Góp bàn nên xếp môn Địa lý vào tổ hợp nào trong thi THPT Quốc gia 2017

(Dân trí) - Nhân băn khoăn quanh chuyện nên xếp Địa lý vào tổ hợp môn Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội, Thạc sĩ Địa lý học Ngô Hoàng Đại Long (ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM) có bài phân tích cho rằng, ngoại trừ nhánh Địa lý Tự nhiên, nên xét phần còn lại của môn khoa học này là Địa lý Nhân văn (thay vì Địa lý học).


Thạc sĩ Địa lý học Ngô Hoàng Đại Long

Thạc sĩ Địa lý học Ngô Hoàng Đại Long

“Địa lý học” hay “Địa lý nhân văn”?

Theo mã ngành đào tạo Thạc sĩ ngành Địa lý của Bộ GD&ĐT thì Địa lý được phân tách thành: Địa lý tự nhiên và Địa lý học (Trừ Địa lý Tự nhiên).

Địa lý là một ngành khoa học chuyên nghiên cứu về quy luật phân bố không gian của địa hình, thủy văn, khí hậu, cư dân, các hiện tượng tự nhiên và kinh tế, văn hóa xã hội khác. Chữ Địa là chữ Hán-Việt có nghĩa là đất hay trái đất, lý là "chân lý", "lý luận". Chữ Địa lý bắt nguồn từ gốc chữ Hy Lạp gồm 2 phân, geo có nghĩa là Trái đất, graphy có nghĩa là mô tả (theo wikipedia). Cho nên, cũng hiểu vì sao là các nghiên cứu trong Địa lý hiện nay thường thiên về mô tả nhiều hơn.

Địa lý một lĩnh vực khoa học rất rộng và có lịch sử lâu đời, nó có tính lý luận và ứng dụng rất cao trong cuộc sống hàng ngày. Tính phân định môn học này để theo đuổi chuyên ngành của Địa lý ở Việt Nam lại là một vấn đề của các cuộc tranh luận chưa bao giờ kết thúc.

Ví dụ, lựa chọn 2 nơi có ngành đào tạo về Địa lý uy tín ở nước ta sẽ thấy: trường hợp ĐHQG Hà Nội, ngành Địa lý là khoa học tự nhiên, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh ngành Địa lý là Khoa học xã hội. Cho nên, kết quả đầu ra là một bên là Kỹ sư, một bên là Cử nhân và dĩ nhiên giải quyết vấn đề trong cuộc sống hai anh này cũng sẽ khác nhau.

Theo tôi, việc phân biệt này, cũng chỉ để hướng người học tiếp cận với Địa lý và theo đuổi các chuyên ngành cho hợp với bối cảnh hội nhập, theo yêu cầu của xã hội hơn vì bản chất Địa lý rất rộng, rất nhiều vấn đề phức tạp phải nghiên cứu. Có thể thấy, Địa lý học được chia thành hai nhánh chính: Địa lý tự nhiên và Địa lý nhân văn.

Tuy nhiên, tôi vẫn chưa lý giải tại sao trong mã ngành đào tạo Thạc sĩ của Bộ GD&ĐT thì cách chia lại hoàn toàn khác: Địa lý tự nhiên và Địa lý học (Trừ Địa lý Tự nhiên). Có lẽ, Địa lý học (Trừ Địa lý Tự nhiên) gồm nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm cả Địa lý Nhân văn, Địa lý KT-XH, Địa lý Sức khỏe, Địa lý Biển đảo chăng?... Còn tôi thì vẫn thích dùng chữ Địa lý Nhân văn, một nhánh còn lại của Địa lý học.

Địa lý nhân văn là khoa học liên ngành

Địa lý nhân văn (tiếng Anh là: humanistic geography, humanist geography) là một phương pháp nghiên cứu, cũng là một trong hai phân nhánh chính phát triển từ môn khoa học Địa lý nghiên cứu về con người, là sự mở rộng của ngành Địa lý hành vi, chú trọng vào những hoạt động và quy luật mà không gian địa lý chi phối nhận thức, ý thức và hoạt động sáng tạo của con người.

Một vài cơ quan nghiên cứu cũng lấy Địa lý nhân văn làm nền tảng. Cụ thể như Viện Địa lý Nhân văn có chức năng nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về địa lí nhân văn, nghiên cứu những vấn đề môi trường và phát triển bền vững dưới góc độ khoa học xã hội nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, chính sách tổ chức lãnh thổ nhằm mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng…

Địa lý nhân văn là nghiên cứu con người, đặt việc nghiên cứu con người trong quan hệ chặt chẽ giữa con người và môi trường tự nhiên. Đây là khoa học liên ngành, có thể được kết hợp từ nhiều ngành của khoa học xã hội, nhân văn và khoa học tự nhiên khác nhau như: Môi trường, Du lịch, Xã hội học, Nhân học, Luật học, Tôn giáo học, Văn hóa học, Sinh học, Y học…

Bởi vậy, cho đến nay, Địa lý nhân văn – ngành học nghiên cứu về con người, theo tôi nhận thấy:

Thứ nhất, chưa có lý thuyết và phương pháp nghiên cứu chuyên biệt. Các lý thuyết, phương pháp nghiên cứu chỉ được xác định trong tình huống cụ thể khi thực hiện dưới góc độ của ngành hay chuyên ngành khoa học nào đó.

Thứ hai, về mã đào tạo vẫn là mã 60.31.05.01 (Địa lý học, trừ Địa lý tự nhiên), là một mã chung chung. Cho nên, các kết quả nghiên cứu sau khi được công bố chẳng biết xếp vào nhóm ngành nào cho phù hợp để tính điểm công trình khoa học.

Do vậy, còn muốn đào sâu hơn nữa phải theo chuyển theo một chuyên ngành hay một hướng khác cụ thể thể hơn. Và chắc rằng, trong nhóm ngành các khoa học về Trái đất (địa chất, thủy văn, khí tượng, hải dương học, sinh thái…) thì Địa lý nhân văn sẽ rất yếu thế bởi nó chỉ là một trong những ngành của khoa học xã hội nhân văn trong việc thực hiện liên ngành của nghiên cứu con người lấy không gian làm nền đứng từ góc độ địa lý để giải quyết vấn đề; chưa thể đi sâu để dùng các thuật toán đặc biệt hơn việc mô hình hóa không gian để giải quyết các bài toán xã hội thật sự thì hơi khó với các nhà nghiên cứu thuộc Địa lý nhân văn.

Thứ ba, sản phẩm đầu ra của Địa lý nhân văn thường là các giải pháp suy cho cùng cũng chỉ là các vấn đề lý thuyết về KHXH&NV, chủ yếu phục vụ cho các lĩnh vực công ích, cơ quan quản lý nhà nước (nhưng chưa được các cơ quan này sử dụng nhiều), chứ không phải dành cho các công ty, doanh nghiệp nếu xét về nghề nghiệp.

Còn lại học tập và nghiên cứu sâu hơn nữa theo một chuyên ngành nào đó, Địa lý nhân văn chưa phải là điểm dừng. Bởi các lý thuyết, phương pháp nghiên cứu của Địa lý nhân văn hiện nay chỉ được xác định trong tình huống cụ thể bạn nghiên cứu cái gì, ở đâu, phương pháp gì và tiếp cận dưới góc độ nào để giải quyết vấn đề… Cho nên, mỗi nhà nghiên cứu sẽ có chuyên ngành và thế mạnh riêng của họ để lý giải và giải quyết vấn đề theo họ là ưu việt nhất.

Tóm lại, Địa lý mà chúng ta đang theo học là ngành khoa học mang tính liên ngành, chuyên nghiên cứu về con người dưới cách tiếp cận của địa lý, có thể gọi chung là Địa lý Nhân văn. Việc đi chuyên sâu để giải quyết các bài toán xã hội thường mang tính vĩ mô phục vụ cho các cơ quan Nhà nước.

Xếp Địa lý vào tổ hợp nào?

Vì Địa lý là môn tổng hợp, mang tính liên ngành nên việc xếp nó vào tổ hợp Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội phải phụ thuộc vào nội dung thi THPT Quốc gia 2017 được thiết kế trên chương trình dạy – học ở bậc THPT, thuộc nhánh Địa lý tự nhiên hay Địa lý Nhân văn.

Dễ thấy chương trình Địa lý ở THPT có thể xếp như sau:

Lớp 10: Học kỳ 1 là Địa lý Tự nhiên, Học kỳ 2: Địa lý Kinh tế - Xã hội

Lớp 11: Địa lý khu vực

Lớp 12: Địa lý Việt Nam (tự nhiên & nhân văn)

Vậy nội dung đề thi THPT Quốc gia 2017 sẽ ra vào phần nào? Đó sẽ là cơ sở để xếp môn học này vào tổ hợp Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội.

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, không thể hiện quan điểm của cơ quan tác giả đang công tác.

Ngô Hoàng Đại Long Thạc sỹ Địa lý học

(Trường Đại học KHXH & NV – ĐHQG Hồ Chí Minh)