Hà Nội: "Tri thức làm nên giá trị con người" vào đề thi Ngữ văn lớp 10
(Dân trí) - Nội dung về tình đồng chí của những người lính cách mạng hay câu chuyện về "tri thức làm nên giá trị con người" được đưa vào đề thi Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022 tại Hà Nội.
Cô Tạ Minh Thủy, giáo viên Ngữ văn ở Hà Nội cho biết, về cơ bản, cấu trúc đề thi vẫn như cấu trúc các năm trước gồm có 2 phần:
Phần I: Phần này sẽ chiếm 6 điểm tổng số điểm toàn bài. Phần 2: Chiếm 4 điểm tổng số điểm bài thi.
Ở phần I, bao gồm 3 câu hỏi xoay quanh 7 câu thơ đầu trong tác phẩm "Đồng chí" của nhà thơ Chính Hữu. Các câu hỏi được đưa theo từng mức độ từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng cao.
Cụ thể, câu hỏi 1 yêu cầu học sinh ghi lại năm sáng tác, xuất xứ của bài thơ.
Câu 2, học sinh cần vận dụng viết đoạn văn theo phép lập luận tổng - phân - hợp làm rõ cơ sở hình thành của tình đồng chí. Đoạn văn sử dụng phép lặp để liên kết và câu ghép.
Câu hỏi 3, yêu cầu học sinh rút ra được nhận xét về vẻ đẹp của những anh bộ đội Cụ Hồ qua câu thơ "Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới". Như vậy, học sinh cần phải ghi nhớ được những chi tiết nhỏ, buộc học sinh phải học kĩ tác phẩm.
- Ở phần II, bao gồm 2 câu hỏi chiếm 4 điểm, xoay quanh câu chuyện về chuyên gia Xten-mét-xơ sửa máy. Qua đó, học sinh cần đạt mức độ thông hiểu để lí giải dòng chữ ghi trong giấy biên nhận của chuyên gia.
Câu 2 yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về ý kiến "Phải chăng tri thức làm nên giá trị con người?".
Nhìn chung, đề thi tuyển sinh của Hà Nội năm học 2021-2022 môn Ngữ văn được đánh giá là vừa sức, bám sát với nội dung chương trình cơ bản, không có nhiều thử thách, không đánh đố học sinh.
Số lượng câu hỏi và độ khó cũng đã được giảm để phù hợp với tình hình khó khăn do học sinh phải học online dài ngày, thời gian thi rút ngắn. Nắm chắc những kiến thức cơ bản và có kĩ năng làm bài, học sinh đều có thể làm tốt.
Theo TS Phạm Hữu Cường, Giáo viên môn Ngữ văn tại Hà Nội, so với đề thi năm 2020, đề thi năm nay có sự điều chỉnh về thời gian, về điểm số giữa 2 phần. Số lượng câu hỏi trong đề cũng giảm bớt.
Mặc dù đề thi không mới nhưng khá hay, nhất là câu nghị luận xã hội, khi yêu cầu thí sinh bàn luận về ý kiến: "Phải chăng tri thức làm nên giá trị con người".
Mức độ kĩ năng và kiến thức mà đề yêu cầu rất trọng tâm, cơ bản, nhưng vẫn có khả năng phân loại thí sinh nhờ Câu 3, Phần I và Câu 2 Phần II, nên tôi cho rằng, đề thi phù hợp với mục tiêu tuyển chọn vào lớp 10 THPT.