Giờ mới đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS là hơi muộn!
(Dân trí) - Bộ GD-ĐT đề xuất miễn học phí cho toàn bộ học sinh THCS, theo nhiều chuyên gia nhận định đây là điều vô cùng quan trọng, cần thực hiện ngay, đến giờ mới thực hiện là muộn.
Như Dân trí đã đưa tin, ngày 4/7, phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn có đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc từ năm học 2022-2023.
Được biết, ước tính ngân sách cấp bù miễn học phí là 5,5 triệu học sinh x học phí bình quân 2 triệu đồng/năm học = 11.199,8 tỷ đồng/năm học). Nếu thực hiện đề xuất này, ngân sách nhà nước phải tăng thêm 25.199 tỷ đồng trong giai đoạn 3 năm (2022-2024) (sau khi trừ đi số học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, học sinh đã được miễn học phí theo quy định tại Nghị định 81).
Trước đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng Chính phủ đã giao các cơ quan phối hợp, nghiên cứu đánh giá kỹ tác động. Bộ Tài chính tính toán các vấn đề liên quan tới ngân sách, theo tinh thần chung đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo là cần rà soát, có lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, không gây khó khăn hơn cho người dân và học sinh.
Trao đổi với Dân trí, GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ sự đồng tình với đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc. "Tôi thấy vấn đề này bây giờ đặt ra là còn hơi muộn", GS Báo nhấn mạnh.
Theo ông, cấp học THCS là bậc giáo dục cơ bản, có thể chưa được gọi là giáo dục bắt buộc nhưng về bản chất và mục tiêu là giáo dục bắt buộc.
Ông phân tích, Nghị quyết Quốc hội đã cho thấy, giáo dục phổ thông chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1 đến lớp 9, mục tiêu là học sinh được giáo dục những tri thức cơ bản nhất, cốt lõi nhất, phổ thông nhất. Giai đoạn sau, ở cấp THPT là phân hóa, định hướng nghề nghiệp, học sinh sẽ được học sâu hơn ở các môn.
"Giai đoạn 1 nên được gọi là phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc, dựa trên tính chất của giai đoạn này, dù chưa được nêu trong Luật. Như vậy, mọi công dân của một đất nước ít nhất phải được hưởng thụ giáo dục cơ bản, tức giáo dục tới bậc THCS. Đây là điều vô cùng quan trọng, cần thực hiện ngay, đến giờ mới thực hiện là muộn", GS nói.
Ông cũng cho biết, cái khó hiện nay là vấn đề Nhà nước có đủ kinh phí để thực hiện đề xuất này hay không. "Tuy nhiên, theo tôi, đây là điều nên làm. Nếu không có kinh phí, chúng ta cũng cần tìm cho ra kinh phí để thực hiện với quyết tâm dứt khoát phải làm, chứ không phải có thì làm, không có thì thôi. Quan điểm của tôi là vậy", GS Báo nêu ý kiến.
Ông lấy dẫn chứng một số nước trên thế giới, họ đã miễn học phí cho toàn bộ học sinh trong cả giai đoạn giáo dục phổ thông để đầu tư vào giáo dục. Với điều kiện Việt Nam hiện nay, theo GS, việc miễn học phí cả giai đoạn giáo dục phổ thông sẽ khó, nhưng giáo dục cơ bản từ lớp 1 tới lớp 9 nên được miễn học phí: "Không có kinh phí thì chúng ta cần nghĩ cách khác để làm được việc này, bởi giáo dục là quốc sách hàng đầu".
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng đây là đề xuất cần thiết và hợp lý.
"Nếu điều kiện kinh tế Nhà nước cho phép, tôi nghĩ đây là đề xuất hợp lý, vì chúng ta phổ cập giáo dục, nhưng mấy năm nay chưa có điều kiện miễn học phí tới cấp THCS. Trước đó, chúng ta đã miễn học phí cho khối Tiểu học rồi, bây giờ đến THCS là bước tiếp theo. Tôi mong Nhà nước hãy xem xét đề xuất này và có điều kiện kinh tế thì thực hiện", PGS Nhĩ bày tỏ ý kiến.
Theo ông Nhĩ, việc miễn học phí sẽ tạo điều kiện cho tất cả con em mọi miền đều có thể đi học được. Hiện Nhà nước yêu cầu dân trí phải có trình độ phổ cập THCS, nếu chúng ta tạo điều kiện cho tất cả trẻ được đi học; để học sinh không phải đóng học phí nữa sẽ là điều rất hợp lý.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng thì đặt ra vấn đề liên quan tới Nghị định 81 của Chính phủ ban hành ngày 27/8/2021, Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
TS Lâm nhấn mạnh, các tỉnh đang thực hiện vấn đề thu, miễn giảm học phí theo Nghị định này. Bởi vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần giải thích rõ, cơ sở nào để Bộ đặt ra đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc, đề xuất này có thực hiện được không. "Nếu không nói rõ, vấn đề này có thể trở thành rào cản cho các tỉnh đang thực hiện Nghị định 81", TS Lâm cho hay.
Bên cạnh đó, theo ông, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên thông tin rõ về vấn đề, nếu thực hiện đề xuất nói trên, nguồn kinh phí sẽ từ đâu, tức điều kiện nào để đảm bảo đề xuất đó là hợp lý, có thể thực hiện được. "Tôi mong Bộ làm rõ thêm phần này, vì nếu không làm rõ sẽ khiến dân hiểu lầm, trong khi các tỉnh đang phải thực hiện Nghị định 81", TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh thêm.