Hà Nội: Hiệu trưởng Trường THPT Thăng Long nói về tỷ lệ chọi thấp bất ngờ
(Dân trí) - Tỷ lệ chọi vào Trường THPT Thăng Long năm nay là 1,27, thuộc nhóm 3 trường có tỷ lệ chọi thấp nhất các quận nội thành Hà Nội.
Sáng 17/5, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố số lượng thí sinh dự tuyển vào lớp 10 năm học 2023-2024. Dẫn đầu về tỷ lệ chọi là Trường Tiểu học, THCS và THPT Khương Hạ, một ngôi trường mới thành lập được 3 năm.
Đáng chú ý, Trường THPT Thăng Long - ngôi trường được xem là sở hữu bề dày thành tích hàng đầu Hà Nội - lọt nhóm 3 trường có tỷ lệ chọi thấp nhất khu vực các quận nội thành với 1,27, cùng hạng với Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai) và cao hơn Trường THPT Trần Nhân Tông (1,24).
Theo đó, số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Thăng Long là 856. Có 27 thí sinh đăng ký nguyện vọng 2 và 6 thí sinh đăng ký nguyện vọng 3. Chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm nay là 675, tỷ lệ đỗ là 78,85%.
So với các trường trong cùng khu vực tuyển sinh số 2, Trường THPT Thăng Long có tỷ lệ đỗ cao nhất.
Tỷ lệ chọi của Trường THPT Thăng Long trở thành đề tài được bàn luận rôm rả trên một diễn đàn lớn của phụ huynh Hà Nội. Nhiều phụ huynh nhắc lại "câu chuyện lịch sử" năm 2019 khi Trường THPT Thăng Long giảm điểm chuẩn từ 40 xuống 30, đồng thời tuyển nguyện vọng 3 (nguyện vọng tràn) đối với thí sinh khu vực 1, 2, 3, 4 mới đủ chỉ tiêu.
Tuy nhiên, nhóm các phụ huynh có con đăng ký vào Trường THPT Thăng Long lại có suy nghĩ khác.
Chị Thủy (Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội) - phụ huynh học sinh Trường THCS Lê Ngọc Hân - cho biết, lớp con gái chị có con và ba bạn khác đăng ký thi Trường THPT Thăng Long. Trong các kỳ thi thử liên tiếp của trường và quận, bốn học sinh này đều có mức điểm từ 40 trở lên.
"Khi đăng ký cho con vào lớp 10, tôi định hướng con chọn trường dựa trên năng lực của con, kết hợp với điểm thi thử trung bình mà con đạt được qua các vòng thi, chứ không dựa trên trào lưu, cũng không đánh liều. Bản thân là giáo viên tiếng Anh, dạy nhiều học sinh của các trường khác nhau, tôi nhận thấy học sinh đăng ký vào Trường THPT Thăng Long đều từ mức khá giỏi trở lên. Những bạn ở mức "chới với" thường sẽ không đăng ký.
Do đó, khi nhiều phụ huynh đề cập đến câu chuyện điểm chuẩn năm 2019, lo lắng lịch sử sẽ lặp lại, hoặc hân hoan vì tỷ lệ chọi thấp, thì tôi lại không dám mừng. Bởi vì tỷ lệ chọi không có ý nghĩa nhiều khi lượng thí sinh tuy ít mà "chất". Mặc dù vậy, số lượng thí sinh ít thì con đường mà con mình đi cũng rộng hơn đôi chút.", chị Thủy chia sẻ.
Cùng quan điểm, chị Thùy Anh (phụ huynh học sinh trường THCS Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng tỷ lệ chọi hay điểm chuẩn trong một năm học không đánh giá được chất lượng của một ngôi trường. Chị Thùy Anh đã làm đơn đổi khu vực tuyển sinh để con được dự tuyển vào Trường THPT Thăng Long và sẵn sàng chuyển chỗ ở nếu con trúng tuyển vào trường để thuận tiện cho việc đi lại.
"Nhìn tỷ lệ chọi, thú thực tôi cảm thấy mừng. Nhưng không dám mừng quá. Những năm qua, trường đều có tỷ lệ chọi ở mức trung bình, nhưng ngoại trừ năm 2019, điểm chuẩn vào trường luôn ở mức cao, trung bình 8 điểm mỗi môn mới đỗ", chị Thùy Anh nói.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Trung Tín - Hiệu trưởng Trường THPT Thăng Long khẳng định: "Tỷ lệ chọi của trường năm nay không chênh lệch nhiều so với các trường trong cùng khu vực tuyển sinh. Tỷ lệ chọi cũng không phải là căn cứ để dự báo điểm chuẩn".
Ông Lê Trung Tín cũng chia sẻ thêm, ngoài các thí sinh đăng ký dự tuyển vào trường, trường sẽ dành chỉ tiêu cho các thí sinh không đỗ vào các trường chuyên của Hà Nội nhưng có mức điểm cao.