Giới trẻ thay đổi tư duy trong chọn nghề, chọn việc
(Dân trí) - Nhiều bạn trẻ tại Đắk Nông chọn con đường học nghề để sớm có việc làm và tự chủ cuộc sống. Nhiều ngành nghề từ đó cũng thu hút người học, cùng cơ hội việc làm cho thấy thay đổi trong tư duy chọn nghề.
Chọn nghề để có việc
4 năm trước, Nguyễn Thị Hồng Thắm (SN 1997, ở phường Nghĩa Tân, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) bước chân vào ngành học thú y tại Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk).
Ban đầu lựa chọn học nghề, Thắm chỉ nghĩ đơn giản là tìm một nơi đi học như những người bạn khác. Song sau 3 năm đào tạo, Thắm yêu thích ngành học và đã tìm được một công việc phù hợp với bản thân.
Hồng Thắm chia sẻ, tốt nghiệp ngành thú y, cơ hội việc làm của Thắm rất lớn khi có thể xin vào làm việc tại các trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn. Sau một thời gian phụ trách mảng kỹ thuật chăn nuôi tại một trang trại heo, Thắm quyết định chuyển sang làm tại một spa chăm sóc thú cưng tại TP Gia Nghĩa.
"Công việc của em là theo dõi sức khỏe của heo nên không vất vả như công nhân chăm sóc, nuôi dưỡng. Dù thu nhập ổn định nhưng sở thích của em lại là thú cưng nên em quyết định nghỉ việc rồi xin vào spa này. So với trước đây, khối lượng công việc nhiều hơn nhưng phù hợp hơn với đam mê của mình", Thắm nói và cho biết thêm, với công việc hiện tại, cô có đủ thu nhập để duy trì cuộc sống tại thành phố.
Tương tự, Đàm Thị Đào (SN 2002, ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) cũng lựa chọn theo học ngành thú y tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông, bởi theo suy nghĩ của nữ sinh này, sau khi tốt nghiệp, Đào có thể xin vào làm ở nhiều nơi, như các trang trại, trạm kiểm soát dịch bệnh động vật hoặc cơ sở chăm sóc vật nuôi.
"Hiện nay, người dân không chỉ chăn nuôi gia súc, gia cầm đơn thuần mà nhiều gia đình có điều kiện còn chăm sóc động vật như thú cưng trong nhà. Em lựa chọn ngành thú ý với mong muốn sau khi tốt nghiệp em có thể xin vào làm việc tại các cơ sở chăn nuôi hoặc tự tạo việc làm bản thân mình nếu đủ điều kiện kinh tế", Đào nói thêm.
Đặc biệt, Đào còn là đối tượng bảo trợ của tỉnh Đắk Nông do mồ côi bố mẹ từ nhỏ. Chính vì vậy, ngoài việc lựa chọn học nghề để sớm có việc làm, tự chủ cuộc sống thì bản thân Đào cũng được hưởng nhiều chính sách trong quá trình học nghề tại địa phương.
Chính sách hấp dẫn người học
Ông Chung Văn Phong, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật Phương Nam (Đắk Nông) cho rằng, những năm gần đây, những bạn trẻ sau khi hoàn thành bậc học THCS hoặc THPT đã lựa chọn cho mình những ngành nghề phù hợp, căn cứ vào sở thích, năng lực của bản thân và theo nhu cầu thực tế của xã hội.
Sự thay đổi suy nghĩ trong việc chọn ngành, nghề của học sinh ngày càng thể hiện rõ rệt, cho sự chuyển dịch trong tư duy, nhận thức của học sinh.
Thay vì bằng mọi cách để vào đại học, nhiều em lựa chọn học nghề. Ngoài cơ hội việc làm rộng mở thì chính sách hỗ trợ đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm như "thỏi nam châm" hấp dẫn học sinh.
"Phần lớn các trường đào tạo nghề sẽ liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tạo việc làm cho các em sau khi tốt nghiệp. Điều quan trọng trong quá trình đào tạo là giúp học sinh, sinh viên thực hành nhiều hơn, cọ xát trong môi trường làm việc thực tế và ít nghiêng về lý thuyết hàn lâm. Chính nhờ điều này mà khi tốt nghiệp, học sinh, sinh viên rất thạo việc, không còn phải cầm tay chỉ việc như trước đây"- ông Phong chia sẻ thêm.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2239/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.Mục tiêu của chiến lược là phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.
Ngày 24/12/2021, UBND tỉnh Đắk Nông cũng có quyết định triển khai Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2025.
Trong đó quy định rõ, học sinh sinh viên trúng tuyển vào trung cấp, cao đẳng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập sẽ được hỗ trợ học phí và hỗ trợ tiền ăn hàng tháng.