Thầy giáo 9X biến rác thải thành đồ dùng học tập
Từ ý tưởng biến rác thải thành đồ dùng học tập, giúp học sinh tích lũy kiến thức, thầy Hữu Quyết (THPT Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội) đã thành công với đề tài "Tái chế rác thải thành đồ dùng dạy học".
Từ trăn trở về môi trường...
Công trình "Tái chế rác thải thành đồ dùng dạy học cho học sinh phổ thông" của thầy Nguyễn Hữu Quyết vừa lọt vào top 15 công trình, sáng kiến tham gia tranh tài tại vòng chung khảo chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2020". Công trình gây ấn tượng bởi những sản phẩm làm từ rác thải trở thành giáo cụ trực quan được sử dụng tại trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội).
Những sản phẩm từ rác thải của thầy Quyết và học trò được nhắc đến là: Mô hình tái hiện chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ bằng bìa và chai nhựa; Mô hình tái hiện lịch sử phát triển loài người bằng xốp và bã kẹo cao xu; Mô hình học tập môn Hóa học từ chai nhựa, thép và bìa… Cùng với những sa bàn về lịch sử được chính học sinh trong trường THPT Huỳnh Thúc Kháng thực hiện.
Ngay từ khi còn là sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội, thầy Quyết luôn trăn trở với hiện tượng rác thải xả bừa bãi, không đúng nơi quy định gây ảnh hưởng đến môi trường và con người.
Thầy Quyết chia sẻ: "Mỗi ngày, con người xả ra môi trường khá nhiều rác thải nhựa. Rác thải nhựa bị đốt, bị vứt ra sông ngòi, chôn lấp hay chất đống... đều gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường, gây mất cân bằng sinh thái và chưa có bài toán xử lý triệt để".
Đến khi trở thành giáo viên, thầy Quyết rất tâm đắc với tinh thần đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông mới: Ứng dụng các phương pháp dạy học trực quan vào học tập cho học sinh ở các môn học khác nhau gắn liền với hoạt động trải nghiệm; lấy người học làm trung tâm, cho học sinh tham gia vào các hoạt động học tập để giúp học sinh tự rút ra kiến thức. Ý tưởng của thầy Quyết về việc tái chế rác thải dần hình thành.
"Ban giám hiệu luôn tin tưởng và động viên tôi hướng dẫn học sinh trong công tác môi trường và bảo vệ môi trường, nâng cao trình độ giảng dạy, đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục hiện nay. Tôi đã bắt tay vào làm và hiệu quả như hiện nay", thầy Nguyễn Hữu Quyết cho biết.
... đến các đơn đặt hàng đồ dùng học tập
Thầy Nguyễn Hữu Quyết cho biết: "Theo số liệu thống kê, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng có hơn 1.000 học sinh, trung bình 1 ngày sẽ thải ra môi trường khoảng 600 chai nhựa, 200 túi nilon và 302 loại giấy, rác, các loại khác… Vậy số rác thải được tái sử dụng thế nào để hiệu quả?".
Thầy Nguyễn Hữu Quyết đã xây dựng quy trình tái chế rác thải thành đồ dùng học tập. Bước đầu tiên, tại trường, học sinh để rác đúng nơi quy định là các thùng rác đã phân loại sẵn. Kết thúc mỗi buổi học, học sinh gom toàn bộ số lượng rác này cùng các bác lao công.
Bước thứ 2, thầy Quyết cùng các học trò làm sạch rác. "Khi phân loại rõ ràng, học sinh sẽ chia thành các nhóm để tẩy rửa, làm sạch sau đó phơi khô dưới nắng, rồi xếp vào thùng bìa hoặc túi nilon lớn, cất vào kho của trường để phục vụ việc tái chế", thầy Quyết cho biết.
Lúc đầu số lượng học sinh tham gia rất ít mà số lượng rác thải cần phục vụ tái chế nhiều. Thầy chia sẻ điều này với Ban giám hiệu, ý tưởng tái chế rác thải thành đồ dùng dạy học được ứng dụng ngay vào các môn học trong trường.
Chứng kiến hiệu quả việc làm của thầy Quyết và các trò, nhiều thầy cô đã tin tưởng. "Đơn hàng" ngay trong trường đã đến, thầy Quyết và trò làm theo nhu cầu giảng dạy của các môn học hoặc hoặc tự chọn chủ đề.
Những mô hình mà thầy Quyết và học trò làm ra đã được các thầy cô ứng dụng trong giảng dạy các môn khoa học xã hội trong nhà trường như: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân; Các môn khoa học tự nhiên như: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ…
Thầy Quyết tâm sự: "Tôi rất vui vì việc tái chế rác thải thành đồ dùng dạy học vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư thiết bị giáo dục, vừa bảo vệ môi trường.Quan trọng nhất là qua các hoạt động này, thầy và trò đã cùng chia sẻ và thực hiện ý thức, thái độ, hành vi cho học sinh và góp phần đạt mục tiêu giáo dục đề ra".