Chuyện học xứ người:

Giờ ngoại ngữ và cửa sổ

(Dân trí)-“Vừa mở cửa, con gái tôi hoan hỉ báo tin thắng lợi. Nó và Robecca không chịu thua cô giáo tiếng Anh. Chúng đã tới gặp cô chủ nhiệm và đề nghị về việc <i>phải đóng cửa sổ</i>. Lập tức bà hiệu trưởng và cô chủ nhiệm tới dự giờ tiếng Anh vào đúng chín giờ sáng”...

Quanh chuyện đi học của cô con gái ở Đức, nhà văn Nguyễn Văn Thọ chia sẻ về cách giáo dục ở trường học Đức. Xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn tới độc giả.
 
 
Kỳ II: Giờ ngoại ngữ và cửa sổ
 
Ngoại ngữ: tiếng Anh, ngay từ tiểu học là môn học chính, có tính bắt buộc, học sinh phải cố gắng học nó như toán hay văn. Lên trung học, con tôi còn phải học thêm ngoại ngữ thứ hai, ấy là chưa kể hàng ngày nó phải chat với chị nó ở Việt Nam, phải đọc thơ của Trần Đăng Khoa, Trần Quốc Toàn hay Hoàng Sơn để học tiếng Việt Nam.
 
Năm nay, đầu năm lớp Sáu, cô giáo tiếng Anh dạy lớp Sáu A của con gái tôi nghỉ đẻ, nên có cô Tiếng Anh mới. Bà giáo này hơi béo, có vẻ khó tính, không hay pha trò như cô giáo cũ của chúng. Tôi nghe lỏm bọn trẻ tới nhà tôi kể về điều ấy, khi chúng tập đóng một vở kịch ngắn, tự quay phim, nhân tiết học về quảng cáo trên tivi là như thế nào.
 
Có một bữa, con tôi về bức xúc nói: “Hôm nay có chuyện với cô giáo ngoại ngữ!”. Nó bảo, cô giáo này có vấn đề. Mùa đông lạnh thế mà cứ mở cửa sổ. Con và Robecca bị ánh sáng chiếu thẳng vào mắt, nên chói mắt khó chịu, lại khó nhìn lên bảng được. Đóng cửa sổ lại vào khi giải lao, tiết sau cô ấy lại mở ra.
 
Điều ấy tôi biết. Cửa sổ Đức ở các lớp học có kính thủy tinh làm giảm cường độ ánh sáng. Mắt con tôi cũng không được tốt, nên cháu thường phải ngồi hàng ghế đầu tiên với bạn thân nó là con Robecca cao kều.
 
Đầu tuần sau. Vừa bấm cửa đón nó trở về sau ngày học, chưa kịp quẳng cặp xuống đất, nó đã nói: “Lại chuyện cửa sổ bố ạ”. Tôi hỏi: “sao?”. Nó kể: “Hôm nay, chúng con đóng cửa sổ lại, khi vào giờ giải lao. Bà ta có vẻ giận lắm, đầu tiết hai vào, thấy cửa đóng, bèn lại mở toang ra và hỏi, ai mở cửa sổ ra thế này? Con và Robecca nhìn nhau rồi cả hai giơ tay lên. Bà tỏ ra không vui và nói Các em biết không, tôi đã năm lần mở cửa ra rồi. Từ nay không ai được đóng lại nhé!”. Con gái tôi đã xin phép đứng dậy và bảo: “Thưa cô, cô phải cho chúng em đóng lại. Em không nhìn thấy rõ, cô viết gì trên bảng. Hơn nữa, ánh sáng chiếu thẳng vào em vào bạn Robecca, làm chúng em rất chói mắt.” Khổ quá, đúng là có chuyện rồi! Tôi nghĩ: “Tại sao con không dùng từ Có thể thay cho từ muss (phải)?” Con tôi kể tiếp: “Chói mắt, bà ta nói lại lời con và rồi phẩy tay bố ạ. Cả lớp hoảng hồn khi bà hổn hển thở và giải thích Chói mắt đấy, nhưng đóng lại thì cô không thể thở được hiểu không? Luft! Luft! ( không khí! không khí!!). Bà ấy cau mày và giơ hai tay lên trời”.
 
Tôi đoán ra câu chuyện con tôi kể và nói: “Có thể bà ấy khó thở thật, vì nếu không khí bị hun lên ở trong phòng bật lò sưởi quá nóng đôi, cũng làm bố khó thở.” Con tôi suy nghĩ một lát rồi bảo: “Không thể như vậy. Nhà trường phải tìm giải pháp khác, cho cô đi viện chẳng hạn, nếu cô ấy thiếu không khí quá. Chứ con và bạn Robecca sao mà chịu mãi cả năm thứ ánh sáng chọc thẳng vào mắt. Hơn nữa con chẳng nhìn thấy gì trên bảng”. Nói rồi nó thở dài, đặt phịch cái cặp xuống, lung lay cả nệm giường. “Nhưng thôi, con và Robecca bàn rồi. Chúng con sẽ có cách.” Nói rồi nó bỏ vào phòng tắm, làm tôi không kịp hỏi cách như thế nào.
 
Một tuần sau. Cũng vừa mở cửa, nó đã hoan hỉ báo tin thắng lợi. Nó giơ bàn tay lên bắt tôi vỗ tay vào tay nó chia vui. Thì ra, hôm nay nó và Robecca không chịu thua cô giáo tiếng Anh. Chúng đã tới gặp cô chủ nhiệm và đề nghị về việc phải đóng cửa sổ. Lập tức bà hiệu trưởng và cô chủ nhiệm tới dự giờ tiếng Anh vào đúng chín giờ sáng. Khi đó tia nắng mặt trời chiếu xiên thẳng vào hàng ghế đầu.
 
- Ồ rõ cả rồi. Từ nay cái cửa sổ này sẽ phải luôn luôn đóng (lại từ Phải - muss!).- Bà hiệu trưởng công bố rõ ràng trên lớp học, mặt kệ cô giáo tiếng Anh ngơ ngác. “Cô giáo tiếng Anh được phép hé cửa đi bên trái!” Con tôi kể thêm. “Tiết học không vui chứ?” Tôi hỏi. “Tất nhiên!” Con tôi phẩy tay. “Làm sao được!” Nó nhún vai. “ Không thể khác được!”.
 
Tôi thực sự lo lắng. Ngoại ngữ, môn tiếng Anh là môn chính, bắt buộc. Con tôi học khá giỏi môn đó. Một môn học chính, có điểm cao, sẽ đỡ cho môn thể dục của nó, ít khi được điểm cao. Vả lại, năm nay là năm cuối của bậc tiểu học, để cộng điểm các môn lấp điểm trung bình, xét cháu có được vào thẳng hệ Gymnasium (hệ đào tạo trung học để đi học tiếp cử nhân) hay không. Tôi bảo “Con ơi, một điều nhịn chín điều lành”. Nó lắc đầu. Tôi không biết con tôi có hiểu rõ câu ngạn ngữ dân gian này không, hay là nó lắc đầu tuyên bố nó đúng!
 
Hai tháng sau, có cuộc họp phụ huynh để nghe báo cáo ba tháng học của học trò, chuẩn bị nghỉ Noel. Tại Đức, những phiên họp này không bao giờ họp chung tất cả phụ huynh. Khi bàn về việc học của từng học trò, người ta đặt lịch tiếp từng người, cha hay mẹ của trò. Tôi đem cái điều lo ngại ra, trình bầy với cô giáo chủ nhiệm, tế nhị hỏi về việc Cái cửa sổ đã xảy ra. Bà giáo trẻ khá thông minh và nhạy cảm, nhận ra lo lắng của tôi và điềm tĩnh cười nói: “Xin ông đừng lo. Cô tiếng Anh vẫn ở vị trí ấy. Giáo viên phải chịu đựng những khó khăn ở lớp học, chứ không phải học trò!”.
 
Nghe như vậy, nhưng tôi vẫn lo lắng và thường nhắc con tôi, phải cố gắng môn Anh văn. Nó chủ quan lắm, thường khoe, nó nhất lớp tiếng Anh. Sự chuyện này xảy ra rồi sẽ kết cục ra sao? Tôi thường xuyên kiểm tra bài kiểm tra Anh ngữ của cháu và không thấy có điều không bình thường xảy ra. Vừa rồi, trước khi về nuớc, tôi thở phào khi biết tin bà giáo Tiếng Anh chọn nó và một đứa nữa vào đội thi tiếng Anh của trường tiểu học của cháu, lên thành phố đua tài.
 
Suy nghĩ về việc trên, tôi có kể cho vợ chồng em trai tôi. Tôi nói về quyền của học trò và quyền lợi của thầy giáo trong một hoàn cảnh nhất định. Tôi bàn với chú em về quyền của đứa trẻ mới 12 tuổi, trước một điều sai và đúng, của nhận thức và lòng tự tin để tranh đấu cho lẽ phải. Tôi nói về quan hệ học đường, một cách hăng hái, và tái mặt khi cô em dâu tôi thở dài đánh thượt và nói:
 
- Ối trời, anh ơi, ở Đức thôi nhé! Ở đây mà căng như thế, đại đa số, họ trù con em tới chết!
 
- Ừ, cứ kể nôm na ra vậy thôi. Chứ anh cũng chẳng sùng ngoại lắm đâu. Nhưng mà điều gì, họ làm tốt hơn ta, ta phải học chứ, mà chưa học được, thì cũng là ước ao nay mai quan hệ học đường giữa trò và thầy sòng phẳng như thế. Nay mai như thế không? Ngày tôi học phổ thông xưa, giáo viên chẳng bao nhiêu ân tình dạy dỗ lứa chúng tôi để hôm nao bao nhiêu người tự tin ra mặt trận, thành người đó sao? - tôi âm thầm nghĩ.
 
(còn tiếp)

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Dòng sự kiện: Cải cách giáo dục

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm