Góc chuyên gia: Áp dụng chiến lược “Ít hơn là Nhiều hơn” để chiến thắng bài thi TOEFL iBT
(Dân trí) - Trong bài viết trước về tầm quan trọng của việc ôn lại kiến thức, cô giáo Đỗ Thúy Hằng – chuyên gia tiếng Anh, top 1% thế giới về điểm TOEFL iBT – đã chứng minh việc học cần chất hơn cần lượng. Ở bài viết này, cô Hằng sẽ chia sẻ cách áp dụng nguyên lý “Ít hơn là Nhiều hơn” (Less is More) vào bài thi TOEFL iBT để đem lại kết quả cao nhất.
Tôi thường nói với học sinh của mình rằng, việc thi cử có phần giống như leo núi. Muốn chinh phục đỉnh cao, người leo núi phải bỏ lại hành lý cồng kềnh ở phía sau và chỉ được mang theo mình những vật dụng cần thiết nhất. Đồng thời, họ phải rèn luyện thể lực, sức bền và kỹ năng thật tốt để sẵn sàng cho một hành trình đầy thử thách, đòi hỏi hành trang nhẹ, nhưng đôi chân vững và ý chí không thể lung lay.
Việc học và thi TOEFL iBT cũng như vậy. Cho dù các em có mua bao nhiêu sách tham khảo về nhà, tải xuống bao nhiêu bộ tài liệu từ các nguồn khác nhau thì đến ngày thi, các em cũng chỉ có thể mang vào phòng thi giấy tờ tùy thân, phiếu dự thi và sự tự tin của mình. Cơ quan Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ ETS (Educational Testing Service) luôn đảm bảo sự công bằng và độ chính xác đến tuyệt đối khi tạo ra bài thi năng lực tiếng Anh chuẩn hóa quốc tế TOEFL iBT. Bởi vậy, một bí quyết quan trọng giúp các em có thể hoàn thành bài thi một cách xuất sắc là áp dụng nguyên lý “Ít hơn là Nhiều hơn” (Less is More).
Quan điểm này từ lâu đã không còn xa lạ với nền giáo dục tiên tiến. Lớp ít học sinh hơn để mỗi học sinh được quan tâm nhiều hơn. Chương trình học giảm tải về mặt lý thuyết để tăng thời gian thực hành. Bài tập về nhà ít hơn để học sinh có thời gian tự nghiên cứu nhiều hơn. Thầy cô giảng bài trên lớp ít hơn để học sinh được thuyết trình, thảo luận nhiều hơn. Như vậy, có thể nói rằng, ít hơn về “lượng” đồng nghĩa với nhiều hơn về “chất”. Ít hơn để tập trung hơn, sâu hơn, kỹ hơn, nhờ vậy mà hiệu quả và chất lượng đều tăng lên. Đó cũng chính là nền tảng để áp dụng tư duy “Ít hơn là Nhiều hơn” vào việc chinh phục bài thi chuẩn hóa quốc tế đậm chất Mỹ TOEFL iBT.
1. Phần đọc: Suy diễn ít hơn, trả lời đúng hơn
Một lỗi thường gặp của học sinh khi làm bài đọc là suy diễn, có nghĩa rằng các em không hoàn toàn hiểu đúng nội dung bài đọc, mà tự đưa ra những nhận định, đánh giá mang tính chủ quan dựa trên kiến thức và quan niệm sẵn có của bản thân về chủ thể được nhắc đến trong bài. ETS hiểu rõ điều này, và họ luôn biết cách tạo ra những lựa chọn “bẫy” để thử thách thí sinh.
Khi làm bài đọc TOEFL iBT, các em hãy gạt hết những suy nghĩ chủ quan của mình sang một bên để hoàn toàn tập trung và hiểu đúng những thông tin mà bài đọc đưa ra. Các bài đọc đều được lấy từ giáo trình dùng cho bậc đại học với phạm vi chủ đề rộng, từ khảo cổ học, lịch sử, địa lý, toán học đến sinh học, tâm lý học, xã hội học... Tuy nhiên, một điều rất may mắn là người học không cần có kiến thức về các chủ đề đó, bởi tất cả thông tin cần thiết để trả lời câu hỏi đều đã được ETS cung cấp sẵn trong bài. Bởi vậy, những gì các em cần làm chỉ là hiểu đúng nội dung bài đọc, không suy diễn thì sẽ không bị các lựa chọn “bẫy” đánh lừa.
