Chuyện học xứ người:

Lễ khai giảng ở Đức

(Dân trí)-Ở Đức người ta chỉ quan tâm tới Lễ khai giảng cho học sinh lớp Một. Họ quan niệm, đó là ngày quan trọng nhất, trong đời một con người đi học nên tổ chức trân trọng, nhưng gọn, nhiều ý nghĩa, phong phú về nội dung và nghiêm túc về ý thức cho thầy và trò.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ từng có loạt bài “Chuyện học xứ người” nói về chuyện học tập của học sinh ở Đức với những phương pháp giáo dục ý nghĩa. Nay, được sự cho phép của nhà văn, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu loạt bài này tới độc giả. 

Kỳ I: Khai giảng

Chuyện giáo dục phổ cập bấy nay ở Việt Nam năm nào cũng bàn tới. Phức tạp lắm!

Những ngày khai trường ở Đức, suy nghĩ lại, tôi chỉ thấy nhà tôi bận rộn nhất vào ngày khai trường lần đầu tiên của con gái tôi khi vào lớp Một. Còn lại sau này, cháu đi học tới hết lớp Sáu, gia đình hầu như không phải quan tâm tới mỗi khi nhập học.

Ở Đức người ta chỉ quan tâm tới Lễ khai giảng cho học sinh lớp Một. Họ quan niệm, đó là một ngày quan trọng nhất, trong đời một con người đi học. Chính vì thế, năm lớp Một, họ tổ chức trân trọng, nhưng gọn, nhiều ý nghĩa, phong phú về nội dung và nghiêm túc về ý thức cho cả thầy và trò.

Năm con tôi Khai giảng lớp Một, chúng tôi được báo trước một tháng: ngày và giờ buổi Lễ, nội dung, ghi rõ từng giờ, gồm những điều gì, ở đâu. Trường thành phố Teltow nhỏ, chỉ có ba lớp Một. Tại sân trường, đúng bẩy giờ sáng, chật ních người lớn và học trò của ba lớp Một. Người tới trường chia vui với trò, không chỉ cha mẹ trò. Đây là một ngày trọng đại khai mở của một đoạn đời Học làm người (như ngày xưa với văn hoá cổ của Việt Nam có Lễ nhập môn), vì thế tất cả các gia đình, chứ không riêng ai, từ ông bà, chị em, cô dì, chú bác và bè bạn thân nhất của gia đình có học trò lớp Một, đều tới chứng kiến, chia vui với đứa trẻ.

Lễ khai giảng ở Trường Tiểu học Holzhausen (Frankfurt am Main, CHLB Đức). (Nguồn: VietNamNet)
Lễ khai giảng ở Trường Tiểu học Holzhausen (Frankfurt am Main, CHLB Đức). (Nguồn: VietNamNet)


Con gái Toản Li của tôi xúng xính trong bộ áo dài Việt Nam. Tháng chín buổi sớm còn lạnh, nên chúng tôi khoác cho cháu một chiếc áo ấm. Tục lệ không biết từ bao lâu, chúng tôi làm một chiếc ống giấy xanh đỏ cho cháu hình chóp nhọn, dài sáu chục phân, đường kính đáy hai nhăm phân. Ống chóp đó, đựng đủ bánh kẹo, sổ tay nhỏ, giấy mầu, truyện tập đọc v.v... và, cả phong bì tiền, không nhiều quá, tiền vui mừng của bè bạn; không chỉ bạn Việt, con tôi còn có quà của ông già hàng xóm Kaler, bà Graumann ở Hội đồng thành phố, người quen biết của chúng tôi hai mươi năm qua. Trẻ nào cũng có ống đựng quà hình chóp xanh đỏ vậy. Chúng hớn hở vác trên vai vào Lễ. Có người Đức râu tóc bạc trắng, đi xe lăn, cũng tới dự lễ khai giảng cho cháu gọi bằng cụ của họ.

Đúng 7 giờ, không sai một phút, nhạc Quốc ca Đức phát ra trên loa phóng thanh và lá Quốc kì ba mầu trên sân trường được chầm chậm kéo lên trong tiếng nhạc. Những người lớn kính cẩn đứng nghiêm, tay đặt lên ngực, nơi trái tim đang đập. Những đứa trẻ mắt trong vắt, nhìn đăm đăm, dướn lá cờ Tổ quốc phần phật bay trong những tia nắng đầu tiên chiếu lên sân trường. Không khí cực kì nghiêm trang.

Khi tiếng nhạc chấm dứt, lá cờ vừa chạm vào điểm cao nhất của cột cờ. Tôi nhìn thấy bà hiệu trưởng đã đứng ngay trên cầu thang vào trường (1) trước Micro, cất tiếng trịnh trọng tuyên bố Lễ khai giảng năm học. Không có bục diễn thuyết, không có hoa đài và khẩu hiệu. Diễn văn của bà không quá mười phút, nêu ý nghĩa của việc học tập để xây dựng quốc gia, để học làm Người tốt cho xã hội con người, Trách nhiệm và quyền lợi của trò. Cuối cùng là lời hứa ngắn của bà hiệu trưởng gửi tới các cha mẹ, người thân của trò. Lời bà vừa chấm dứt, bà rời vị trí diễn giả trong tiếng hoan hô hưởng ứng và lập tức các cô giáo của ba lớp Một, hai cô một lớp, dẫn lớp họ phụ trách, vào trường nhận lớp, nhận bàn và, chỉ cho trò nơi nào để giầy, mũ, áo khoác, nơi nào để đồ chơi mang theo v.v... trong sự chứng giám của cha mẹ và người thân  trò.

Dọc hành lang tôi nhìn thấy cơ man nào câu tựa như khẩu hiệu, song vui vui, tranh vẽ của trò lớp trên. Tất cả do học sinh tự làm, đủ màu sắc nói về khai trường cho các bạn lớp Một.

Cũng ở các sảnh lớn tôi thấy dăm học sinh hơn tuổi con tôi bày bánh ngọt, ca fe và giấy lau miệng. Thì ra, họ cho các cháu tự quản, bán bánh nước uống cho mọi người. Sau này tôi mới rõ, khi con gái tôi lên lớp Ba, việc tổ chức bán như thế có hai mục đích, phục vụ vui chơi Lễ hội, gây quỹ cho từng lớp và học luôn một hình thái rất quan trọng của xã hội: buôn bán như thế nào.

Vì trường chỉ có một hội trường nên nội dung thứ hai, chia ra ba thời gian, lớp con tôi vần A nên bắt đầu từ 8 tới 10 h. Toàn bộ cha mẹ và trò ngồi trong một hội trường chỉ đủ chỗ cho gần 100 ghế, có một sân khấu nhỏ. Tại đó học sinh lớp Một ngồi trên cùng, bên cạnh chúng là xen kẽ học sinh lớp hai vần A. Buổi vui bắt đầu. Chuông nhỏ reo lên. Bà giáo chủ nhiệm tuyên bố độ dăm phút, giới thiệu tên bà và cô phó chủ nhiệm và khai mạc buổi vui. Tiết mục đầu tiên là đồng ca của lớp Hai, vần A. Nhạc rất nhẹ nhàng, thể tự sự. Đây là bài hát của một nhạc sĩ có tên tuổi của Đức. Lời bài hát kể cho trò nghe, các bạn sẽ học cái gì ở lớp Một. Từ kỉ luật học đường tới nội dung của các tiết học. Rất ngắn mà vui, súc tích. Ví như: các bạn sẽ hiểu thế nào Ngôn ngữ Đức, nó khó mà vui. Hiểu thế nào là cái cây và con gà, hiểu ra sao để khi một cộng với một là hai, hai nhân hai là bốn, đại loại như vậy v.v... Bài ca còn có đoạn nói về tình bạn, tình thầy trò của học đường. Lời giản dị và nhạc dễ hiểu.

Xong tiết mục này, tôi tưởng là tiết mục khác ngay, hoá ra không phải. Toàn thể trò lớp Hai A bỗng nhiên ùa xuống hàng ghế đầu và mỗi bạn cầm trên tay một đóa hồng tặng cho các bạn lớp Một A. Trò lớn cầm tay trò nhỏ bước lên sân khấu, cúi đầu chào mọi người làm tôi vô cùng xúc động. Màn diễn có một ý nghĩa rất lớn, nó làm tôi vững dạ tin rằng, có sự kế tiếp giúp đỡ của con người với con người ở  đây, ngay từ buổi ban đầu tập làm người. Nhất là khi con tôi là người nước ngoài. Nó lẫn vào với người Đức, không phân biệt.

Buổi liên hoan kéo dài đúng hai tiếng. Tất cả đều là những tiết mục của các trò lớp lớn. Hỏi ra, chúng được tập hơn tháng nay để chào đón bạn mới. Tôi biết rằng, ngay sau đó là hai buổi khác cũng như vậy của các trò lớp Một B và C. Chỉ có một hội trường nhưng liên hoan làm cho buổi Lễ kéo dài tới tận hai giờ chiều, mà ai cũng có thể tham dự.

Sau liên hoan văn nghệ, chúng tôi chứng kiến lớp con tôi trở về lớp học. Cô giáo chủ nhiệm nói với chúng về những quy định của trường, tương tự như nội quy ở ta. Những lời nói vui, tếu của cô làm cho chúng tiếp nhận không căng thẳng. Ví như khi cô nói về sự đúng giờ, cô ví như con Thỏ, phải nhanh nhẹn vệ sinh, ăn sớm, mặc áo quần, để tới trường, đừng như chú rùa chậm chạp v.v... Những quy định ấy được in ra cẩn thận, phát ngay cho phụ huynh, ghi rõ phép tắc khi tới trường, nghỉ học, ốm đau, sử dụng sách giáo khoa cho mượn v.v... cho trò và gia đình đều tường.

Ở một chỗ khác, vợ tôi ngồi họp với cô phó chủ nhiệm. Họ lựa ra một ban liên lạc học đường, bầu trưởng và phó nhóm. Tất cả các địa chỉ, số máy điện thoại nhà, cầm tay của phụ huynh lập tức được đánh máy trên vi tính xách tay và in ra để kết thúc việc này sau ba bốn chục phút.

Lễ Khai trường nói trên chỉ ở lớp Một. Chào cờ cũng chỉ duy nhất một lần khi Lễ Khai trường. Sau này con gái tôi lên lớp Hai và tới lớp Sáu, đúng ngày nó tới trường, nó vào lớp ngay, không thấy bao giờ chào cờ hay khai trường gì nữa. Tất nhiên khi cháu vào lớp hai, nó lại ở vị trí Trò cũ, không bắt nạt ma mới, mà làm một cái Lễ khai trường cho lớp Một sau nó, sinh động như nó từng được hưởng.

Nhưng buổi Lễ ấy, giờ đây chắn chắn chưa phai mờ trong tâm trí thơ ngây của con gái tôi. Nhiều khi nhắc lại, cháu vẫn nói tới cái ngày thiêng liêng ấy, những tấm ảnh nó cắt dán vào Album, ghi rõ khuôn mặt rạng ngời của trẻ thơ.

Lễ Khai trường, không phải là những câu nói đầy tính giáo huấn mà cách thức trang trọng nhưng ăm ắp tình học đường, thầy trò, thực con người. Tất nhiên với lá cờ và Tổ quốc, trẻ ở Đức được giáo dục nhiều nữa, ở các lớp trên sau đó, nhưng tinh tế và có nội hàm đã được các nhà giáo dục học nghiên cứu bao nhiêu năm truyền lại. Cách thức Lễ khai giảng như vậy, thì cái hình thức phô trương, người Đức không chú ý lắm, nó chuẩn bị hàng tháng trước ấy cho phần nội dung mà tôi kể trên và còn được liên tiếp giáo huấn Mưa dầm thấm lâu ở các lớp kế theo.

Nhưng rõ ràng Lễ vậy đỡ mất thời gian, không buộc học trò phải ngồi bốn năm giờ chang chang dưới nắng, mồ hôi đầm đìa, hay giữa trời tuyết gió, để nghe những giáo huấn, những diễn từ dài lê thê, mà sự kính thưa các cấp tới dự kéo tới nửa trang A4. Những điều ấy, trẻ lên sáu thì sao mà hiểu nổi. Còn tôi, ấn tượng để lại sau sáu năm, là lời hứa của bà hiệu trưởng về việc vừa học, vừa chơi của trò. Điều cốt yếu là lời hứa ấy có giá trị, khi mà năm 2008, con gái tôi, một trẻ con Việt Nam đã tốt nghiệp lớp Sáu xuất sắc, đặc biệt là ngôn ngữ Đức và, vào thẳng hệ Gymnasium (trung học hệ 13 năm để đào tạo Cử nhân).

(*)1- Trường Đức bao giờ cũng có tầng hầm để làm nơi ăn uống trưa cho trò, nên cầu thang lên lầu 1 rất cao.
 

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

Dòng sự kiện: Cải cách giáo dục