Hà Nội: Gần 20.000 học sinh "thiếu cửa" vào trường cấp 3 công lập

(Dân trí) - Mặc dù số lượng học sinh vào lớp 10 của Hà Nội năm nay không quá đông nhưng sĩ số học sinh/lớp giảm khiến nhiều trường công lập phải giảm chỉ tiêu khiến cuộc đua vào lớp 10 THPT năm nay thêm căng thẳng.

Trường công giảm sĩ số

Theo NGƯT Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng Hiệu trưởng THPT Wellspring, năm nay Hà Nội có số lượng học sinh vào THPT ít hơn năm ngoái nhưng chỉ tiêu vào các trường công lập sẽ ít, không như mong muốn.

Nếu trước đây, mỗi lớp gánh đến khoảng 50 học sinh/lớp thì nay, trường công lập cũng không cõng nổi nên chỉ tiêu các trường sẽ không cao khiến nhiều em sẽ phải vào trường ngoài công lập.

Ông Trịnh Hùng Sơn, Hiệu trưởng THPT Lý Thái Tổ cũng cho biết, số lượng vào trường công lập năm nay có hạn do phải giảm sĩ số xuống đúng chuẩn nên học sinh bị đẩy ra các trường dân lập sẽ nhiều hơn.

Được biết, năm học 2016-2017, toàn thành phố Hà Nội dự kiến có 81.500 học sinh tốt nghiệp THCS, số lượng chỉ tiêu vào hệ THPT có 67.500 học sinh (năm 2015 là 72.110 học sinh). Trong đó, các trường THPT công lập tuyển 53.000 học sinh (năm 2015 là 56.840 học sinh), trường ngoài công lập tuyển 14.500 học sinh (năm 2015 là 15.270 học sinh), còn lại là chỉ tiêu các trường Trường chuyên nghiệp và TT Giáo dục thường xuyên. Với chỉ tiêu năm nay, nhiều học sinh sẽ phải học trường ngoài công lập.

Sở GD&ĐT cho biết, năm học 2016 - 2017 Hà Nội tiếp tục áp dụng phương thức tuyển sinh kết hợp thi tuyển với xét tuyển để tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập, ngoài công lập.

Đường vào trường THPT công lập ở Hà Nội năm nay sẽ khó khăn vì nhiều trường giảm sĩ số
Đường vào trường THPT công lập ở Hà Nội năm nay sẽ khó khăn vì nhiều trường giảm sĩ số

Đối với các trường THPT công lập, khu vực tuyển sinh dược chia theo địa giới hành chính quận, huyện, thị xã, toàn thành phố của 12 khu vực tuyển sinh. Cho phép học sinh có thể thay đổi khu vực tuyển sinh, học sinh muốn thay đổi khu vực tuyển sinh phải có đơn xin đổi khu vực tuyển sinh.

Đối với các trường THPT Chu Văn An, THPT Sơn Tây được tuyển học sinh vào lớp 10 không chuyên trên thành phố (không phân biệt khu vực tuyển sinh).

Mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào hai trường THPT công lập trong cùng một khu vực tuyển tuyển sinh không kể nguyện vọng vào lớp chuyên của các trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An, THPT Sơn Tây.

Ngoài ra, học sinh có thể nộp đơn dự tuyển vào các trường THPT ngoài công lập hoặc chương trình THPT tại các trung tâm giáo dục thường xuyên. Học sinh được học một trong ba ban: Ban khoa học tự nhiên, Ban khoa học xã hội và nhân văn, Ban cơ bản.

Lựa chọn sao cho hợp?

Có con năm nay sẽ thi vào lớp 10, chị Thanh Hải (quận Cầu Giấy) cho biết, con chị có sức học không được tốt lắm nên muốn con học trường dân lập. Tuy nhiên, trường dân lập thì chi phí lại cao khiến chị rất băn khoăn.

Nhà giáo Đặng Đình Đại cho biết, điều mọi người lăn tăn và vấn đề nổi cộm của tuyển sinh vào lớp 10 năm nay là số lượng học sinh vào trường ngoài công lập khá cao.

Học sinh và phụ huynh cần cân nhắc khi chọn trường phù hợp với lực học của học sinh
Học sinh và phụ huynh cần cân nhắc khi chọn trường phù hợp với lực học của học sinh

Tuy nhiên, do việc đa dạng hóa các loại hình nhà trường nên hiện nay các trường công lập đã nâng cao cơ sở vật chất nhưng sự thật vẫn quá tải so với chuẩn nên không thể đưa nhiều học sinh vào trường công lậpnhằm đảm bảo chất lượng. Do vậy theo ông, điều tiết như thế này cũng là hợp lý.

Tuy nhiên, hiện nay điều mà nhiều người băn khoăn về hệ thống trường ngoài công lập để quyết định cho con em theo học là về chất lượng đào tạo. Trừ một số trường ngoài công lập top trên, đầu vào một số trường thấp thì đầu ra cũng không thể cao được.

Thứ hai về cơ sở vật chất, hiện nhiều trường vẫn có địa điểm thuê, cơ sở vật chất chắp vá, tạm bợ và chưa đủ phòng chức năng. Trong khi đó, chi phí vào trường lại quá cao vì không được nhà nước hỗ trợ như khối trường công lập nên phụ huynh e ngại.

Vì vậy theo Hiệu trưởng Đặng Đình Đại, để tạo điều kiện cho các em, các trường ngoài công lập cũng nên được Nhà nước hỗ trợ chi phí đào tạo. Theo đó, số tiền học phí thu vào của học sinh khối trường này sẽ giảm đi, để về mặt phổ cập chung có thể tiến tới bình đẳng cho các em học sinh ở trong cùng một thành phố.

Về điều này, hiệu trưởng Trịnh Hùng Sơn cũng cho biết, chọn trường dân lập hoặc công lập đều có cái hay, cái dở riêng. Điều quan trọng, học sinh phải biết lựa chọn trường sao cho phù hợp với lực học.

“Hiện nhiều trường công lập cũng không đến nỗi quá tải và đông học sinh. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh học sinh theo đám đông, chỉ chọn các trường danh tiếng nên cả phụ huynh và học sinh đều rất khổ. Ở trường nào cũng có giáo viên nọ giáo viên kia, nếu muốn trở thành một công dân tốt, các em chọn trường nào cũng thành công cả”, ông Hùng Sơn chia sẻ.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm