Giữ gốc cho người Việt ở nước ngoài

Có con đang sinh sống ở châu Âu, bà Mai Thị Lan, Hoàn Kiếm, Hà Nội vừa mừng vừa tủi khi mỗi lần con cháu về Việt Nam, ông bà vui nhiều nhưng không chia sẻ được bao nhiêu bởi chẳng cháu nào nói được tiếng Việt.

Đây là tình trạng chung bởi trong số gần 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống tại nhiều nước trên thế giới, công việc làm ăn đã cuốn đi phần lớn sự quan tâm duy trì tiếng Việt cho các thế hệ tiếp theo. 

Một lớp học tiếng Việt cho con em kiều bào tại Frankfurt, CHLB Đức
Một lớp học tiếng Việt cho con em kiều bào tại Frankfurt, CHLB Đức.

Vốn từ chỉ đủ để... chào

“Nghe được tiếng “chào bà nội” từ cô cháu Susan, tôi mừng rơi nước mắt, nhưng rồi mới biết, đó là từ duy nhất mà cháu mình biết mang về Việt Nam khi bố mẹ cháu đã sinh sống ở Đức 30 năm nay” - bà Mai Thị Lan cho biết. Vậy là mỗi lần muốn hỏi chuyện cháu điều gì, bà lại phải kiên nhẫn giải thích bằng tay. “Nhiều khi không có bố mẹ cháu ở nhà, 2 bà cháu chỉ nhìn nhau cười mà không biết nói gì” - bà Mai Thị Lan kể lại. Những tình huống này chẳng hiếm gặp với những gia đình có con cháu sinh sống ở nước ngoài.

Cô Nguyễn Thị Loan, giáo viên tiếng Việt, thành phố Karlovy Vary, Cộng hòa Czech chia sẻ, cô là giáo viên tiếng Việt duy nhất tại thành phố này. Cô cho biết, rất nhiều gia đình, đặc biệt là gia đình con lai, chỉ có nhu cầu gửi con học một thời gian ngắn trước khi cho con về Việt Nam chơi, sao cho con biết vài câu chào ông bà, cô bác. Còn tại Ba Lan, ông Nguyễn Văn Thái, Việt kiều đang sinh sống ở Ba Lan cho biết, đa số phụ huynh rất bận rộn với công việc làm ăn, phần nữa cũng do chưa nhận thức đầy đủ được sự cần thiết của việc học tiếng Việt nên một số lượng lớn con em trong cộng đồng đều không biết tiếng Việt.

Phân tích rõ nguyên nhân tiếng Việt không được quan tâm, đầu tư, ông Lê Vũ, Việt kiều tại Mỹ  cho biết: “Một số phụ huynh gốc Việt nghĩ không cần cho con trẻ học tiếng Việt, với lý do tiếng Việt không phải là một ngôn ngữ thương mại quan trọng trên thế giới. Nếu học chỉ để nói chuyện với bố mẹ, thì bố mẹ ngày nay cũng có thể trao đổi tốt với con cái bằng tiếng Anh rồi. Còn nếu muốn học thêm một ngoại ngữ thì lựa chọn tốt hơn là học thêm tiếng Trung Quốc, tiếng Tây Ban Nha, vừa có thêm giá trị thực dụng trên thị trường nhân sự ở Mỹ”.

Còn thiếu chương trình

Nhằm tăng cường cho con có thói quen duy trì vốn tiếng Việt đã được dày công xây dựng trong gia đình khi sinh sống ở Pháp lâu năm, chị Hoàng Lan, Việt kiều ở Paris cho biết, cả gia đình thường xuyên đọc báo mạng tiếng Việt. Tuy nhiên, khó khăn xảy ra là nhiều câu từ khá trúc trắc, cách hành văn không mạch lạc và thông tin chưa hấp dẫn. Vấn đề này thậm chí đã được bà Nguyễn Thanh Hằng, báo Đoàn kết, Hội người Việt Nam tại Pháp tổng kết, đưa ra một số đề nghị của Ban giáo viên hội người Việt Nam tại Pháp tới báo chí và truyền thông trong nước: “Thứ nhất báo chí cần viết đúng chính tả, ngữ pháp. Báo chí trong nước cũng cần đưa nhiều tin chất lượng, nội dung súc tích hơn. Nhiều bài báo chúng tôi đem cho những người có kiến thức, có vốn tiếng Việt khá sõi đọc, mà họ bảo là dài dòng, đọc không hiểu gì. Báo trong nước cũng nên tăng cường các bản tin song ngữ”. 

Đưa ra hạn chế trong việc tìm hiểu, tiếp cận tiếng Việt với các thế hệ trẻ Việt kiều tại nước ngoài hiện nay, bà Nguyễn Thanh Hằng lấy ví dụ: “Pháp đã có cuốn “Nước Pháp dễ hiểu”. Nếu Việt Nam biên soạn được một cuốn như “Việt Nam dễ hiểu” - với những câu đơn, giải thích văn hóa, lịch sử Việt Nam, in song ngữ càng tốt - thì việc phổ biến tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài sẽ thuận lợi hơn”. 

Được biết, đến nay Bộ GD-ĐT mới tổ chức biên soạn, thẩm định và phê duyệt hai chương trình dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.  Có thể thấy số lượng chương trình ít như vậy sẽ không đáp ứng đa dạng nhu cầu của gần 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống tại hơn 100 lãnh thổ, quốc gia trên khắp thế giới. Hiện tại, khi chưa ban hành được nhiều chương trình học tiếng Việt chính thức thì việc cập nhật tiếng Việt qua đời sống thông tin truyền thông được cho là kênh duy trì hiệu quả nhất nhưng cần sự đầu tư tốt hơn để đáp ứng được yêu cầu khá cao của kiều bào. 

Theo Duy Anh
ANTĐ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm