GS Vũ Minh Giang: "Quyền uy của người thầy không nằm ở sự đe nẹt, dọa dẫm"

Lệ Thu

(Dân trí) - GS Vũ Minh Giang khẳng định, quyền uy của người thầy hoàn toàn không nằm ở sự đe nẹt, dọa dẫm mà là ở nhân cách, tình yêu thương học trò và trình độ học vấn.

Nói về khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn", GS.TS Vũ Minh Giang chia sẻ: Tôi đã có dịp đến thăm một trường Đại học ở Đài Bắc, nơi mà hầu hết các giáo sư, tiến sĩ, trong đó có vị Giáo sư Hiệu trưởng, đều tu nghiệp ở châu Âu và Hoa Kỳ về, nhưng chắc chắn họ hiểu sâu sắc các giá trị văn hóa truyền thống. Trên logo của trường này, viền xung quanh biểu tượng của nhà trường là 6 chữ nói lên những giá trị cốt lõi của họ: Lễ - Tiêu - Lạc - Ngự - Tri thức và tôi được giải thích như sau:

Lễ: Là dạy làm Người với những phẩm chất cần có cho đất nước và thời cuộc.

Tiêu: Là dạy cho sinh viên có hoài bão và mục tiêu đúng (chắc chắn không phải để bố mẹ tự hào hãnh diện với bạn bè, lối xóm).

Lạc: Là dạy cho sinh viên có tâm hồn, biết hưởng thụ hay, cái đẹp để tăng cường chất nhân văn.

Ngự: Là dạy cho sinh viên biết chế ngự cảm xúc, làm chủ bản thân.

Tri: Là dạy cho sinh viên biết phân biệt đúng - sai để từ đó có dũng khí đứng lên bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái xấu, cái sai.

Thức: Là kiến thức. Là cái cuối cùng. Chỉ số xếp hạng, bài báo quốc tế và nhiều tiêu chí khác mà chúng ta hay đem ra để nói về đẳng cấp quốc tế, họ đều rất cao. Tôi cho những giá trị cốt lõi của trường là rất hay và từ thầy và trò của họ ai cũng từ hào về những giá trị này.

Tôi không nghĩ là ngôi trường đề cao chữ Lễ như thế này là bảo thủ, kém năng động, sáng tạo. Trái lại có rất nhiều điểm cần học họ.

GS Vũ Minh Giang: Quyền uy của người thầy không nằm ở sự đe nẹt, dọa dẫm - 1

GS.TSKH Vũ Minh Giang.

Trước khi trở thành ông nọ, bà kia, học trò phải trở thành người tử tế

Với góc độ một giáo sư nghiên cứu về văn hóa giáo dục, cá nhân ông định nghĩa thế nào về khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn"?

- Tôi nghĩ đơn giản thế này: Tiên học lễ, hậu học văn là một cách nói khác về hai chức bản chức năng cơ của giáo dục là Dạy/ học làm người (tư cách đạo đức, quan hệ xã hội, phép ứng xử, trách nhiệm công dân…) và Dạy/học kiến thức.

Hai chức năng này của giáo dục không bao giờ thay đổi. Sự thay đổi nằm ở nội dung và phương pháp dạy và học mà thôi. Thời nào cũng vậy, trước khi thành ông nọ bà kia, giỏi giang đến mấy thì xã hội cần nhà trường dạy họ thành người tử tế. Vả lại, đổi mới, cấp tiến không đồng nghĩa với việc gán cho những giá trị truyền thống những thuộc tính xưa cũ như bảo thủ, gò ép, trói buộc… để rồi tìm cách xóa bỏ.

Chúng ta còn nhớ bài học Nhật Bản khi sốt ruột với tình trạng "lạc hậu" của đất nước, vị Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên của chính quyền Minh Trị là Mori Arinori, đã đưa ra đề xuất bãi bỏ tiếng Nhật để chuyển sang dùng tiếng Anh trong tất cả các trường học với suy nghĩ chỉ có giỏi tiếng Anh người Nhật mới có thể đuổi kịp châu Âu, mới phù hợp với xu thế thời đại.

Lịch sử đã chứng minh ý tưởng "canh tân" này đã thất bại, thay và đó là một tư tưởng cải cách phù hợp, nhanh chóng đưa nước Nhật lên hàng cường quốc thế giới. Đó là Hòa thần Dương khí (Tinh thần, hồn cốt Nhật Bản kết hợp với khí cụ và kỹ thuật phương Tây). Khó có ai dám chê nước Nhật là kém hiện đại, nhưng cũng khó nước nào bì kịp đất nước mặt trời mọc trong việc giữ gìn các giá trị truyền thống.

Một số những hiện tượng như trường hợp cô giáo không nói suốt ba tháng đứng lớp; hay bắt học sinh súc miệng bằng nước vắt giẻ lau bảng phải chăng nguyên nhân chính từ sự đề cao quá mức vai trò của người thầy khiến một bộ phận thầy cô ngộ nhận về quyền lực của mình. Xin GS cho biết quan điểm?

- Tôi không cho việc một số thầy cô có hành vi sai trái trong lớp học, với học trò là vì sự đề cao quá mức vai trò của người thầy. Không hề như vậy. Trái lại tôi cho rằng ở những nơi ấy, những trường hợp cụ thể ấy một số thầy cô chưa hiểu đúng chữ Lễ. Muốn dạy học trò làm người tự mình phải là một tấm gương cho trò noi theo.

Quyền uy của người thầy hoàn toàn không nằm ở sự đe nẹt, dọa dẫm mà là ở nhân cách, tình yêu thương học trò và trình độ học vấn. Nếu vì mấy hiện tượng này mà vội quy kết là do khẩu hiệu Tiên học lễ, hậu học văn gây ra thì sợ là sự suy luận và quy kết hơi nguy hiểm.

Dù thế nào thì trong nhà trường phải có trường quy, cả thầy và trò phải nghiêm cẩn tôn trọng những quy định của luật pháp và những phép tắc cần phải có của một hệ thống giáo dục. Điều ấy cũng có nghĩa là các thầy cô làm sai cũng bị xử lý thật nghiêm. Không vì bất cứ lý do gì để biện minh cho những hành vi sai trái của một số giáo viên thiếu văn hóa.

Chữ "Lễ" chính là dạy làm người

Theo GS, để có được sự sáng tạo, dân chủ trong môi trường giáo dục, cốt lõi liệu có phải là thay đổi khẩu hiệu hay triết lý giáo dục nào đó? Trách nhiệm nào cho các cơ quan quản lý, nhà giáo dục, nhà văn hóa?

- Xin trả lời ngay là không.

Sự thụ động của học trò các cấp trong thời gian qua có nguyên nhân sâu xa trong phương thức tiếp cận nội dung của hệ thống giáo dục. Môn nào cũng dạy các kiến thức cụ thể, thi cử đánh giá cũng hỏi kiến thức cụ thể dẫn tới quá tải trong chương trình, người học phải học thuộc quá nhiều nên hạn chế khả năng sáng tạo.

GS Vũ Minh Giang: Quyền uy của người thầy không nằm ở sự đe nẹt, dọa dẫm - 2

Để có được sự sáng tạo, dân chủ trong môi trường giáo dục, cốt lõi không phải là thay đổi khẩu hiệu hay triết lý giáo dục nào đó (Ảnh minh họa: iStock).

Thấy rõ điều này Đảng đã đưa ra Nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục mà thực chất là chuyển từ một nền giáo dục tiếp cận nội dung, coi dạy và học kiến thức giữ vai trò chủ đạo sang một nền giáo dục chú trọng phát huy năng lực sáng tạo của người học và dạy làm người.

Trong môi trường học đường hiện đại, nên đặt chữ Lễ hay chữ Văn lên trước, thưa GS?

- Nếu quan niệm rằng đạo đức là gốc, nhân cách là cái cần cho tất cả mọi người và coi chữ "Lễ" chính là dạy làm người thì hà cớ gì phải đặt vấn đề chữ nào trước, chữ nào sau. Vả lại, hậu sinh có gì hay thì cứ trình ra chứ không nên bắt bẻ chữ nghĩa đối với những gì tiền nhân đã để lại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một lãnh tụ cách mạng thiên tài mà còn là một nhà giáo dục vĩ đại Người từng nói Đức là cái gốc, nếu không có đạo đức thì có tài cũng vô dụng. Câu nói ấy là một chân lý.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm