GS Phan Huy Lê: Sẽ kiến nghị lãnh đạo cấp cao để “bảo vệ môn Sử”
(Dân trí) - Hội Khoa học lịch sử Việt Nam sẽ kiến nghị lên lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần bảo vệ môn Lịch sử như một môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp THCS đến cấp THPT.
Đó là khẳng định của GS Phan Huy Lê khi tổng kết hội thảo khoa học môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông được tổ chức sáng ngày 15/11.
Theo GS Phan Huy Lê, thời gian gần đây, giáo dục môn Lịch sử trong trường THCS và THPT sa sút nhiều, gây nỗi lo âu trong xã hội. Học sinh chán môn Lịch sử, không thích học lịch sử biểu hiện trên nhiều phương diện. Nếu đưa vào môn học bắt buộc thi thì điểm số rất thấp. Nếu đưa vào môn tự chọn thì hầu hết không chọn môn Lịch sử. Học hết cấp phổ thông mà hiểu biết lịch sử của phần lớn học sinh là rất lờ mờ, thậm chí những sự kiện cơ bản hay nhân vật anh hùng tiêu biểu cũng không nhớ hay nhớ sai.
Tình trạng xuống cấp của môn Lịch sử có nhiều nguyên nhân, trước hết là do sách giáo khoa quá nặng nề, lối học và thi cử nặng nề truyền thụ và đo kiến thức. Truy nguyên lên cao hơn là do chương trình và nhận thức không đúng về vị thế và yêu cầu giáo dục môn Lịch sử, không tôn trọng và nêu cao tính khoa học của môn học.
Ngoài ra còn những nhân tố gia đình và xã hội như coi môn Lịch sử nặng về trí nhớ, ít sáng tạo, không muốn cho con học lịch sử, học sử không có tiền đồ, khó tìm việc làm. Nhưng cũng nhấn mạnh cần nhấn mạnh, học sinh phần lớn quay lưng lại cách dạy và học môn Lịch sử, chứ không phải quay lưng lại môn Lịch sử. Một số cuộc thi tìm hiểu lịch sử với đề tài mở rộng cho sự tìm tòi, khám phá, thể hệ trẻ hăng hái tham gia với nhiều bài làm đạt chất lượng tốt.
“Muốn khôi phục chất lượng giáo dục môn Lịch sử, cần đổi mới căn bản toàn và toàn diện cả hệ thống giáo dục môn Lịch sử trong nền giáo dục phổ thông từ nhận thức vị thế, yêu cầu giáo dục đến việc xây dựng lại chương trình, biên soạn lại sách giáo khoa và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, thay đổi cách dạy, cách học và cách thi” – GS Phan Huy Lê nhấn mạnh.
Cần nghiên cứu lại môn học tích hợp Công dân với Tổ quốc
GS Phan Huy Lê cũng cho rằng, tích hợp là một xu hướng khoa học của nền giáo dục hiện đại trên thế giới. Nói chung nên tích hợp cao ở các lớp dưới và phân hóa dần ở các lớp trên. Cấp tiểu học, tích hợp môn Lịch sử trong môn “Cuộc sống quanh ta” ở lớp 1, 2, 3 và trong môn “Tìm hiểu xã hội” ở lớp 4, 5, là có cơ sở khoa học và cần nghiên cứu để tùy theo lứa tuổi, chọn một số kiến thức lịch sử dễ hiểu, nặng về kể chuyện đưa vào nội dung các môn tích hợp.
Tuy nhiên, theo chương trình mới của Bộ GD-ĐT, lên cấp THCS, môn Lịch sử lại tiếp tục tích hợp trong môn “Khoa học xã hội” rồi môn “Công dân với Tổ quốc” ở cấp THPT là không thỏa đáng và thiếu cơ sở khoa học. Cho đến nay, Bộ GD-ĐT chưa công bố thiết kế cụ thể của môn tích hợp “Khoa học xã hội” nên hội thảo chưa bình luận và góp ý kiến. Còn môn “Công dân với Tổ quốc” tích hợp từ 3 môn học: Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng – An ninh và Giáo dục lịch sử là thiếu cơ sở khoa học. Tích hợp không có nghĩa là cắt xén nội dung của một số môn học rồi gán ghép lại một cách cơ học, tùy tiện.
Tích hợp khoa học phải dựa trên cơ sở những môn học gần gũi về nội dung, có quan hệ về lý thuyết và phương pháp luận tức có cơ sở liên kết hợp liên ngành. Môn Quốc phòng – An ninh được quy định rõ trong Luật Giáo dục quốc phòng – an ninh, trong đó có vận dụng một số nội dung lịch sử như truyền thống chống giặc ngoại xâm, nghệ thuật quân sự… Giáo dục Quốc phòng – An ninh và giáo dục công dân là những môn học mang tính chính trị cả thời hiện đại, hoàn toàn khác với lịch sử là khoa học về quá trình lịch sử từ cội nguồn xa xưa đến thời hiện nay với nền tảng lý thuyết và phương pháp luận hoàn toàn khác.
“Bộ GD-ĐT cần lắng nghe ý kiến các nhà khoa học và dư luận xã hội để tổ chức nghiên cứu lại một cách nghiêm túc môn tích hợp Công dân với Tổ quốc” – GS Phan Huy Lê bày tỏ.
Môn Lịch sử phải là môn học độc lập và bắt buộc
Theo đánh giá của các chuyên gia tham dự hội thảo, từ hai môn tích hợp “Khoa học xã hội” ở cấp THCS và môn “Công dân với Tổ quốc” ở cấp THPT, môn Lịch sử đã bị xé nhỏ, tích hợp tùy tiện một ít nội dung vào hai môn học kia. Mặc dù một ít nội dung lịch sử trở thành phân môn, nhưng trên thực tế môn Lịch sử đã bị xóa sổ với vị thế và yêu cầu của một môn học trong tính hệ thống và toàn diện của nó. Môn Lịch sử đặt thành môn tự chọn ở cấp THPT thì qua tình hình thi tốt nghiệp phổ thông vừa qua, cho thấy rất ít học sinh lựa chọn. Hội nghị đã phân tích và cảnh báo những hậu quả khó lường khi xóa bỏ môn Lịch sử, đặc biệt lịch sử dân tộc, trong nền giáo dục phổ thông.
Lịch sử là một nền tảng của khoa học xã hội và nhân văn, là cơ sở quan trọng bậc nhất để trang bị một hệ thống kiến thức về cội nguồn dân tộc, về các thành quả xây dựng và bảo vệ đất nước, về các giá trị tiêu biểu của lịch sử và văn hóa dân tộc và nhân loại; để bồi dưỡng các giá trị của truyền thống dân tộc, nhất là chủ nghĩa yêu nước, ý chí độc lập tự cường, tinh thần nhân ái…; từ đó xây dựng phẩm chất và bản lĩnh con người Việt Nam.
Chương trình giáo dục của hầu hết các nước trên thế giới đều coi môn lịch sử, nhất là Quốc sử, là một trong những môn học cơ bản và bắt buộc như môn Quốc ngữ, Quốc văn và Toán học. Xóa bỏ một môn học như vậy là tạo nên những lỗ hổng, những khoảng trống rất nguy hiểm trong nền giáo dục phổ thông, ảnh hưởng rất lớn đến nhiệm vụ đào tạo thế hệ trẻ trở thành những công dân, những nguồn nhân lực xây dựng và bảo vệ đất nước trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, khi mà trong lao động hòa bình phải luôn sẵn sàng bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Giới sử học đã tổng kết và nêu lên một quy luật phát triển của lịch sử Việt Nam là dựng nước luôn luôn đi đôi với giữ nước. Do vị trí địa –chiến lược và hoàn cảnh lịch sử của đất nước, trong xây dựng đất nước luôn luôn phải có chiến lược giữ nước và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Trên cơ sở hội thảo này GS Phan Huy Lê nhấn mạnh: “Hội Khoa học lịch sử Việt Nam sẽ kiến nghị lên lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần bảo vệ môn Lịch sử như một môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp THCS đến cấp THPT. Tất nhiên bảo vệ môn Lịch sử cần gắn liền với yêu cầu đổi mới một cách căn bản và toàn diện hệ thống môn học để phát huy hết hiệu quả giáo dục của môn học”.
Nguyễn Hùng (ghi)
(Email hungns@dantri.com.vn)