Gốc rễ sâu xa của nạn “chạy trường”

(Dân trí) - Nạn “chạy trường” vốn đã diễn ra từ lâu nay và để lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực trong ngành giáo dục. Thời gian gần đây, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm tới diễn biến một số vụ tiêu cực “chạy trường” ở TPHCM. Vì sao lại diễn ra tình trạng này?

Nguyên nhân đầu tiên chính là xuất phát từ sự quản lý yếu kém của ngành giáo dục. Sai lầm trong chủ trương tổ chức trường lớp với hệ thống trường trọng điểm, trường chuyên, trường chất lượng cao, lớp chọn tạo ra một tâm lý không cần thiết cho phụ huynh. Đồng thời việc đầu tư không đồng bộ làm cho độ chênh lệch giữa các trường quá lớn.

 

Nếu đầu tư cơ sở vật chất, nhân sự đồng đều hơn ở các trường thì đâu thể có trường không đủ học sinh, trường thì chen chúc tranh giành. Dư luận phê phán thì ngành giáo dục gỡ bỏ hai chữ “trọng điểm” trên bảng trường, nhưng cái ruột vẫn thế - vẫn điều chuyển giáo viên giỏi từ các trường khác sang, tuyển học sinh có điểm giỏi, có thành tích không theo tuyến quy định...

 

Thứ hai là do thiếu thông tin, không có sự hướng dẫn cho phụ huynh về vấn đề chọn trường nào cho hợp lý. Các trường không công khai công bố thông tin về trường (cơ sở vật chất, số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên, trang thiết bị dạy học, kết quả thi tốt nghiệp ...). Hiện nay cũng chưa có qui trình để kiểm định, đánh giá chất lượng đào tạo của các trường từ đó dẫn tới việc không có thông tin đầy đủ, chính xác cung cấp cho các phụ huynh. Các bậc phụ huynh  với mong muốn tìm cho con mình ngôi trường tốt nhất nên tìm cách “chạy trường” vào các ngôi trường nổi tiếng.

 

Mức độ xã hội hoá giáo dục còn yếu, còn ít các trường dân lập và tư thục cũng là một nguyên nhân dẫn đến “chạy trường”. Sự cạnh tranh giữa các trường không lớn, chất lượng đào tạo chưa được nâng cao. Cơ hội lựa chọn trường phù hợp và tốt nhất cho học sinh thấp. Nhiều gia đình học sinh có sẵn tiền nhưng cũng không có trường đủ chất lượng để đăng ký cho con theo học. Trong khi đó, có một chỗ ở các trường công lập danh tiếng thì khó,vì thế họ sẵn sàng bỏ tiền ra để chạy trường.

 

Nhiều phụ huynh học sinh vì bệnh sĩ diện, hình thức, hay ảo tưởng nên bằng mọi giá phải chạy cho con mình một chỗ ở trường danh tiếng.

 

Một số cán bộ quản lý giáo dục, các thầy cô thoái hoá thì lợi dụng đặc quyền để vụ lợi riêng cho mình.

 

Một nguyên nhân sâu xa nữa là ngành giáo dục chưa phân tuyến hợp lý trong giáo dục đào tạo. Cách thức tổ chức quản lý việc tuyển sinh, đào tạo còn thiếu chặt chẽ, công tác thanh tra, quản lý ngành còn nhiều yếu kém nên các vụ chạy trường không bị ngăn chặn ngay từ đầu mà còn diễn ra trong khoảng thời gian dài.  

 

Chạy trường để lại nhiều hậu quả xấu mà hậu quả lớn nhất là nó ảnh hưởng đến các em học sinh được cha mẹ và thầy cô “tiếp sức” phi pháp để có được chỗ học. Sự phạm pháp, hành vi gian dối, thiếu trung thực sẽ ảnh hưởng xấu tới quá trình hình thành và phát triển nhân cách, giá trị sống của học sinh và ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của các học sinh khác.

 

Trong khi chờ đợi những giải pháp hiệu quả từ những nhà quản lý giáo dục, bản thân mỗi phụ huynh, mỗi học sinh cần nói không với “chạy trường” và các tiêu cực khác trong giáo dục. 

 

Song Khuê