GS Trần Văn Nhung: Đầu tiên là tiếng Anh, sau mới đến ngoại ngữ khác

(Dân trí) - Trong bức thư ngỏ gửi Bộ Chính trị về quốc sách cho tiếng Anh vừa được chia sẻ, GS Trần Văn Nhung (nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT) cho biết, chúng ta tôn trọng sự đa dạng và bình đẳng văn hóa, nhưng trên hết phải xuất phát từ chính quyền lợi chính đáng và thiêng liêng của dân tộc ta khi lựa chọn và quyết định ngoại ngữ thứ nhất. Theo ông, đầu tiên là tiếng Anh, sau đó mới đến các thứ tiếng quốc tế khác.

Bức thư ngỏ về quốc sách cho tiếng Anh đã được GS Trần Văn Nhung viết ngày 19/5/2015. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, khi việc thí điểm dạy tiếng Trung, tiếng Nga trong trường phổ thông từ năm 2017 đang thu hút nhiều ý kiến tranh cãi, GS Nhung đã chia sẻ lại bức thư cho công chúng.

Cần quốc sách để tăng cường việc dạy/ học tiếng Anh

“Với tư cách cá nhân của một một công dân, đảng viên và nhà giáo, một người đã “lặn lội, tự học” tiếng Anh mãi ở trong nước mà khi dùng vẫn rất khó khăn, vẫn không tự tin và không thể khá lên được, tôi xin đề nghị Bộ Chính trị và Ban Bí thư: Xem xét, nghiên cứu để sớm có được một chỉ thị hay nghị quyết (nói nôm na là một quốc sách) để tăng cường việc dạy, học và sử dụng tiếng Anh ở Việt Nam, trong thời hội nhập quốc tế, tương tự như Chỉ thị 58-CT/TW năm 2000 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển Công nghệ Thông tin (CNTT).

Chúng ta vui mừng chờ đón Đại hội Đảng lần thứ XII đang đến gần. Tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, TPP, WTO …, chưa bao giờ yêu cầu hội nhập quốc tế lại bức thiết và trực tiếp như hiện nay”, mở đầu bức thư, GS Nhung chia sẻ.

Ông cho biết thêm, càng ngày chúng ta càng thấy rõ: Khả năng sử dụng tiếng Anh của người Việt Nam đang là một trong những rào cản không nhỏ tốc độ hội nhập quốc tế, xây dựng và củng cố quốc phòng, an ninh và phát triển văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo.

"Khi viết bức tâm thư này, tôi muốn được nhắc lại một công thức quan trọng của thời đại toàn cầu hóa ngày nay là CNTT + Tiếng Anh + Bộ Óc tốt = Tất cả (IT + English + Good Brain = All!) “Bộ Óc tốt/Good Brain” ở đây là một khái niệm tổng hợp gồm tất cả những yếu tố cần và đủ nằm trong cái “vỏ CNTT + Tiếng Anh” để bảo đảm cho công dân toàn cầu chung sống thành công.

Như vậy, mặc dù “CNTT + Tiếng Anh” là rất quan trọng, nhưng vẫn chỉ có tính chất công cụ, công cụ cần thiết. Còn kiến thức tổng hợp và các kỹ năng đa chiều mới là cái quyết định hiệu quả của hội nhập quốc tế", GS cho hay.

GS Trần Văn Nhung (ảnh: NVCC)
GS Trần Văn Nhung (ảnh: NVCC)

Rất mong có thêm “chỉ thị 58” về ngoại ngữ

Theo GS Nhung, sở dĩ ông viết tâm thư này vì hai lý do. Thứ nhất, công cụ chiến lược của thời đại hiện nay là CNTT và tiếng Anh. Thứ hai, tiếng Anh là chìa khóa mở thành công cho các bạn trẻ.

Theo phân tích của GS Nhung, thứ nhất, cả CNTT và ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh) là hai công cụ (như “hai chân”). Nhờ Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị khóa VIII ban hành ngày 17/10/2000, CNTT đã được phát triển nhanh chóng cùng với nhiều ứng dụng phong phú, đa dạng trong toàn xã hội...

Nếu Bộ Chính trị sớm ban hành được một chỉ thị tương tự như Chỉ thị 58 nhưng về ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, nếu toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội vào cuộc thì việc học, dạy và sử dụng tiếng Anh trên đất nước chúng ta sẽ được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt và có những bước tiến ngoạn mục, góp phần tích cực để phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh..., để Việt Nam sớm trở thành một quốc gia hùng cường.

Do đó theo GS Nhung, cần phải triển khai nhanh chóng, mạnh mẽ và hiệu quả Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020".

Thứ hai, nói về tầm quan trọng của tiếng Anh, GS Nhung cho rằng: “Chúng ta tôn trọng sự đa dạng và bình đẳng văn hóa, nhưng trên hết phải xuất phát từ chính quyền lợi chính đáng và thiêng liêng của dân tộc ta khi lựa chọn và quyết định ngoại ngữ thứ nhất.

Theo tôi đó là tiếng Anh, sau đó mới đến các thứ tiếng quốc tế khác. Vì chính các nước khi tiếng mẹ đẻ của họ trùng với một thứ tiếng quốc tế nào đó, ví dụ như tiếng Pháp, Đức, Nga, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nhật Bản... họ cũng đều coi tiếng Anh là ngoại ngữ số một”, ông nhấn mạnh!

Bài học từ Singapore và Malaysia

Trong bức thư, GS Trần Văn Nhung cũng tập trung phân tích để tham khảo và so sánh cách học tiếng Anh của Singapore và Malaysia như một bài học cho việc học ngoại ngữ trong nước.

Đối với Singapore, ông Lý Quang Diệu đã đưa quốc gia này từ một làng chài nghèo phát triển vượt bậc trong thời gian ngắn. Lý do, Thủ tướng Lý Quang Diệu ngay từ đầu đã xác định không có tài nguyên, đất nước phải đi lên bằng cái đầu, nguồn nhân lực và tài năng.

Trong đó, tiếng Anh được chú trọng phát triển. Singapore có ba nhóm người chính là Hoa, Ấn Độ và Mã Lai. Họ vẫn duy trì tiếng nói, văn hoá và bản sắc của mình nhưng ngôn ngữ chính thức được sử dụng chung trong hành chính và giáo dục là tiếng Anh.

"Trong suốt 20 năm đầu mới thành lập nhà nước Singapore, ông Lý Quang Diệu chỉ đạo Bộ Giáo dục nước này dùng luôn sách giáo khoa phổ thông của nước Anh, nhất là đối với các môn khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ. Đây có lẽ là cách nhanh, khoa học, tiết kiệm nhất để hiện đại hóa nền giáo dục", ông Nhung phân tích.

Những trường đại học hàng đầu của Singapore như NUS hay NTU cũng sử dụng luôn sách giáo khoa và sách tham khảo, áp dụng việc thi cử từ các trường ĐH hàng đầu thế giới như: Harvard, MIT (của Mỹ) và Cambridge, Oxford (của Anh).

Thủ tướng Lý Quang Diệu đã tổng kết bài học của Singapore: "Chỉ có một cách để không bị tụt hậu là phải giỏi tiếng Anh. Việc lựa chọn tiếng Anh đóng vai trò như ngôn ngữ làm việc, giúp ngăn chặn nảy sinh xung đột sắc tộc, đem lại ưu thế cạnh tranh".

"Hiện nay, trên 20% số sinh viên trên đất Singapore là người nước ngoài. Họ đến đây học tự túc hoặc có học bổng. Nhưng sau khi tốt nghiệp, có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ, họ ở lại làm việc cho Singapore để trả nợ. Như vậy, họ không chỉ biết khai thác trí tuệ của 5 hay 6 triệu người của mình mà cả hàng triệu người nước ngoài", GS Nhung dẫn chứng.

Ông cũng kể lại câu chuyện của Malaysia chủ trương dùng tiếng Malay là chủ yếu. Kết quả, nhiều học sinh, sinh viên nước này bỏ ra nước ngoài học, khiến mỗi năm bị chảy máu ngoại tệ nhiều tỷ USD và chất lượng đại học đi xuống.

Cách đây ít năm, sau 22 năm làm thủ tướng, ông Mahathir Mohamad đã rút ra bài học kinh nghiệm đắt giá về giáo dục. Ông yêu cầu mọi người Mã Lai hãy trở lại với tiếng Anh và cá nhân ông gương mẫu học trước

Vì vậy, GS Nhung đề nghị Bộ Chính trị: Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, xem xét, tham khảo, vận dụng những kinh nghiệm quý báu của chính đất nước ta (từ thời Chủ tịch Hồ Chí Minh), của Singapore và Lý Quang Diệu, của các nước phát triển thần kỳ khác, để có quốc sách phù hợp cho tiếng Anh song hành cùng CNTT ở Việt Nam.

Mỹ Hà

(Email: myha@dantri.com.vn)