GS.TS Phạm Hồng Quang: Trường Sư phạm không “bỏ quên” dạy đạo đức nhà giáo!
(Dân trí) - “Không chương trình đào tạo nào của các trường sư phạm lại “bỏ quên” những nội dung căn cốt về đạo đức và nhân cách nghề nghiệp, vấn đề ở chỗ là triển khai, là thực nghiệp…”
GS.TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên đã khẳng định với PV Dân trí như vậy khi trao đổi về vấn đề đạo đức nhà giáo hiện nay.
Bất bình và cần sự chấn chỉnh
Những sự việc ồn ào tràn ngập các mặt báo, mạng xã hội trong thời gian qua như cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau, cô giáo tra tấn tinh thần học trò bằng việc lên lớp không nói, không giảng bài, thầy giáo sàm sỡ học sinh... rồi không ít vụ bạo hành trẻ mầm non diễn ra ở nhiều địa phương. Là nhà giáo dục, hiệu trưởng một trường đào tạo sư phạm, ông có suy nghĩ gì?
Trước hết phải khẳng định những hiện tượng trên mặc dù được các báo nêu nhiều lần nhưng không phải là phổ biến của ngành giáo dục.
Cần phải khẳng định: bên cạnh sự nỗ lực của hàng triệu giáo viên khắp mọi miền đất nước đã ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp trồng người, thì cũng xuất hiện những hành vi phản cảm, có tác động rất xấu đối với xã hội, làm cho hình ảnh người giáo viên bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng, làm xã hội lo lắng và chắc chắn chúng ta dù với cương vị nhà giáo hay cha mẹ học sinh cũng như các em học sinh đều bất bình và rất cần sự chấn chỉnh.
Đây cũng chính là 1 trong 7 việc “cần làm ngay” của ngành giáo dục theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông nguyên nhân vì sao gần đây lại bùng nổ những sự việc này vì đó thực sự là nỗi đau không chỉ của riêng ngành Giáo dục mà còn là sự nhức nhối của xã hội?
Nguyên nhân có nhiều, nhưng tập trung vào yếu tố chủ quan của người giáo viên.
Trước hết cần nhìn nhận một cách khoa học về quá trình hoàn thiện nhân cách nhà giáo ở 3 giai đoạn: học tập trong trường sư phạm, quá trình hoạt động của nhà giáo và quá trình tự học, bồi dưỡng thường xuyên.
Mỗi quá trình đều quan trọng như nhau, nhưng cốt lõi vẫn là hoạt động tự ý thức, tự hoàn thiện và tự điều chỉnh hành vi cá nhân của nhà giáo trước các tình huống giáo dục, dù trong bối cảnh nào cũng phải luôn đặt ra yêu cầu cao với chính bản thân mình.
Do đặc trưng của nhà sư phạm là giao tiếp, là tiếp xúc trực tiếp với con người (không chỉ mang tính chất ảnh hưởng mà quan trọng hơn là tác động và điều chỉnh của nhà giáo), với vị trí “dẫn đường” nên lại càng đòi hỏi tính chuẩn mực của nhà sư phạm càng cao.
Do vậy, khi mắc lỗi, hậu quả sẽ rất lớn, tác động lan truyền mạnh, nhất là trong thời đại công nghệ số hiện nay…Nếu trước đây thầy có bắt phạt học trò với các biện pháp có thể hà khắc nhưng chỉ học sinh trong lớp học đó nhận thấy, nhưng giờ đây trong thời đại ICT thì phạm vi ảnh hưởng đúng, sai sẽ rất nhanh với tốc độ chóng mặt, hiệu ứng sẽ rất khó kiểm soát…
Hoàn thiện nhân cách nghề nghiệp - do chính giáo viên quyết định
Một số giáo viên hiện nay còn lúng túng trong việc xử lí các tình huống hoặc xử lí không đúng với nghiệp vụ sư phạm. Đó cũng là biểu hiện của việc chương trình dạy còn chưa quan tâm đến việc trang bị kiến thức kĩ năng về xử lí trong giao tiếp, trong quan hệ giữa giáo viên với phụ huynh, học sinh. Có phải nơi đào tạo các nhà giáo thời gian qua đã bỏ quên việc dạy “đạo đức”, kỹ năng sư phạm cho giáo viên?
Có thể khẳng định rằng: không chương trình đào tạo nào của các trường sư phạm lại “bỏ quên” những nội dung căn cốt về đạo đức và nhân cách nghề nghiệp, vấn đề ở chỗ là triển khai, là thực nghiệp.
Những non yếu của giáo viên trong xử lí các tình huống giáo dục như chúng ta đã biết đã phản ánh một phần chất lượng giáo dục sư phạm, và như đã nói ở trên quá trình hoàn thiện nhân cách nghề nghiệp trong thực tiễn của người giáo viên phải do chính họ quyết định.
Nhiều biểu hiện chưa đúng của giáo viên lại không rơi vào số giáo viên mới ra trường, do vậy lại càng chứng tỏ quá trình tự học tự bồi dưỡng của nhà giáo lại càng có ý nghĩa quan trọng.
Nhà trường sư phạm chỉ trang bị kiến thức nền tảng và kĩ năng cơ bản, nếu dạy sai dạy không hấp dẫn, trước hết là lỗi của chương trình nghiệp vụ, còn phạm trù đạo đức và ứng xử của giáo viên chưa tốt trong thực hành nghề nghiệp, không hẳn là lỗi của việc dạy đạo đức nhà giáo trong trường học bị bỏ qua!.
Uy tín của nhà giáo đang bị ảnh hưởng nghiệm trọng bởi nhiều vụ việc bạo hành vừa qua
Sinh viên Sư phạm trong 4 năm học, ngoài kiến thức chuyên môn và phương pháp giảng dạy đã được trang bị thêm những kiến thức gì để có thể xử lý khéo léo những tình huống sư phạm nảy sinh trong và ngoài lớp học không thưa ông?
Trong chương trình giáo dục nghiệp vụ sư phạm chiếm thời lượng khá lớn trong 4 năm học sư phạm, chưa kể các đợt thực tế, thực tập sư phạm hàng tháng ở trường PT, các giáo sinh sư phạm đã được học, tập luyện và dự kiến trước nhiều tình huống dạy học và giáo dục.
Tuy nhiên điều quan trọng không phải là mang theo “công thức ứng xử” của các sinh viên khi ra trường. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” thực tiễn giáo dục có vô vàn các tình huống khác nhau, do vậy tăng khả năng thích ứng là điều quan trọng của giáo sinh cũng như giáo viên.
Tuy nhiên có những nguyên tắc bất di bất dịch được xác định rõ trong Luật giáo dục, Điều lệ trường phổ thông cũng như chuẩn nghề nghiêp…có thể mọi giáo viên đều hiểu nhưng khi thực hành vẫn mắc phải trong thực tế.
Nghề giáo - cần được chế ước bởi chế tài luật pháp
Theo ông, những trường hợp vi phạm đạo đức, phẩm chất nhà giáo, ảnh hưởng đến hình ảnh đội ngũ nhà giáo đối với xã hội thì phải xử lý như thế nào? Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần có biện pháp nào để bảo vệ danh dự, uy tín, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhà giáo theo quy định pháp luật ?
Nhà giáo cũng là một công dân, nghề dạy học cũng như bất cứ ngành nghề nào khác cũng cần được chế ước bởi chế tài luật pháp.
Hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo cần được xử lí nghiêm minh, cần đối chiếu các quy định luật pháp để xác định mức độ vi phạm, ví dụ cô giáo dạy trong lớp thời gian dài không nói gì…đã phản ánh nhiều khía cạnh: cá nhân vi phạm chuẩn quy chuẩn của nghề (đánh giá theo chuẩn); học sinh không phản ứng kịp thời (vấn đề dân chủ trường học); trường học thiếu kiểm soát (quản trị nhà trường yếu)…
Đối với hệ thống chính quyền rất cần có giải pháp mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của nhà giáo, đồng thời bảo vệ uy tín và danh dự của các thầy cô và chỉ có như thế, các thầy cô mới có thể giáo dục được. Bởi từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây…không ai chấp nhận việc học trò đánh thầy, phu huynh bắt cô phải quỳ…
Bộ GD&ĐT đang xây dựng quy tắc ứng xử trong trường học, nhiều ý kiến cho rằng, cần làm thật bài bản, thật chi tiết, tránh hình thức, ý kiến ông thế nào?
Bộ quy tắc ứng xử trong trường học vừa được Bộ GD-ĐT ban hành rất có ý nghĩa và đây là điểm nhấn trong chương trình đổi mới giáo dục, chuyển dần hệ thống quản lí sang chức năng kiến tạo, phục vụ… với các quy tắc cụ thể sát thực tế, có các chuẩn và rất cụ thể làm cho mọi người, giáo viên, học sinh, nhà quản lí nhìn vào các quy tắc để xử sự đúng.
Trong các tình huống phân xử, có văn bản để đối chiếu. Tuy chưa thể “quy tắc hóa” mọi hoạt động nhà trường nhưng về cơ bản đã phủ khá rộng các lĩnh vực hoạt động của nhà trường.
Suy đến cùng, tôi vẫn thấy quan trọng hơn cả là trách nhiệm nhà giáo thực hiện nghiêm túc cuộc vận động “mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và trường học thực hiện đúng chủ trương ‘Trường ra trường lớp ra lớp; thầy ra thầy, trò ra trò…”
Xin trân trọng cám ơn GS!
Hồng Hạnh (thực hiện)