Thanh Hóa:

Giáo viên trổ tài biến phế thải thành dụng cụ học tập

Thanh Tùng

(Dân trí) - Dưới bàn tay khéo léo của giáo viên, nhiều đồ vật hư hỏng, phế thải được sáng tạo thành dụng cụ học tập hữu ích, nhằm giáo dục kỹ năng sống cho các em học sinh.

Trong ba ngày (từ ngày mùng 3 đến 5/3), huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ hội Bút Nghiên tại xã Hoằng Lộc. Đây là lần thứ ba địa phương này tổ chức chương trình nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học, giáo dục trên địa bàn.

Lễ hội diễn ra với nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ, thể thao thu hút đông đảo người dân, học sinh và du khách đến tham dự.

Giáo viên trổ tài biến phế thải thành dụng cụ học tập - 1

Trong ngày khai mạc lễ hội Bút Nghiên lần thứ ba, 8 học sinh đạt thành tích cao trong học tập được lãnh đạo huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa khen thưởng.

Trong đó, đáng chú ý có cuộc thi sáng tạo dụng cụ học tập. Đây là cuộc thi do các giáo viên đang công tác trên địa bàn huyện Hoằng Hóa thực hiện.   

Cụ thể, các giáo viên sẽ sử dụng đồ phế thải như: Vải vụn, vỏ chai nhựa, vỏ bia, xốp, bìa cát tông, ống hút, giấy vệ sinh… sáng tạo thành những mô hình học tập, nhằm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Giáo viên trổ tài biến phế thải thành dụng cụ học tập - 2

Các học sinh thích thú với mô hình học tập được làm từ phế thải.

Theo ghi nhận tại lễ hội Bút Nghiên, một số mô hình dụng cụ học tập thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh và người dân như: Mô hình mô phỏng lại quá trình lao động sản xuất thời xưa, mô hình về khu công nghiệp, trò chơi dân gian.

Kết thúc cuộc thi, ban tổ chức đã trao 3 giải Nhất, 6 giải Nhì và 6 giải Ba cho các cụm thi xuất sắc nhất.

Giáo viên trổ tài biến phế thải thành dụng cụ học tập - 3

Mô hình nông nghiệp nông thôn ngày nay.

Cô Tô Thị Lan - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Hoằng Phượng (đại diện cụm Mầm non số 1) chia sẻ, đến với cuộc thi năm nay, cụm Mầm non số 1 sáng tạo ra mô hình "Nông nghiệp nông thôn xưa". Mô hình này đã đạt giải Nhì trong cuộc thi.

Giáo viên trổ tài biến phế thải thành dụng cụ học tập - 4

Mô hình nông nghiệp nông thôn xưa thu hút sự quan tâm của nhiều học sinh và người dân.

Theo cô Lan, đây là cuộc thi rất bổ ích với sự tham gia của đông đảo giáo viên trên địa bàn. "Mô hình nông nghiệp nông thôn xưa của chúng tôi nhằm mục đích phục vụ việc tìm hiểu, khám phá của trẻ nhỏ về nghề nông nghiệp xưa. Qua đó, giúp trẻ thấy được cảnh lao động, sản xuất vất vả của người nông dân thời xưa. Đồng thời, giáo dục trẻ thêm yêu quý người nông dân và quý trọng những sản phẩm làm ra từ quá trình lao động vất vả đó", cô Lan chia sẻ.  

Giáo viên trổ tài biến phế thải thành dụng cụ học tập - 5

Bằng những phế thải như vải vụn, bì cát tông, xốp... giáo viên đã khéo léo mô phỏng lại quá trình lao động, sản xuất, làm dụng cụ dạy học bổ ích cho học sinh.

Giáo viên trổ tài biến phế thải thành dụng cụ học tập - 6

Cảnh tát nước bằng gầu ở nông thôn thời xưa.

Giáo viên trổ tài biến phế thải thành dụng cụ học tập - 7

Sở thú được làm từ phế thải.

Giáo viên trổ tài biến phế thải thành dụng cụ học tập - 8

Tái hiện lại hội thi kéo co.