Giáo viên giỏi nhiều năm, vì nghỉ mổ ruột thừa mà không được xét tăng lương
(Dân trí) - Dù đạt chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2019, rất nhiều giáo viên trên cả nước không được xét thăng hạng để hưởng bậc lương mới do những điều kiện "tréo ngoe" kèm theo.
Nhiều năm thành tích không "cứu" được kỳ nghỉ mổ ruột thừa
Cô N.T.M.K. là giáo viên ngữ văn cấp THCS tại Hà Nội. Năm 2016, cô nhận bằng đại học. Cô có 4 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua.
Điều kiện xét chiến sĩ thi đua tại Hà Nội rất khắt khe. Mỗi năm, mỗi đơn vị chỉ được hai suất. Thành tích của cô N.T.M.K. đến từ việc nhiều lần bồi dưỡng học sinh giỏi có giải cấp huyện, cấp thành phố.
Năm học 2017-2018, cô N.T.M.K. thi giáo viên giỏi đạt giải nhất cấp huyện, giải khuyến khích cấp thành phố của Hà Nội.
Tuy nhiên, năm học 2016-2017, cô N.T.M.K. mổ ruột thừa cấp cứu, nằm viện 1 tuần. Sau đó, vì sức khỏe yếu, cô xin nghỉ dạy thêm 2 tuần nữa. Tổng thời gian nghỉ do sức khỏe là 3 tuần. Vì lý do này, cô bị nhà trường xếp loại viên chức hoàn thành nhiệm vụ, không đạt hoàn thành tốt.
Năm học 2019-2020, Hà Nội có đợt xét thăng hạng giáo viên, cô N.T.M.K. nộp hồ sơ nhưng bị trả về với lý do không đạt điều kiện 3 năm liên tiếp hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Chờ thêm 3 năm tới đợt xét thăng hạng năm 2023, cô N.T.M.K. ngỡ ngàng khi một lần nữa hồ sơ của cô bị loại vì Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT (Thông tư 08) của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành ngày 14/4/2023 quy định giáo viên phải có bằng đại học đủ 9 năm mới được thăng hạng từ hạng III lên hạng II. Trong khi đó, bằng đại học của cô mới chỉ được 7 năm 9 tháng.
Câu chuyện "nghỉ ốm không đúng lúc", vì mổ ruột thừa mà lỡ tăng lương suốt nhiều năm của cô N.T.M.K. khiến 1.000 giáo viên trong nhóm kiến nghị thăng hạng liên quan tới Thông tư 08 của Bộ GD&ĐT phải sửng sốt và xót xa.
Theo các Thông tư của Bộ GD&ĐT về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy bậc mầm non và phổ thông công lập, giáo viên được chia thành ba hạng chức danh nghề nghiệp là I, II, III (thứ tự từ cao xuống thấp).
Mỗi hạng có các bậc lương khác nhau tương ứng với hệ số lương khác nhau căn cứ trên thời gian công tác, trình độ đào tạo… Để được xếp lương đúng hạng, đúng bậc, giáo viên cần chờ tới đợt thi hoặc xét thăng hạng viên chức do các Phòng Nội vụ, Sở Nội vụ quy định. Tuy nhiên, mỗi địa phương lại có những quy định khác nhau.
Thầy P.V.H., giáo viên âm nhạc tại Phú Thọ, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Phú Thọ hệ chính quy năm 2003. Năm 2009, sau 6 năm giảng dạy, thầy H. được vào biên chế tại một trường THCS.
Năm 2015, thầy H. có bằng đại học. Trước đó, năm 2014, thầy H. chuyển công tác và được phân công dạy cấp tiểu học cho đến nay.
Năm 2020, địa phương nơi thầy H. công tác thực hiện bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp hạng III mới theo quy định mới (Thông tư 08). Tuy nhiên thầy H. không được bổ nhiệm với lý do không đúng vị trí việc làm. Bộ phận xét duyệt hồ sơ căn cứ vào quyết định xếp lương hạng III cũ của thầy H., trong quyết định đó, thầy H. đang là giáo viên THCS. Còn hiện tại thầy là giáo viên tiểu học.
Cũng theo lời thầy H., từ năm 2012 đến nay, Phú Thọ dừng bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp cho giáo viên có bằng đại học. Người có bằng đại học trước năm 2012 được chuyển hưởng lương đại học ngay. Người có bằng đại học sau năm 2012 chờ đến 11 năm vẫn chưa được nhận đúng bậc lương của mình do địa phương không tổ chức bổ nhiệm.
Nhiều người trong số đó có thành tích cao, có đủ thời gian giữ hạng, có các điều kiện về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chức danh nghề nghiệp… mong chờ đợt xét thăng hạng năm 2023 thì vướng phải quy định đủ 9 năm có bằng đại học.
40 tuổi đi học đại học mong tăng lương nuôi con học đại học, con tốt nghiệp mẹ vẫn chưa được tăng lương
Để đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019, các giáo viên phải có bằng đại học. Trước khi Luật Giáo dục 2019 ban hành, nhiều giáo viên đã chủ động đi học đại học để nâng cao trình độ vượt chuẩn và để nâng lương, mong muốn cải thiện thu nhập.
Dù đi học trong hoàn cảnh nào, giáo viên đều phải tự thu xếp đi học, tự chi trả chi phí, không được hưởng chế độ ưu tiên.
Các giáo viên cho biết, chi phí học đại học hết khoảng 40 triệu nếu ở Hà Nội. Với các cô giáo ở tỉnh, chi phí cao hơn do phải đi lại nhiều hoặc mời thầy về các trung tâm trung gian để giảng dạy. Bên cạnh đó, giáo viên còn phải học chứng chỉ chứng danh nghề nghiệp hạng II và hạng III hết 5 triệu. Mỗi loại chứng chỉ khi thay đổi, hoặc bổ sung điều kiện, giáo viên phải đi học và tự chi trả.
"Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp nhận hồi tháng 2 vừa rồi (năm 2023), giờ theo Thông tư 08 mới phải đổi lại chứng chỉ theo mẫu mới và học thêm 2 chuyên đề nữa. Lại tốn từ 200 - 800.000 đồng tùy vào trường mình học.
Đồng lương thì ít ỏi, 13 năm công tác đang hưởng hạng III cũ, lương mới được 6 triệu, chưa bằng công nhân may mới vào nghề", một giáo viên trong nhóm kiến nghị bày tỏ.
Cô H.T.M.T., giáo viên hóa học tại Hà Nội tâm sự: "Năm 2015, ở tuổi ngoài 40, tôi đi học đại học với mong muốn vừa nâng cao trình độ, vừa được tăng lương để nuôi con trai sẽ vào đại học năm 2017.
Cuối năm 2017, tôi nhận bằng đại học, vượt chuẩn giáo viên do Luật Giáo dục 2019 chưa ra đời. Vậy mà tới đợt xét thăng hạng năm học 2019-2020, hồ sơ của tôi bị loại vì không có thành tích, không đủ 3 năm liên tiếp hoàn thành tốt nhiệm vụ.
3 năm nữa trôi qua, con trai tôi đã tốt nghiệp đại học được gần 2 năm, còn tôi vẫn chưa được tăng lương.
Cả nhà dồn tiền cho mẹ đi học đại học những mong có thêm tiền nuôi con, đến lượt con học con phải tự đi làm thêm, mẹ chật vật vay mượn khắp nơi, vá víu chỗ nọ sang chỗ kia mới vượt qua 5 năm gian khổ.
Con thứ hai của tôi vừa vào đại học. Tôi đinh ninh sẽ được tăng lương lên hạng II mới, có thêm tiền nuôi con. Nhưng Thông tư 08 ra đời khiến mọi hy vọng sụp đổ vì tôi phải chờ thêm 3 năm nữa mới đủ điều kiện. Khi đó, con tôi cũng chuẩn bị ra trường".
Chị N.H.G., một giáo viên lịch sử 47 tuổi, vừa có bằng đại học cách đây hơn 1 năm, cũng chật vật với việc học tập nâng chuẩn theo yêu cầu của Luật Giáo dục 2019 ở tuổi trung niên. Thời điểm mà các gia đình đang ưu tiên mọi tiềm lực tài chính cho việc học hành của con cái, các giáo viên thế hệ 7x như cô G. lại phải lo cả hai việc đồng thời: việc học của con và việc học của chính mình.
Cô G. tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Tây (cũ) năm 1998, ra trường dạy hợp đồng với mức lương 180.000 đồng/tháng. Năm 2001, cô G. nộp hồ sơ đi học đại học thì mang thai lần hai. Do lần đầu không giữ được thai, cô G. đành bỏ việc học theo yêu cầu của gia đình để đảm bảo sức khỏe, mẹ tròn con vuông.
Năm 2009, cô G. đỗ viên chức cách nhà 10km. Con nhỏ, mẹ già, chồng làm bộ đội ở xa, cô G. không dám nghĩ đến việc đi học. Hằng ngày, sau giờ dạy, cô nhận may gia công tại nhà để kiếm thêm thu nhập. Đến đêm, cô lên mạng tự tìm hiểu tài liệu để tự học các phần mềm, phương pháp dạy học mới.
Năm 2015, cô G. nộp hồ sơ học đại học nhưng không tìm được lớp. Cô phải chờ đến 4 năm, tức năm 2019, mới có thể nhập học. Đó cũng là năm con trai cô vào đại học.
Hơn 2 năm cả mẹ và con học đại học là 2 năm khốn khó. Lương mẹ 7.000.000 đồng/tháng, nuôi con học hết 6 triệu đồng/tháng. Cô G. phải sống phụ thuộc vào lương chồng.
Theo quy định của Thông tư 08, cô G. phải chờ thêm gần 8 năm nữa mới đủ 9 năm giữ bằng đại học, được chuyển từ giáo viên hạng III lên hạng II. Khi đó, cô G. 55 tuổi. Cô sẽ được hưởng mức lương mới 1 năm trước khi ngày về hưu.
Cô Lê Thị Luân - Giáo viên Trường THCS Thanh Đa, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội, một trong những giáo viên đứng đơn kiến nghị gửi lên các cấp thẩm quyền - khẳng định, Thông tư 08 ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của giáo viên, đặc biệt ảnh hưởng tới các giáo viên có thâm niên, có nhiều năm công tác và cống hiến cho ngành giáo dục.
Các giáo viên rất vất vả để có tấm bằng đại học, tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc. Nhiều giáo viên phải chờ đến 5-6 năm mới có trường đại học mở lớp để được học nâng cao trình độ, và sau này là học để đạt chuẩn Luật Giáo dục 2019.
Giáo viên đi học không được nhà trường hỗ trợ về kinh phí. Họ phải học vào cuối tuần, hoặc ngoài giờ hành chính, đảm bảo vừa đi học vừa đi dạy đủ số tiết theo quy định, hoàn thành đầy đủ các nhiệm vụ chuyên môn.
Với những giáo viên cao tuổi, thời gian công tác không còn dài, học lên cao vừa là nhu cầu tự thân, vừa là nhiệm vụ nghề nghiệp. Tuy nhiên, có tấm bằng đại học trên tay, những giáo viên này không được bổ nhiệm ngay chức danh nghề nghiệp mới do mỗi địa phương thực hiện một chủ trương khác nhau. Thông thường, họ phải chờ đợt thi/xét thăng hạng. Các đợt thi/xét thăng hạng viên chức tại địa phương không theo định kỳ.
Thông tư 08 ra đời khiến cho cơ hội tăng lương của nhiều giáo viên bằng "0" khi chờ đủ số năm quy định thì họ đã về hưu.