Hà Nội: Phụ huynh trẻ mầm non mong mỏi ngày con được đến trường
(Dân trí) - Thành phố Hà Nội đã cho học sinh từ lớp 1 - 6 quay trở lại trường học từ ngày 6/4 khiến phụ huynh mừng vui. Tuy nhiên, một bộ phận phụ huynh có con học mầm non lại đang mắc kẹt với việc trông con nhỏ.
Trông ngóng ngày con được đến trường
Ngày 4/4, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội quyết định đồng ý cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 quay trở lại trường học. Phụ huynh khấp khởi mừng vui trước thông tin này, có người còn nói vui rằng "ngày giải phóng phụ huynh đến rồi".
Tuy vậy, mới chỉ có một bộ phận phụ huynh được "giải phóng" hoàn toàn, bởi rất nhiều phụ huynh của trẻ mầm non vẫn đang mắc kẹt, loay hoay với việc trông con nhỏ.
Chị Nguyễn Thanh Quyên, ở Ngọc Khánh, Hà Nội, có hai con nhỏ - một học tiểu học, một đang ở lứa tuổi mầm non - chia sẻ: "Với tính chất công việc làm ca kíp nên để có thể chăm sóc hai cháu, một cháu năm nay học lớp 4, một cháu 4 tuổi, vừa tiểu học, vừa mầm non, quả thực thời gian qua, tôi và gia đình nhỏ đã rất vất vả. Có những lúc chúng tôi đều cảm thấy kiệt sức vì vừa đi làm, vừa chăm con nhỏ".
Có những lần chị Quyên phải nhờ ông bà chăm cháu nhưng các cụ đã già yếu, lại có khoảng thời gian bị mắc Covid-19, nên hầu như vợ chồng chị tự túc chuyện chăm con.
"Tôi cũng từng tính đến việc cho con tham gia các nhóm học tự phát trong khu dân cư, nhưng xét thấy vừa không đảm bảo các tiêu chí chuẩn về giáo dục và y tế, vừa có chi phí cao, gia đình tôi không thể kham nổi. Nhóm học tự phát báo giá mỗi ngày học bán trú từ 8h sáng đến 5h chiều của bé mẫu giáo là 550.000-800.000 đồng. Tôi nhẩm tính nếu cho con học 20 ngày/tháng, chúng tôi phải chi gần 10 triệu đồng cho một bé. Vì vậy, chúng tôi quyết định tự xoay xở", chị cho hay.
Bé 4 tuổi ở nhà dù thoải mái song cũng không thể nào bằng đi học, được các cô giáo rèn giũa nề nếp. Đặc biệt, các con lại đang trong giai đoạn vàng để phát triển trí tuệ, nên chị Quyên cảm thấy tiếc cho con vô cùng. Mặc dù các cô giáo ở trường mầm non mà bé đang theo học cũng thường xuyên gửi các clip bài giảng nhưng con không tiếp thu được nhiều, vì sự tập trung ở độ tuổi mầm non còn kém.
"Các con nhanh bị chán và rất thèm có bạn chơi. Trong khi anh cháu phải học, bố mẹ đi làm, về nhà chơi được với con khoảng 1-2 tiếng là đến giờ ăn, ngủ. Đó là chưa kể hệ lụy về an ninh, an toàn khi để hai anh em còn bé ở nhà một mình như vậy trong lúc bố mẹ đi làm. Từ khi trường học đóng cửa vì đại dịch, nhà tôi đã phải lắp đặt thêm lưới ở ban công cũng như kiểm tra các chốt khóa kỹ, lắp thêm 2-3 camera ở các góc nhà để có thể kiểm soát các cháu từ xa, song đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. Nếu thực sự thời gian "thất học" của các con kéo dài hơn nữa thì tôi không biết sẽ phải xoay xở ra sao".
Chính vì hoàn cảnh này, chị Quyên mong mỏi từng ngày việc các con được đến trường trở lại. "Tôi cho rằng để trẻ quay trở lại trường học bây giờ, đặc biệt là cấp mầm non và tiểu học, là quyết định đúng đắn và kịp thời. Bởi lẽ xã hội đã và đang bắt dần lại nhịp sinh hoạt như trước kia và thích ứng linh hoạt hơn. Gia đình tôi cũng đã vượt qua nhẹ nhàng khi bị lây nhiễm biến thể omicron, nên tôi không quá lo nếu cháu có bị lây lại ở trường".
Muốn con đi học lắm rồi, nhưng mà học ở đâu?
Chị Thảo Phương (Nam từ Liêm, Hà Nội), là phụ huynh của bé 3 tuổi rưỡi, học mầm non tư thục tâm sự: "Gia đình mình có một bạn nhỏ trong độ tuổi mầm non đã nghỉ học gần một năm nay. Bố mẹ thật sự mong muốn tới ngày con được tới trường trở lại. Không thể phủ nhận rằng một năm qua các bạn nhỏ đã rất thiệt thòi khi không được tới trường, không được biết thêm nhiều kỹ năng và gặp gỡ giao tiếp bạn đồng trang lứa.
Tuy nhiên, có một số vấn đề gia đình đang phải cùng bàn bạc và tìm phương án phù hợp. Phần đông các trường mầm non tư thục gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động giữa mùa dịch bệnh. Do vậy, việc tìm trường học mới cho con quay trở lại cũng là một vấn đề. Hiện tại, gia đình cũng đang lên các phương án tìm trường mới cho con vì trường cũ không còn hoạt động nữa".
Gia đình chị Phương đặt ra một loạt vấn đề cần xem xét khi lựa trường mầm non, bao gồm: điều kiện tài chính, khu vực địa lý, mong muốn về phương pháp giáo dục, điều kiện ăn ở (khu vệ sinh cũng cần xem có trơn trượt không, có sạch không), chế độ ăn uống, nguồn thực phẩm, diện tích lớp học, sĩ số lớp, học ngoại ngữ…
Chị Phương cũng đang chuẩn bị tâm lý cho con để bé có thể thích ứng với môi trường học tập và hòa nhập với bạn bè sau một thời gian dài chỉ ở nhà. "Việc đi học đối với các bạn mầm non, dù không kể là sau mùa dịch bệnh thì các con cũng cần một thời gian làm quen môi trường mới, bạn mới, cô mới. Vì vậy, gia đình mình cũng đã nói chuyện với con về việc sắp tới con sẽ quay lại trường học để con không bị đột ngột và tạo tâm lý hứng khởi, thoải mái cho con", chị Phương nói.
Gia đình chị Thu Hương (Hoài Đức, Hà Nội) có hai con nhỏ, một bé đang học tiểu học, một bé độ tuổi mầm non cho biết: "Khi nghe tin Hà Nội cho học sinh tiểu học trở lại trường từ 6/4, tôi khá bất ngờ. Mặc dù vui cho con lớn được tới trường trở lại nhưng lại lo cho đứa con nhỏ".
Một năm vừa qua, gia đình chị Hương sắp xếp ở hai anh em ở nhà tự trông lẫn nhau, bố mẹ đi làm. Cơm nước đã được mẹ nấu sẵn, đến giờ cơm trưa anh lớn sẽ hâm nóng bằng lò vi sóng. Ăn cơm xong, anh học bài, em chơi đồ chơi, hoặc nếu anh không phải học thì hai bé chơi với nhau. Nhà anh chị cũng đã lắp camera để bố mẹ trông con từ xa.
Vì đã diễn ra cách sinh hoạt này trong thời gian dài nên đứa con nhỏ của chị Hương đã quen quấn quýt với anh trai, ngại tới trường. "Mình mới hỏi con là anh trai sắp đi học ở trường rồi, em cũng đi học nhé! Cậu nhóc liền phản đối, nói là: "Con đi học với anh cơ, lúc anh học trong lớp thì con ngồi ngoài chờ", chị Hương kể.
Trên thực tế, chị Hương lo nhất là chưa tìm được chỗ gửi con ở thời điểm hiện tại. "Có thể mình phải khắc phục bằng cách cho con theo cùng đến chỗ làm hàng ngày trong thời gian tìm nhóm học mầm non ở khu chung cư, tìm được cô giáo nhận trông".