Hà Nội: Vì sao tuyển sinh lớp 10 “loạn” như sàn chứng khoán?

(Dân trí) - Trường ngoài công lập “nhảy múa” điểm chuẩn và “loạn” phí giữ chỗ, trường công lập phụ huynh không được cung cấp đủ thông tin về phổ điểm khiến nhiều người không biết con mình ở mức điểm nào để chọn trường… - đó là hàng loạt vấn đề đang xảy ra ở kì tuyển sinh vào lớp 10 THPT của Hà Nội năm nay.

Trường ngoài công lập “phá rào” vì cơ chế tự chủ?

Vài ngày qua, sự việc tại Trường THCS-THPT Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã khiến nhiều phụ huynh bức xúc, khóc dở mếu dở bởi điểm chuẩn liên tục “nhảy múa” và thay đổi đến 4,5 điểm chỉ sau một đêm.

Cụ thể, sáng 30/6, nhà trường thông báo 46 điểm, sáng hôm sau lên 49. Đến chiều cùng ngày, trường thông báo nhảy vọt lên 50,5 điểm.

Trường thu phí ghi danh 2 triệu đồng/học sinh, nhiều phụ huynh đã đóng để giữ chỗ cho con. Nhưng sau đó trường lại thay đổi điểm chuẩn theo giờ khiến phụ huynh chạy theo không kịp.

Thậm chí một số phụ huynh phản ánh, nhà trường còn “phá rào” nhận cả những hồ sơ chỉ đạt 45 điểm, thấp hơn mức điểm chuẩn ban đầu 1 điểm vì đã nộp phí ghi danh nghĩa là nghiễm nhiên được thêm một điểm cộng.

Không chỉ Trường THCS-THPT Tạ Quang Bửu, phụ huynh cũng phản ánh Trường THCS Lương Thế Vinh thu 6 triệu đồng gồm các khoản khi học sinh nộp hồ sơ. Tuy nhiên, khi rút hồ sơ, nhà trường cho biết không trả lại các khoản này bởi nhà trường đã có thông báo từ trước.

Ngoài ra, còn nhiều trường khác cũng trong tình trạng tương tự mà phụ huynh phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" bởi nếu rút hồ sơ, có người mất vài chục triệu đồng đã đóng để "giữ chỗ".

Được biết ngay sau khi có thông tin báo chí phản ánh, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có 2 văn bản yêu cầu Trường Tạ Quang Bửu và Lương Thế Vinh hoàn trả các khoản phí và tạo điều kiện nếu thí sinh rút hồ sơ.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh đặt ra câu hỏi: “Không chỉ riêng hai trường này, nhiều trường ngoài công lập ở Hà Nội hiện đang vin vào cớ được tự chủ, tạo luật riêng mà không theo bất cứ chuẩn nào, không có ngưỡng nào để phụ huynh học sinh làm căn cứ? Chỉ khi nào báo chí truyền thông phát hiện ra sai sót, trường đó mới bị “tuýt còi” và yêu cầu “rút kinh nghiệm”? Nên chăng cần có một quy định chung gì đó cho khối trường này."

Lý giải với PV Dân trí về sự việc trên, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - ông Chử Xuân Dũng cho rằng, trường tư không có điểm chuẩn. Các trường được tự chủ, điểm bao nhiêu là do trường quyết định. Điều này đồng nghĩa với việc nhận học sinh nào là quyền của họ, miễn học sinh đó đã tốt nghiệp THCS. Như vậy mới là tự chủ, được quyền.

3 thời điểm, 3 mức điểm chuẩn khác nhau của Trường THCS& THPT Tạ Quang Bửu, Hà Nội.
3 thời điểm, 3 mức điểm chuẩn khác nhau của Trường THCS& THPT Tạ Quang Bửu, Hà Nội.

Phụ huynh, học sinh mù tịt thông tin vì Sở GD&ĐT Hà Nội không cung cấp phổ điểm thi?

Trong khi khối trường ngoài công lập đang có “luật riêng” vì cơ chế tự chủ, ở khối trường công lập, phụ huynh càng sốt ruột không kém. Nguyên nhân do việc Sở GD&ĐT Hà Nội không cung cấp đầy đủ thông tin về phổ điểm khiến phụ huynh tù mù không biết đâu mà lần. Nhiều người cho rằng Hà Nội có thể có cách thức để việc tuyển sinh không “bấn loạn” như hiện nay.

Bà Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh Hà Nội trần tình, để xảy ra tình trạng này, một phần do lỗi từ việc cung cấp thông tin ban đầu từ Sở GD&ĐT Hà Nội.

Sở hoàn toàn có thể cung cấp thông tin về điểm số ngay từ đầu. Tại sao đơn vị này không công khai thống kê điểm của các trường cho phụ huynh học sinh?

Ví dụ, Sở hoàn toàn có thể công khai về số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng vào trường, chỉ tiêu trường được tuyển, phổ điểm, số lượng điểm cao, số lượng điểm thấp.

“Như thế phụ huynh có thể hình dung được ngay con mình đang có mức điểm ở top trường nào: Trường top đầu, giữa hay cuối. Sau đó, họ có thể chọn các trường căn cứ vào điểm chuẩn năm ngoái để yên tâm hơn”, cô Dương cho biết.

Còn theo một phụ huynh, việc Sở GD&ĐT không cung cấp phổ điểm thi khiến phụ huynh và học sinh mù tịt thông tin. Lúc công bố điểm chuẩn trường công lập, phụ huynh mới biết điểm chuẩn năm nay giảm mạnh và một cuộc chạy đua rút hồ sơ chỗ nọ, nộp hồ sơ chỗ kia. Nhiều trường cũng tranh thủ “nhảy” điểm chuẩn như sàn chứng khoán, thu phí ghi danh... gây "loạn".

Phụ huynh và học sinh Hà Nội rơi vào cuộc chạy đua bở hơi tai vì cách thức tuyển sinh thiếu hợp lý.
Phụ huynh và học sinh Hà Nội rơi vào cuộc "chạy đua" bở hơi tai vì cách thức tuyển sinh thiếu hợp lý.

TPHCM: Tuyển sinh lớp 10 không “sốc nhiệt” như Hà Nội

Trong khi cũng là địa phương có số học sinh lớn nhất nhì cả nước, TP Hồ Chí Minh có cách thức tuyển sinh phù hợp hơn, do đó không có tình trạng rút/ nộp hồ sơ "bấn loạn" như trên đây.

Trao đổi với chúng tôi về việc trường ngoài công lập có tự chủ tới mức muốn làm gì thì làm, ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng phòng Khảo thí & Kiểm định Chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh) cho biết, mặc dù là ngoài công lập nhưng địa phương này cũng yêu cầu các trường tuân thủ một số nguyên tắc tuyển sinh, Sở vẫn phải quản lý, không phải trường muốn gì làm nấy.

"Dù là ngoài công lập, được cơ chế tự chủ nhưng chúng tôi vẫn có một số yêu cầu và quy định rõ trong văn bản ngay từ đầu kì tuyển sinh để tránh xáo trộn", ông Hoàng cho biết.

Trao đổi với PV Dân trí, một cán bộ Phòng Khảo thí & Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh) cho hay, năm nay địa phương này có 105.000 học sinh tốt nghiệp lớp 9 nhưng tổng chỉ tiêu chỉ tiêu vào lớp 10 của các trường công lập chỉ khoảng 70.000. Như vậy sẽ có khoảng 35.000 học sinh sẽ phải theo học lớp 10 tại các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm hướng nghiệp.

Tuy nhiên, việc tuyển sinh vào lớp 10 của địa phương này diễn ra nhẹ nhàng, không “sốc nhiệt” như TP Hà Nội.

“Ngay sau khi thi, đủ thời gian các em phúc khảo xong, chúng tôi công bố phổ điểm. Trên cơ sở đó, có thể thống kê được phổ điểm của thí sinh trong năm nay. Chúng tôi công bố ngay để phụ huynh nắm được chứ dấu diếm làm gì”, cán bộ này cho biết.

Cũng theo cán bộ này, nếu ở Hà Nội, điểm “sàn” được đưa ra khi tuyển sinh vào lớp 10, khiến phụ huynh và học sinh chạy đua "bở hơi tai" từ việc nộp/rút hồ sơ thì ở TPHCM, học sinh đăng kí nguyện vọng vào trường ngay từ đầu.

Cùng với đó, mỗi em được 2 nguyện vọng (NV) bổ sung nếu trượt NV 1. Nguyện vọng bổ sung theo nguyên tắc NV1 cao hơn NV2 tối đa không quá 1 điểm. Còn NV3 cao hơn NV2 tối đa ko quá không quá 1 điểm.

Sau khi có kết quả tuyển sinh, nhà trường niêm yết danh sách trúng tuyển. Học sinh tuyệt đối không đổi nguyện vọng sau khi công bố kết quả tuyển sinh. Sở GD&ĐT cũng như các trường THPT đều không nhận đơn cũng như không giải quyết việc xin đổi nguyện vọng ưu tiên. Các trường chỉ nhận hồ sơ thí sinh có trong sách trúng tuyển vào lớp 10 của đơn vị mình để tránh nhận hồ sơ ngoài luồng.

Mỹ Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm