Hà Nội thi tuyển hiệu trưởng công lập: Làm thế nào để minh bạch?

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Lần đầu tiên, Hà Nội tổ chức thi tuyển chức danh hiệu trưởng trường công lập.

Sở GD-ĐT Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thí điểm thi tuyển chức danh hiệu trưởng cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Sở năm 2022.

Hai chức danh thi tuyển là Hiệu trưởng trường THPT Bất Bạt và Hiệu trưởng trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu.

Thời gian tổ chức thi viết vào ngày 11/5/2022; thi trình bày đề án từ ngày 31/5 đến ngày 2/6/2022. Nội dung thi trình bày đề án bao gồm cả thi kỹ năng trình bày, giao tiếp, ứng xử, giải quyết tình huống quản lý, phong cách lãnh đạo; trả lời các câu hỏi chất vấn của Hội đồng thi tuyển và những người tham dự.

Hà Nội thi tuyển hiệu trưởng công lập: Làm thế nào để minh bạch? - 1

Lần đầu tiên, Hà Nội tổ chức thi tuyển chức danh hiệu trưởng trường công lập (Ảnh minh họa: Mỹ Hà).

Đối tượng đăng ký tham gia dự tuyển bắt buộc gồm: Viên chức được cấp có thẩm quyền phê duyệt là nguồn quy hoạch của chức danh Hiệu trưởng trường THCS Bất Bạt và Hiệu trưởng trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu phải tham gia đăng ký dự tuyển tại trường.

Nếu không đăng ký tham gia dự tuyển thì hằng năm khi rà soát danh sách quy hoạch, cơ quan có thẩm quyền xem xét, đưa ra khỏi danh sách quy hoạch.

Đối tượng trong nguồn quy hoạch được quyền không đăng ký tham gia dự tuyển khi đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức hoặc bị ốm đang điều trị nội trú tại bệnh viện được cơ quan y tế có thẩm quyền từ cấp huyện trở lên xác nhận; đang trong thời gian được cử đi học tập ở nước ngoài; cán bộ, công chức, viên chức nữ đang trong thời gian nghỉ thai sản.

Đối tượng đăng ký tham gia dự tuyển tự nguyện gồm: Công chức, viên chức đang công tác tại Sở GD-ĐT Hà Nội và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở; cán bộ, công chức, viên chức không công tác tại Sở GD-ĐT Hà Nội và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở - nếu có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo yêu cầu chức danh thi tuyển và nằm trong quy hoạch chức danh tương đương với chức danh thi tuyển thì được quyền đăng ký dự tuyển nếu được cấp có thẩm quyền quản lý nơi đang công tác đồng ý cho phép tham gia dự tuyển.

Trường hợp qua theo dõi phát hiện nhân tố mới hoặc do không bảo đảm nguyên tắc có số dư (khi thu nhận hoặc thẩm định hồ sơ), tập thể lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội quyết định đề cử nhân sự.

Nhân sự được đề cử tham gia dự tuyển phải được cấp có thẩm quyền quản lý nơi đang công tác đồng ý cho phép tham gia dự tuyển nếu không thuộc thẩm quyền quản lý của Sở GD-ĐT Hà Nội. Nhân sự được đề cử chỉ được dự tuyển đối với chức danh cao hơn liền kề 1 bậc.

Thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi từ ngày 22/3 đến hết ngày 15/4/2022. Từ ngày 25/4 đến ngày 10/5/2022, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ thông báo danh sách người đủ điều kiện dự thi.

Hà Nội thi tuyển hiệu trưởng công lập: Làm thế nào để minh bạch? - 2

Nên cho phép giáo viên tham gia vào quá trình lựa chọn hiệu trưởng nhà trường (Ảnh: Đỗ Linh).

Hiệu trưởng không chỉ chăm chăm giữ ghế

Hiện nay, hiệu trưởng ở nhiều trường trong cả nước chủ yếu được đề bạt theo quy hoạch rồi ở vị trí hiệu trưởng cho đến lúc về hưu. Chỉ có một số trường hợp hiếm hoi buộc phải thôi chức do vi phạm pháp luật.

Với thực tế ở các trường phổ thông hiện nay, theo ý kiến của nhiều thầy cô, cần phải thông qua thi tuyển chức danh hiệu trưởng một cách khách quan, công bằng.

Không riêng Hà Nội, trước đó, nhiều địa phương trên cả nước tổ chức thi tuyển chức danh hiệu trưởng như: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tuyên Quang… và được dư luận ủng hộ. 

Thầy Nguyễn Văn Hòa, người sáng lập hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) hoàn toàn tán thành với việc tổ chức thi tuyển chức danh hiệu trưởng của trường công lập. Theo nhà giáo này, đấy là xu thế tất yếu của việc đổi mới. 

"Giáo dục muốn phát triển, cần có đội ngũ hiệu trưởng năng động, sáng tạo. Hiệu trưởng không chỉ là giáo viên, chuyên hò hét quản lý nhân viên khiến họ rất áp lực. Hiệu trưởng phải là nhà tâm lý, giáo dục, luôn cập nhật cái mới chứ không chỉ chăm chăm giữ ghế", thầy Hòa chia sẻ.

Theo nhà giáo này, việc thi tuyển chức danh này tương tự tranh cử vào đại biểu Quốc Hội. Theo đó, hiệu trưởng phải thể hiện được tài năng. 

Nhà giáo này lần nữa khẳng định, chủ trương hoàn toàn tốt nhưng quan trọng thi cử sao cho minh bạch, tránh tiêu cực công khai. Đặc biệt, nên cho phép giáo viên được quyền lựa chọn người lãnh đạo cho mình. 

Dưới góc nhìn này, nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng tán thành.

Tuy nhiên, điều ông quan tâm là làm sao để việc thi tuyển này minh bạch, người hiệu trưởng đó phải có đề án phát triển trường học ra sao chứ không chỉ đề ra chung chung.

Hiệu trưởng cần có cam kết thực hiện và bị cơ quan chức năng giám sát chứ không phải đề xuất xong để đấy.   

Thứ hai, hội đồng tuyển chọn đó gồm những ai? "Theo tôi, nên cho phép giáo viên được phép lựa chọn lãnh đạo thay vì chỉ có đội ngũ cơ quan quản lý nhà nước lựa chọn", thầy Tùng Lâm nói. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm