GS Ngô Bảo Châu nhận bằng Tiến sĩ danh dự của ĐHQGHN

(Dân trí) - Sáng nay 8/3, ĐHQGHN tổ chức lễ trao bằng Tiến sĩ Danh dự cho GS. Ngô Bảo Châu (ĐH Chicago, Mỹ) và GS. Annick Weiner (nguyên Phó Giám đốc ĐH Paris-Sud XI, Pháp) để ghi nhận những thành tựu xuất sắc trong khoa học và những đóng góp cho sự phát triển của ĐHQGHN.

GS Ngô Bảo Châu nhận bằng Tiến sĩ danh dự của ĐHQGHN - 1
GS. Annick Weiner (bên trái) và GS Ngô Bảo Châu (Ảnh: Bùi Tuấn)
 
Tham dự buổi lễ có ngài Jean-François Girault - đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, GS.TS Mai Trọng Nhuận - giám đốc ĐHQGHN, GS.TS Robert Zimmer - giám đốc ĐH Chicago.

GS. Ngô Bảo Châu là cựu học sinh ĐHQGHN đã vinh dự được nhận Giải thưởng Fields 2010, giải thưởng uy tín nhất thế giới trong lĩnh vực Toán học, sau khi chứng minh thành công Bổ đề cơ bản Langlands. GS. Ngô Bảo Châu hiện đang công tác tại ĐH Chicago (Mỹ), lĩnh vực nghiên cứu hiện tại của anh là Hình học đại số, lý thuyết theo nhóm, trình bày dạng cá thể. Trước khi làm việc tại ĐH Chicago, GS.Ngô Bảo Châu đã làm Giáo sư toán học của ĐH Paris-Sud, làm việc tại Viện nghiên cứu cấp cao Princeton (Institute for Advanced Study), và làm việc tại Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS).

GS.Ngô Bảo Châu đã xuất bản 14 công trình bằng tiếng Pháp và tiếng Anh về chuyên môn liên quan như: Bổ đề cơ bản của Jacquet và Ye, dưới dạng cân bằng, dưới dạng dương tính; Chùm tính chất, hình thái của sự thay đổi căn bản và bổ đề cơ bản của Jacquet và Ye...
 
Người cùng nhận bằng Tiến sĩ danh dự với GS Ngô Bảo Châu là GS Annick Suzor-Weiner. Bà đã nhận bằng tiến sĩ Vật lý tại Ecole Normale Supérieure năm 1979 và được bổ nhiệm Giáo sư tại ĐH Paris-Sud 11 năm 1988. Năm 2003, bà được bổ nhiệm chức vụ giáo sư cấp cao nhất (classe exceptionelle) của CH Pháp. Trước khi nhận chức vụ Cố vấn khoa học công nghệ của đại sứ quán CH Pháp tại Hoa Kỳ, bà đã kinh qua chức vụ phó giám đốc (Vice-President) phụ trách quan hệ hợp tác quốc tế và trước đó, nhiều năm bà là Trưởng phòng Quan hệ và Hợp tác Quốc tế của Đại học Paris-Sud 11… GS. Annick Suzor-Weiner là người khởi xướng và thúc đẩy quan hệ hợp tác đào tạo và nghiên cứu giữa ĐH Paris-Sud với ĐHQGHN vào năm 2005.
GS Ngô Bảo Châu nhận bằng Tiến sĩ danh dự của ĐHQGHN - 2
GS Mai Trọng Nhuận (bên phải) - giám đốc ĐHQGHN trao bằng Tiến sĩ Danh dự tới GS Ngô Bảo Châu. (Ảnh: Bùi Tuấn)
GS Ngô Bảo Châu nhận bằng Tiến sĩ danh dự của ĐHQGHN - 3
GS Ngô Bảo Châu trong buổi giao lưu tại ĐHQGHN. (Ảnh: Bùi Tuấn)
 
Trong buổi giao lưu tại ĐHQGHN, trả lời câu hỏi của một bạn sinh viên về những nỗ lực để vươn tới đỉnh cao của khoa học, GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ, trong học tập và nghiên cứu khoa học, yếu tố bền bỉ rất quan trọng. Anh luôn tự nhủ mỗi ngày mình phải học được một cái gì đó, có thể là to, có thể nhỏ, nhưng phải nhập tâm. “Có tôi lần đi bộ leo núi với anh bạn Laurent Lafforgue, một nhà toán học lớn người Pháp. Anh ấy đi khỏe quá, tôi theo không kịp. Tôi hỏi anh ấy bí quyết đi bộ của anh ấy là gì. Anh ấy trả lời là đầu tiên đặt chân trái lên trước chân phải, sau đó đặt chân phải lên trước chân trái”, GS. Ngô Bảo Châu kể lại.
 
Trước câu hỏi "Ngoài năng khiếu ra thì học sinh cần phải được dạy dỗ theo cách thức nào để có thể trở thành tài năng và vươn tới được đỉnh cao như anh?", GS. Ngô Bảo Châu trả lời ngắn gọn: "Câu chuyện bồi dưỡng tài năng có thể cắt nghĩa vắn tắt là giúp trò giỏi gặp thầy giỏi và trò giỏi được học cùng nhau".
 
Được hỏi về những dự định tương lai sau khi nhận giải thưởng Fields, GS. Ngô Bảo Châu cho biết sẽ tập trung làm toán thật tốt, tham gia đào tạo nghiên cứu sinh và phát triển toán học trong nước.
 

Những kết quả nghiên cứu và giải thưởng nổi bật của GS. Ngô Bảo Châu:

Giải thưởng Fields 2010.

Báo cáo viên chính tại Hội nghị Toán học Quốc tế tại Hyderabad, Ấn Độ, 2010.

Kết quả chứng minh Bổ đề cơ bản Langlands của Ngô Bảo Châu đã được tạp chí uy tín Time của Mỹ đánh giá là một trong 10 phát kiến khoa học quan trọng nhất của năm 2009.

Giải thưởng Sophie Germain của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp năm 2007.

Giải thưởng Oberwolfach 2007.

Báo cáo viên chính tại Hội nghị Toán học Quốc tế tại Madrid, Tây Ban Nha, 2006.

2005: Được đặc cách phong hàm Giáo sư tại Việt Nam và trở thành Giáo sư trẻ nhất của Việt Nam.

2004: Cùng nhận giải thưởng của Viện toán học Clay với Giáo sư Gerard Laumon cho công trình Bổ đề cơ bản cho các nhóm Unita.

1989: Huy chương vàng Olympic Toán quốc tế tại Đức. Là người Việt Nam đầu tiên giành hai huy chương vàng Olympic Toán học.

1988: Huy chương vàng Olympic toán quốc tế tại Úc.

 

Hồng Hạnh 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm