GV không được tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường
(Dân trí) - Giáo viên thuộc các cơ sở giáo dục phổ thông đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được đứng ra tổ chức hoặc tham gia tổ chức dạy thêm học thêm ngoài nhà trường.
Ngoài ra, GV các cơ sở giáo dục trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp; trung tâm dạy nghề; trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm ngoại ngữ, tin học đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập cũng không được phép tổ chức dạy thêm học thêm ngoài nhà trường.
Đây là một trong những quy định mới mà Bộ GD-ĐT đưa vào dự thảo về quản lý dạy thêm học thêm đang được đăng tải lên mạng để lấy ý kiến. Khác với các quy định trước đây thì dự thảo lần này đã làm rõ hơn về nguyên tắc tổ chức, quy định về dạy thêm, các trường hợp cấm dạy thêm, học thêm…
Cụ thể, tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải chịu trách nhiệm về toàn bộ các nội dung đăng ký, xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.Không được cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm hoặc dạy thêm trước những nội dung mà giờ chính khóa sẽ dạy.
Đối tượng học thêm là người học có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình người học đồng ý; tổ chức, cá nhân thực hiện dạy thêm học thêm không được ép buộc học sinh học thêm dưới bất kỳ hình thức nào.
Đối với học sinh tiểu học, việc phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém; bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao; rèn luyện kỹ năng sống trong một tuần không được dạy thêm quá 2 buổi, mỗi buổi không quá 3 tiết; thời lượng mỗi tiết học là 35 phút.
Đối với học sinh THCS và THPT, trong một tuần GV không được dạy thêm quá 3 buổi, mỗi buổi không quá 3 tiết; thời lượng mỗi tiết học là 45 phút. Mỗi lớp học thêm có không quá 35 học sinh (đối với cấp tiểu học), không quá 45 học sinh (đối với cấp trung học).
Không dạy thêm học thêm đối với học sinh được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Không dạy thêm học thêm cho học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: Nhận quản lý học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình; phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém; bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm học thêm các nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông.
Dự thảo này cũng nhấn mạnh, hoạt động dạy thêm học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách học sinh; phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.
Để tránh tình trạng HS bị bắt ép đi học thêm, dự thảo cũng quy định rõ: Học sinh muốn học thêm phải tự viết đơn xin học thêm gửi nhà trường; cha mẹ học sinh (hoặc người giám hộ) có con em xin học thêm phải trực tiếp ký, ghi nội dung cam kết với nhà trường về dạy thêm học thêm vào đơn xin học thêm và chịu trách nhiệm thực hiện nội dung đã cam kết.
Nhà trường chịu trách nhiệm tiếp nhận đơn xin học thêm của học sinh; tổ chức phân loại học sinh theo học lực và tổ chức dạy thêm theo nhóm trình độ học sinh (không tổ chức lớp dạy thêm học thêm theo các lớp học chính khoá)…
Theo lãnh đạo của Bộ GD-ĐT, sau khi nhận đóng góp ý Bộ sẽ hoàn chỉnh và ban hành trong thời gian sớm nhất để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm.
Nguyễn Hùng