Hà Nội: “Chốt" đơn vị trúng thầu sữa học đường sau 45 ngày

(Dân trí) - Hiện có 3 đơn vị là Vinamilk, một công ty con của TH True milk và công ty Thịnh Anh chính thức tham gia đấu thầu Chương trình Sữa học đường của Hà Nội.

Trao đổi với PV Dân trí ngày 12/10, ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, ngày 10/10, đơn vị này đã mở thầu Chương trình Sữa học đường.

Theo đó, có 3 đơn vị chính thức tham gia đấu thầu là Vinamilk, một công ty con của TH true milk và công ty Thịnh Anh.

“Theo luật, sau khi mở thầu, sẽ đánh giá hồ sơ mời thầu trong thời gian không quá 45 ngày mới “chốt” công bố tên đơn vị trúng thầu”, ông Cẩn cho hay.

Cũng theo ông Cẩn, quy trình thực hiện sẽ đánh giá hồ sơ kĩ thuật và năng lực. Sau đó, nhà thầu nào qua được bước đó, tiếp tục mở gói thầu tài chính và đánh giá tiếp.

Với gói thầu trong nước, thời gian từ khi mở thầu đến khi kết thúc không được quá 45 ngày với gói thầu trong nước và không quá 60 ngày với gói thầu nước ngoài.


Đề án Sữa học đường góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực nguồn nhân lực tương lai của Thủ đô Hà Nội. (Ảnh minh họa: Mỹ Hà)

Đề án Sữa học đường góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực nguồn nhân lực tương lai của Thủ đô Hà Nội. (Ảnh minh họa: Mỹ Hà)

“Hiện chúng tôi đã bàn giao cho đơn vị tư vấn độc lập đánh giá, sau đó sẽ báo cáo cho chủ đầu tư. Chúng tôi thực hiện theo quy trình chặt chẽ như chấm thi”, ông Cẩn chia sẻ.

Được biết, đơn vị tư vấn độc lập này do Sở GD&ĐT thuê ngoài và theo ông Cẩn, tuyệt đối đơn vị này không được cung cấp thông tin.

Trao đổi với PV Dân trí trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đã bán hết 11 bộ hồ sơ dự thầu cho 11 doanh nghiệp sữa.

Trong buổi giao ban với các trường phổ thông trên địa bàn, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, hiện nay Hà Nội có 1.108 trường mầm non và 737 trường tiểu học nhưng không phải trường nào cũng có sữa cho học sinh uống. Vì vậy, khi tham gia đề án sữa học đường, nếu có sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, tất cả các em sẽ được uống sữa.

Như Dân trí đưa tin, ngày 8/7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1340/QĐ-TTg về Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020; và Công văn chỉ đạo của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT; UBND TP. Hà Nội giao Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ban ngành liên quan xây dựng Đề án thực hiện Chương trình Sữa học đường trên địa bàn TP. Hà Nội.


Đề án này dành cho tất cả trẻ em tiểu học trên địa bàn TP. Hà Nội, không phân biệt công lập hay dân lập và phụ huynh tự nguyện tham gia. (Ảnh minh họa)

Đề án này dành cho tất cả trẻ em tiểu học trên địa bàn TP. Hà Nội, không phân biệt công lập hay dân lập và phụ huynh tự nguyện tham gia. (Ảnh minh họa)

Đề án góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực nguồn nhân lực tương lai của Thủ đô Hà Nội; trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học hàng ngày đến trường đều được uống sữa tươi đúng tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế.

Ngày 10/10, ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Chương trình Sữa học đường, được ngân sách Nhà nước và doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí, nhằm giảm chi phí đóng góp mua sữa của phụ huynh.

Đề án này dành cho tất cả trẻ em tiểu học trên địa bàn TP. Hà Nội, không phân biệt công lập hay dân lập và phụ huynh tự nguyện tham gia.

TS Bùi Thị Nhung, Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Viện Dinh Dưỡng Quốc gia cũng cho rằng, xã hội đang có nhiều ý kiến về Chương trình Sữa học đường là hiện tượng đáng mừng.

“Trước đây, chúng ta được nuôi rất thoải mái, cha mẹ chúng ta cho chúng ta lớn lên một cách tự nhiên như cây cỏ. Bây giờ có nhiều ý kiến của xã hội về chương trình này chứng tỏ vấn đề dinh dưỡng của trẻ đang rất được quan tâm. Nhiều bên quan tâm, bàn bạc, chia sẻ, phối hợp sẽ khiến dinh dưỡng của con trẻ tốt lên nhiều hơn”, TS Nhung nói.

Mỹ Hà