Phần đọc của TOEFL iBT rất hiệu quả trong việc giúp người học rèn luyện tư duy khách quan và khả năng nhìn nhận đúng bản chất sự việc thay vì đưa ra những nhận định phiến diện, cảm tính, như nữ văn sĩ Mỹ Anaïs Nin đã đúc kết lại rằng, “We don’t see things as they are, we see them as we are.” (Ta không nhìn sự vật như bản chất của chúng, ta nhìn sự vật theo bản chất của chính mình).
2. Phần nghe: Ghi chép ít hơn, hiểu bài kỹ hơn
Từ kinh nghiệm nhiều năm dạy học, tôi nhận thấy những em học sinh ghi chép quá nhiều khi làm bài nghe TOEFL iBT thường có kết quả không cao. Lý do là vì các em không hiểu hết nội dung bài nghe do mất thời gian vào việc ghi chép thông tin lên mặt giấy thay vì đưa thông tin vào trí nhớ ngắn hạn của mình.
ETS tạo ra phần thi nghe hiểu với mục đích kiểm tra khả năng nắm bắt và hiểu thông tin được truyền tải thông qua các bài giảng của giáo sư trên lớp và những bài hội thoại ngoài giờ học, sau đó họ sẽ đánh giá kỹ năng nghe của thí sinh bằng cách đưa ra các câu hỏi dựa trên nội dung của bài hội thoại và bài giảng đó. Bởi vậy, khi làm bài nghe của TOEFL iBT, việc quan trọng nhất mà các em cần làm là hướng sự tập trung của mình vào việc nghe chủ động để có thể hiểu đúng, hiểu đủ nội dung mà bài đưa ra.
Không thể phủ nhận rằng việc ghi chép (note-taking) trong quá trình nghe là cần thiết bởi điều đó giúp thí sinh nắm được cấu trúc của bài nghe, dễ dàng theo dõi mạch bài và hỗ trợ quá trình trả lời câu hỏi, nhưng ghi chép chỉ là việc phụ. Nếu các em quá tập trung vào việc ghi lại thông tin thì sẽ khó tránh khỏi việc bỏ lỡ một số chi tiết quan trọng, và nếu chi tiết đó xuất hiện trong câu hỏi thì việc mất điểm là tất yếu. Do vậy, các em chỉ nên ghi lại những từ khóa thật sự cần thiết để nắm được mạch bài. Đồng thời, các em hãy viết rõ ràng, tạo thành cấu trúc để dễ dàng tham khảo lúc trả lời câu hỏi. Khi đó, phần ghi chép sẽ thật sự hiệu quả, vừa không gây sao nhãng, cản trở quá trình nghe hiểu, vừa hỗ trợ rất đắc lực cho việc trả lời câu hỏi được chính xác.
Ghi chép là phụ, nghe hiểu là chính.
3. Phần nói: Nói ngắn gọn hơn, kết quả tốt hơn
Phần thi nói của TOEFL iBT rất chặt chẽ về mặt thời gian, bởi vậy câu trả lời càng ngắn gọn, súc tích và rõ ràng càng được đánh giá cao. Ngược lại, câu trả lời dài dòng, lan man sẽ nhận điểm số thấp vì vừa không hiệu quả về mặt diễn đạt, vừa không đảm bảo về mặt thời gian.
Đây là một ví dụ thật từ hai em học sinh của tôi cùng thi TOEFL iBT vào một ngày. Các em được hỏi rằng, “Describe a painting or photograph that is memorable to you. Explain why you like it.” (Hãy mô tả một bức vẽ hoặc bức ảnh đáng nhớ đối với bạn. Giải thích vì sao bạn thích bức tranh đó.) Hai em có khả năng phát âm tiếng Anh Mỹ chuẩn như nhau, đề thi giống nhau, nhưng cách trả lời khác nhau đã tạo nên sự chênh lệch rõ rệt về điểm số.
Bạn thứ nhất mô tả bức ảnh em cùng gia đình đi thăm Vườn Bách thảo Singapore (Singapore Botanic Gardens). Vì sa đà vào kể lể từng chi tiết của bức ảnh nên em chưa kịp hoàn thành phần trả lời của mình và chỉ nhận được kết quả “Fair” (Khá tốt). Bạn thứ hai lựa chọn bức họa “Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai” (Girl with a Pearl Earring) vì đã đọc cuốn tiểu thuyết cùng tên nên rất yêu thích kiệt tác hội họa này. Câu trả lời ngắn gọn, súc tích, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về nội dung trong vòng 45 giây của em đã nhận được kết quả “Good” (Tốt) và điểm số phần nói gần tuyệt đối là 29/30.
4. Phần viết: Ít ngôn từ hoa mỹ hơn, hiệu quả diễn đạt cao hơn
Phần thi viết của TOEFL iBT không yêu cầu thí sinh sử dụng những từ ngữ “đao to búa lớn”, bởi vậy các em không cần mất thời gian lựa chọn những ngôn từ hoa mỹ để gây ấn tượng với người chấm thi. Từ hiểu biết sâu sắc và kinh nghiệm thực tế với các bài thi chuẩn hóa của Mỹ, tôi nhận thấy không ít học sinh khi viết bài luận độc lập của kỳ thi TOEFL iBT đã tự làm giảm điểm của mình bằng cách thêm vào một số từ nên dành cho những kỳ thi khác, chẳng hạn như SAT hay GRE.
Các em nên dùng skillful thay vì adroit (khéo léo), relevant thay cho pertinent (thích hợp), irrelevant thay vì extraneous (không liên quan), secret thay cho clandestine (bí mật), cautious thay vì circumspect (thận trọng), bitter thay cho acrimonious (chua chát), stubborn thay vì obdurate (cố chấp), enormous thay vì prodigious (phi thường), false thay cho fallacious (sai trái), effective thay vì efficacious (hiệu quả)…
Từ vựng đối với bài viết cũng giống như những viên gạch đối với một căn nhà. Nhà nào thì gạch nấy. Với TOEFL iBT, người chấm thi không tìm kiếm những ngôn từ bóng bẩy, mà điều họ mong đợi ở các em là khả năng sử dụng những từ ngữ thông dụng một cách thật chuẩn xác, đa dạng và hiệu quả. Điều đó tưởng chừng đơn giản, nhưng lại không dễ chút nào. Bởi đơn giản chính là đỉnh cao, là đích đến của sự phức tạp, như câu nói nổi tiếng của đại danh họa Leonardo da Vinci, “Simplicity is the ultimate sophistication”.
Cô giáo Đỗ Thúy Hằng
* Cơ hội đặc biệt dành cho độc giả Dân Trí
Nếu bạn mong muốn nhận được sự đánh giá, nhận xét từ chuyên gia hàng đầu về khả năng viết luận tiếng Anh của mình, mời bạn viết bài luận tối đa 500 từ với chủ đề: “Do you agree or disagree with the following statement? People should sometimes do things that they do not enjoy doing. Use specific reasons and examples to support your answer.” Bài luận gửi về email mshang.toeflibt@gmail.com trước ngày 20/12/2017 sẽ được cô Hằng nhận xét, góp ý chi tiết.
5 bạn có bài viết xuất sắc nhất sẽ được cô Hằng gửi tặng cuốn sách Sinh ra là một bản thể, đừng chết như một bản sao do chính cô dịch từ nguyên tác của John Mason You’re born an original (don’t die a copy), đồng thời có cơ hội được nhận vào lớp TOEFL iBT 110+ dành cho những bạn có quyết tâm đạt từ 110 điểm trở lên.
Cô giáo Đỗ Thúy Hằng là chuyên gia luyện thi TOEFL iBT tại Hà Nội. Cô thuộc top 1% thế giới về điểm TOEFL iBT và đã nhận được bằng CELTA (Chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh cho người nước ngoài) do trường Cambridge, Anh Quốc cấp và chứng nhận.
Cô Hằng đã có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh và luyện thi TOEFL iBT. Nhiều học sinh của cô đã đạt số điểm rất cao trong kỳ thi TOEFL iBT và giành được những suất học bổng giá trị từ các trường hàng đầu tại Mỹ, như em Ngô Hải Nhất Minh (học sinh lớp 9) đạt 115/120 TOEFL iBT, 29/30 phần nói; em Nguyễn Phan Anh giành được học bổng 220.000 USD của trường Colgate, top 20 trường Đại học hàng đầu tại Mỹ; em Phạm Minh Hiếu cùng lúc giành được 3 suất học bổng toàn phần (giá trị mỗi suất học bổng từ 270.000 - 290.000 USD) của 3 trường nằm trong top 4 các trường Đại học tốt nhất nước Mỹ là Stanford, Columbia và Chicago.
Cô giáo Đỗ Thúy Hằng