ốc, khâu giày gia công đến rộp tay để có tiền đi học nâng chuẩn của thầy Hà và cô Vân chỉ vừa diễn ra vài năm trước.
Vừa dạy học vừa cấy lúa để bám nghề, không dám sinh con vì lương thấp
Cô Vân ra trường công tác năm 2002. Sau 1 năm dạy hợp đồng, cô vào biên chế năm 2003. Thầy Hà - chồng cô Vân - thi đỗ biên chế muộn hơn vợ 1 năm, sau 6 năm dạy hợp đồng không được đóng bảo hiểm xã hội với mức lương 200.000 đồng/tháng.
Vào biên chế, thầy Hà cô Vân đều phải nhận mức lương bậc thấp nhất cho viên chức có bằng cao đẳng. Thời gian công tác trước đó bị "xóa sổ".
Hai thầy cô đều dạy môn phụ, không có thu nhập từ dạy thêm. Để mưu sinh, thầy Hà cô Vân cấy thêm 4 sào lúa. Lúa cấy năm được năm mất. Sâu bệnh, ốc bươu vàng ăn lúa, năng suất thấp không đủ ăn, thầy Hà nhận thêm công việc may gia công để có tiền nuôi vợ khi đó vừa sinh con đầu lòng. Đó là những năm cuối thập niên 2000.
Kết hôn khi đã nhiều tuổi nhưng thầy Hà cô Vân không dám sinh con thứ hai ngay. Cuộc sống vất vả, đồng lương ít ỏi, mẹ cha già yếu, thầy cô động viên nhau chỉ sinh một con và tập trung cho chuyên môn. Nhiều lần thầy Hà cô Vân định học lên đại học nhưng điều kiện kinh tế không cho phép.
Tại trường, hai thầy cô đều là giáo viên dạy giỏi, nhiều năm là lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua. Thầy Hà có học sinh giỏi cấp thành phố, cô Vân có học sinh giỏi giải nhất, nhì, ba cấp huyện.
Cô Vân không nhớ được hết thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi của hai vợ chồng trong hơn 20 năm sự nghiệp. Nhưng sau giờ dạy, họ vẫn làm thêm nhiều công việc lao động phổ thông mới đủ duy trì cuộc sống tạm ổn ở một vùng ngoại thành của thủ đô.
Năm 2017, vượt qua những lo toan, cô Vân sinh con thứ hai ở tuổi gần 40. Năm 2018, được thầy Hà động viên, cô Vân đi học nâng cao trình độ. Để có 40 triệu đóng học phí, thầy cô nhận thêm công việc khâu giày. Có lần bạn học cầm tay cô Vân xót xa vì các ngón tay đều phồng rộp.
Ngày đi dạy, tối khâu giày, cuối tuần cô Vân chạy xe máy hơn 80 cây số cả đi lẫn về vào Đại học Sư phạm Hà Nội học. Cô Vân nói hai năm học hành đó không gặp tai nạn giữa đường là may mắn.
Quốc lộ 1 nhiều xe tải, xe khách đường dài, cô không ít lần ngã xe vì lốp mòn, mưa lớn trơn trượt hay giật mình vì tiếng còi xe. Một trong những lần ngã xe nặng nhất là do ngủ gật vì chạy xe xa giữa trưa nắng.
Năm 2020, cô Vân nhận bằng đại học khi Luật Giáo dục 2019 vừa có hiệu lực. Lúc này, thầy Hà cũng cần phải đi học nâng chuẩn để đạt chuẩn theo quy định mới.
Để được đi học không dễ dàng. Đại học Sư phạm Hà Nội không mở lớp cho bộ môn của thầy, thầy Hà phải nộp hồ sơ ở Đại học Thái Nguyên. Khoảng cách đi lại càng xa càng tốn kém tiền bạc.
Giáo viên đi học đại học không có chế độ ưu tiên, phải đảm bảo kế hoạch giảng dạy, các nhiệm vụ chuyên môn, tự sắp xếp thời gian đi học hợp lý, không vi phạm thời gian công tác tại trường học.
Thời điểm đó, con đầu lòng của thầy cô đang giai đoạn nước rút chuyển cấp. Vừa lo tiền học cho con, vừa lo tiền học của mình, thầy Hà ra đồng mò cua bắt ốc đem bán. Cô Vân thương chồng, lo lắng phụ huynh học sinh chê cười, mất cả thanh danh nghề giáo.
"Nhưng rồi tôi nghĩ hai vợ chồng tôi không làm gì sai trái. Chúng tôi chỉ đang cố gắng mưu sinh lương thiện phục vụ cho nghề cầm phấn mà cả hai vượt qua bao nhiêu khốn khó để theo đuổi với tất cả đam mê", cô Vân tâm sự.
Năm 2022, thầy Hà tốt nghiệp đại học. Hơn 1 năm trôi qua, thầy chưa được bổ nhiệm lương hạng III mới theo đúng bằng cấp. Như rất nhiều giáo viên khác, thầy Hà đặt nhiều hy vọng vào đợt xét thăng hạng năm nay để được chuyển lương lên hạng II.
Song, hồ sơ của thầy và cô Vân đều bị trả về vì không đủ điều kiện 9 năm giữ bằng đại học theo Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT (Thông tư 08) của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT).
Nhìn học sinh nghèo không nỡ bỏ nghề
Dù đồng lương eo hẹp, thầy Hà cô Vân đều không nghĩ đến chuyện bỏ nghề.
Cô Vân làm công tác chủ nhiệm lớp nhiều năm nay. Nhiều học sinh của cô Vân có hoàn cảnh đặc biệt, cha mẹ đi làm ăn xa, thiếu người chăm sóc. Phụ huynh nhờ cậy, cô Vân lại san sẻ thời gian của mình cho trò, khi mua thuốc thang, khi nấu bát cháo cho trò lúc ốm đau.
Môn của cô Vân dạy không phải môn chính nên có học trò nào yêu thích môn học cô đều chăm chút dạy dỗ hết lòng. Mỗi lần đưa học trò đi thi đạt học sinh giỏi, cô Vân xem đó là món quà cho những nỗ lực của mình với nghề, bù đắp hết những vất vả, tủi buồn.
"Nhìn học trò nghèo mà vẫn cố gắng học hành, tôi lại nghĩ bản thân mình là cô giáo, không thể vì nghèo mà bỏ nghề được", cô Vân tâm sự.
Thầy Hà trong mắt cô Vân là một người thầy đáng kính. Bởi không những không bao giờ than phiền, thầy còn dành tâm huyết rất lớn cho bộ môn vốn dĩ không được nhiều người coi trọng. Cuộc sống khó khăn đến đâu, thầy luôn tìm cách khắc phục, không ngại làm những nghề chân tay để nuôi nghề giáo.
Thầy Hà năm nay 49 tuổi. Chiếu theo quy định của Thông tư 08, năm 57 tuổi thầy Hà mới được hưởng lương hạng II.
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.
Trả lời phóng viên Dân trí về tình trạng mỗi địa phương thực hiện việc thăng hạng giáo viên theo các tiêu chí khác nhau, có nơi không thực hiện trong nhiều năm theo phản ánh của giáo viên, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: "Về nội dung vì sao phải thăng hạng, trách nhiệm của địa phương trong thi thăng hạng... là quy định tại Nghị định 115 của Chính phủ về quản lý viên chức, cơ quan chủ trì là Bộ Nội vụ.
Bộ GD&ĐT quy định tuân thủ Nghị định 115 vì giáo viên là viên chức. Theo thông tin từ Bộ Nội vụ, sắp tới sẽ tham mưu Chính phủ sửa Nghị định 115, trong đó có bỏ hạng viên chức và thi thăng hạng viên chức".