GS Ngô Bảo Châu và giây phút lịch sử

Những hình ảnh lịch sử Ngô Bảo Châu được Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil trao giải thưởng Fields 2010 - “Nobel toán học” đã truyền đi khắp thế giới từ 12 giờ 55 phút giờ Việt Nam.

Sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng rất lý thú là nhân ngày trọng đại của lịch sử dân tộc, 65 năm Cách mạng Tháng tám thành công, ngày nước ta chính thức có tên trên bản đồ thế giới, Ngô Bảo Châu, một trí thức trẻ đã ghi tên mình một cách vẻ vang trong lĩnh vực khoa học hàng đầu khắp năm châu.

Lúc 14h15 chiều hôm qua 19/8, trên bản tin đặc biệt Việt Nam có giải thưởng Fields của kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, TS Vũ Công Lập, người được liên đoàn Toán học thế giới (ICM) uỷ thác, đã công bố GS Ngô Bảo Châu được trao huy chương Fields tại đại hội liên đoàn Toán học thế giới (ICM 2010) tổ chức bốn năm một lần.

GS Ngô Bảo Châu và giây phút lịch sử - 1
Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields từ Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil tại lễ khai mạc Đại hội Toán học thế giới ở Hyderabad, Ấn Độ trưa ngày 19/8/2010. (Ảnh: AFP/TTXVN)
 
Ngồi tại trường quay S6 của đài Truyền hình Việt Nam trước khi bản tin lên sóng, ông Vũ Công Lập cho biết, văn bản công bố những người được giải thưởng Fields năm nay đã chính thức được ICM gửi tới viện Toán học Việt Nam từ ngày 15/8. Tuy nhiên ông Lập phải cam kết với ICM giữ bí mật hoàn toàn thông tin cho tới sau khi ICM 2010 kết thúc tại Ấn Độ: ít nhất một giờ đồng hồ mới được công bố.

Trong bản đánh giá của liên đoàn Toán học thế giới về công trình của GS Ngô Bảo Châu, có đoạn viết: “Chứng minh kiệt xuất của Ngô cho những dự báo rất quan trọng và đã tồn tại rất lâu dài này dựa một phần trong việc đưa những kỹ thuật và đối tượng hình học mới vào giải tích phức tạp. Thành tựu của ông, nằm trên giao điểm của hình học đại số, lý thuyết nhóm và các dạng tự đồng cấu, dẫn tới nhiều tiến bộ có tính đột phá trong chương trình Langlands cũng như trong các lĩnh vực liên quan tới chương trình này”.

Dù có thể với phần đông công dân Việt Nam, những nhận xét đó không hề dễ hiểu, nhưng chúng ta đọc được những thông điệp rõ ràng về những cái “mới” mà vị giáo sư Việt Nam đã tìm thấy và chứng minh được, đặc biệt với một bài toán mà nhiều thập niên qua, các nhà toán học lỗi lạc khắp thế giới đã chịu bó tay.

Nhưng cũng còn một điều cần nói với nhau, như lời TS Vũ Công Lập, đó là: “Thành công của một nhà khoa học trẻ và tài năng là cơ sở để chúng ta nhìn nhận lại những hạn chế, những lỗ hổng trong nền giáo dục nước nhà, xem chúng ta còn thiếu gì và cần phải làm gì để những tài năng như GS Châu có thể được thực sự tỏa sáng”.

Theo SGTT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm