Cấm phê bình học sinh trước lớp: Giáo viên bị tước "công cụ" giáo dục?

Đình Cường

(Dân trí) - Nhiều giáo viên lo ngại, nếu không được phê bình, kỷ luật học sinh sẽ tước mất "công cụ" giáo dục của thầy cô và đặt họ vào muôn vàn khó khăn trong việc quản lý lớp.

Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học có hiệu lực từ tháng 11/2020, quy định giáo viên không được kỷ luật học sinh vi phạm bằng việc phê bình trước trường, trước lớp.

Cấm phê bình học sinh trước lớp: Giáo viên bị tước công cụ giáo dục? - 1

Vẫn có nhiều cách hiểu khác nhau về quy định cấm giáo viên kỷ luật, phê bình học sinh vi phạm trước lớp, trước trường.

Không thể lúc nào cũng "nhỏ nhẹ" như dỗ trẻ lên ba

Chia sẻ với PV Dân trí, thầy giáo Bùi Anh Dũng, Phó Hiệu trưởng trường THCS Chấn Hưng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho biết, mục đích của thông tư 32 là muốn bảo vệ quyền lợi của người học, tránh việc giáo viên lạm quyền để bạo hành học sinh.

Tuy nhiên, qua nắm bắt tình hình tại đơn vị, một số thầy cô bày tỏ lo ngại nếu thực hiện theo đúng thông tư này thì sẽ ảnh hưởng tới một trong những biện pháp giáo dục của giáo viên với học sinh.

Có những em cá biệt, thường xuyên vi phạm khuyết điểm và được giáo viên nhắc nhở nhưng không tiến bộ. Nhà trường đã thống nhất với phụ huynh chính các em đó để ra hình thức kỷ luật tạm đình chỉ học 3 ngày để cha mẹ có thời gian giáo dục con tại nhà.

Nếu không phê bình, kỷ luật để tăng tính răn đe thì liệu rằng các em có thay đổi ý thức học hay không?

Là giáo viên đã có hơn 20 năm công tác ở một trường THCS tại quận Hà Đông, Hà Nội, cô giáo Thu Hà nhấn mạnh việc cần thiết phải duy trì cách thức phê bình, kỷ luật nếu học sinh vi phạm khuyết điểm.

"Giả sử, trong giờ cô giáo đang giảng bài có hai học sinh đùa nghịch, chửi bậy nhau. Giáo viên thường có phản xạ là "thét" đúng tên của các em đó lên để nhắc nhở giữ trật tự.

Thông tư 32 quy định không được quát mắng học sinh. Vậy không lẽ, lúc đó cô giáo phải xuống tận nơi để nói "nhỏ nhẹ" như với trẻ lên ba rằng, các em không được làm như vậy vì đó là sai, làm ảnh hưởng tới các bạn?", cô Hà đặt câu hỏi.

Cũng theo nữ giáo viên này, sĩ số lớp đông đặt ra nhiều khó khăn cho thầy cô trong việc giữ gìn trật tự, đảm bảo chất lượng bài giảng, giải quyết các tình huống phát sinh hàng ngày, hàng giờ trong khi không được "nặng lời" với học sinh.

Nếu ở nhà, con cái phạm lỗi thì phụ huynh có thể dùng đòn roi để giáo dục. Còn trên lớp, cô giáo phải quản lý từ 40 - 50 học sinh, không thể tránh khỏi những tình huống không kiềm chế được cảm xúc mà nặng lời một lần với học sinh rồi bị xử lý thì liệu có đáng không?

Cô giáo Dư Thị Lan Hương, giáo viên một trường THPT tư thục tại TP. Hồ Chí Minh nhận định, đây là một điều sai lầm của thông tư 32.

Thực tế có không ít giáo viên đứng lớp cảm thấy nản với nghề bởi với những học sinh hư, thường xuyên vi phạm kỷ luật được thầy cô nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn không tiến bộ. Nếu bây giờ không được phê bình học sinh nữa thì giáo viên thực sự lâm vào thế khó.

Tuy nhiên, cách mà cô Lan Hương áp dụng để vừa không vi phạm quy định lại khiến học sinh thay đổi, đó là tuyệt đối không la mắng. Lựa những điểm tốt để khen, đồng thời sẽ ghi lại những lỗi của các em vào sổ.

Em nào ngủ gục trên bàn, cô "khều nhẹ" cho em đó dậy và nói "dậy đi em, cô chỉ cho em ngủ 2 phút thôi". Bạn nào hăng hái giơ tay phát biểu, cô sẽ thưởng cho một bông hoa…

Cấm phê bình học sinh trước lớp: Giáo viên bị tước công cụ giáo dục? - 2

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT dự giờ tại một lớp học ở Hà Nội

Tước bỏ quyền giáo dục của giáo viên

Theo thầy giáo Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), điều khoản này của thông tư 32 có phần thiếu thực tế.

Trong mọi lĩnh vực cũng như trong giáo dục, luôn phải duy trì 2 yếu tố "pháp trị" và "đức trị". Khen thưởng khi có ưu điểm, thành tích đồng thời cũng cần có phê bình, kỷ luật khi vi phạm kỷ cương.

Học sinh trong thời của 4.0 có quá nhiều thú vui, cám dỗ dễ dẫn đến những tác động vào việc học hành, thi cử. Các em sơ suất, thiếu sót, thậm chí sai phạm, sai lầm cũng là điều dễ hiểu.

Những lúc như vậy, cần có sự phê bình của người lớn, của cha mẹ, thầy cô để giúp các em nhận thức được đúng - sai để sửa đổi.

Bất kỳ một đất nước hay một xã hội nào mà không có sự nhắc nhở, phê bình hay xử lý kỷ luật thì xã hội sẽ không còn kỷ cương, phép nước.

Việc không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường đã tước bỏ quyền giáo dục của giáo viên, nhà trường tạo cơ hội cho cách hành xử theo kiểu "dân chủ quá trớn" của học sinh với giáo viên, tạo tiền lệ xấu cho nhiều hành vi học sinh xem thường giáo viên.

Khi đối mặt với học sinh cá biệt có những biểu hiện như vậy, nếu giáo viên hành xử thiếu tinh tế, cẩn trọng thì sẽ đón nhận sự chỉ trích dữ dội từ báo chí, mạng xã hội, của phụ huynh và các hình thức kỷ luật của ngành.

"Là một giáo viên, tôi luôn phản đối các đồng nghiệp của mình mạt sát, chửi bới hoặc đánh đập học trò sai phạm, nhưng tôi không đồng thuận việc không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường khi các em vi phạm kỷ luật.

Vấn đề quan trọng là cách thức, hình thức nhắc nhở như thế nào của thầy cô để các em tâm phục, khẩu phục nhận ra cái sai của mình để sửa chữa và tiến bộ", thầy Hiếu nói.

Giáo dục là cả một nghệ thuật nên không có một công thức chung cho tất cả mọi học sinh.

Có nhiều học sinh thì nhờ sự động viên, khích lệ, khen thưởng mà tiến bộ nhanh. Có những em nhờ thầy cô tận tâm, nghiêm khắc, phê bình và kỷ luật mà trưởng thành.

Giáo dục muốn hiệu quả phải luôn là một phép cộng hài hòa của 3 yếu tố: Gia đình, nhà trường và xã hội. Một nền giáo dục phát triển phải là một nền giáo dục có kỷ cương, kỷ luật và tình thương, trách nhiệm.

Tôn trọng quyền của học sinh

Thầy giáo Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, từ nhiều năm nay trường đã tạo ra cách thức xử lý kỷ luật trên lớp không ảnh hưởng đến đại đa số học sinh.

Với từng trường hợp cụ thể, giáo viên cần bóc tách để giáo dục và đảm bảo tính riêng tư của học sinh. Đôi khi, nhắc nhở các em trước lớp ngay lúc đó lại phản tác dụng.

Câu chuyện một giáo viên tại Trung tâm GDNN-GDTX quận Ba Đình cách đây không lâu từng bị học sinh phản ứng đến mức, lao lên bàn giáo viên tát cô giáo vẫn là một bài học nhãn tiền.

Việc đưa điểm tổng kết cuối kỳ, cuối năm của học sinh cho phụ huynh, nhà trường sẽ phát của từng người chứ không phải in chung của cả lớp. Trường hợp nào cần góp ý sẽ trao đổi riêng để tôn trọng quyền riêng tư của trẻ.

Đào tạo con người phải theo quá trình. Từ lúc mới vào trường, giáo viên phải nắm rõ khí chất của từng học sinh và có tác động phù hợp…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm