Hà Nội cần xây 1.014 trường mầm non

(Dân trí) - Đó là ý kiến trong bài phát biểu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 2 HĐND TP khóa XIV sáng 15/7 về việc thiếu trường học, nhất là mầm non công lập.

Hà Nội cần xây 1.014 trường mầm non - 1
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 2 HĐND TP khóa XIV sáng 15/7.
 
Theo quy chuẩn hiện hành cứ 1 đơn vị ở tối thiểu là 4.000 dân; tối đa là 20.000 dân chỉ tiêu hạ tầng xã hội là: trường mẫu giáo 2.000 - 15.000m2, tiểu học là 3.900 – 19.500m2, trung học cơ sở 3.300 - 16.500m2… Theo quy hoạch chung và dự báo quy mô dân số của thành phố đến năm 2020 là 7,4 triệu người, năm 2030 là 9,5 triệu người với yêu cầu diện tích tối thiểu là 8m2/học sinh nội thành và 15m2/học sinh ngoại thành thì từ nay đến năm 2030, toàn thành phố cần xây thêm 1.014 trường mầm non, 310 trường tiểu học, 138 trường THCS, 136 trường THPT.

Đồng ý với ý kiến các đại biểu tại phiên chất vấn sáng 14/7 về tình trạng việc đầu tư hạ tầng chậm triển khai tại một số khu đô thị: thiếu trường học, công viên cây xanh, đường giao thông, thậm chí nhà đã sử dụng vài năm nhưng chưa có đường vào, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết đã đi kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư nhưng do nhiều lý do khách quan và chủ quan nên vẫn chưa có chuyển biến lớn.

Theo ông Thảo, ở các khu đô thị mới hoặc khu dân cư khi lập kế hoạch đều tuân theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn được ban hành nhưng quá trình thực thi nhiều nhà đầu tư muốn thu hồi vốn nhanh nên đầu tư nhà ở để bán trước, mặt khác chủ đầu tư dự án đô thị mới thường không có kinh nghiệm hoặc không chuyên sâu đầu tư trường học, muốn xây dựng trường học phải liên doanh, liên kết hoặc cho nhà đầu tư thứ cấp, như vậy việc xây dựng trường học trong các khu đô thị mới sẽ chậm hơn. Giải pháp ở đây là phải có chế tài cụ thể buộc chủ đầu tư phải tiến hành đồng bộ các cơ sở hạ tầng với nhau.
 
Hà Nội cần xây 1.014 trường mầm non - 2
Các bậc phụ huynh tại Hà Nội xếp hàng đăng ký cho con vào trường mầm non.

Đối với trường học ở các quận trung tâm, ở một số nơi dân cư cứ tăng lên, trường học không được mở rộng gây quá tải. Từ thực trạng đó, mấy năm trở lại đây thành phố đã có chủ trương đối với những dự án di dời phải ưu tiên xây dựng hạ tầng xã hội, sau khi cân đối đủ hạ tầng xã hội mới cho phép xây dựng nhà ở. Tuy nhiên việc này vẫn chưa được thực thi triệt để.

Nói về trách nhiệm nhà quản lý đối với vấn đề trên, ông Thảo khẳng định, hiện nay thành phố đã phân cấp cho quận, huyện tuy rằng thành phố vẫn quản lý nhưng chỉ quản lý về chiến lược, quy hoạch mạng lưới, cơ chế…, còn cụ thể ở phường, xã, quận huyện nào thiếu trường thì đồng chí Chủ tịch quận, huyện phải lo, phải làm. Trong quá trình thực thi nếu có vướng mắc hoặc những vấn đề gì thuộc thẩm quyền UBND TP phải báo cáo đề xuất. “Tôi luôn hoan nghênh và ủng hộ đề xuất xây dựng trường học, nhà trẻ, các công trình công cộng”, ông Thảo nhấn mạnh.

Quang Phong