Giáo viên tranh nhau "giành giật" suất học sinh yếu

Nguyễn Thanh

(Dân trí) - Kỳ họp hội đồng sư phạm chuẩn bị cho năm học mới vừa khởi động. Mỗi giáo viên sẽ phải đăng ký hàng loạt chỉ tiêu liên quan đến nhiệm vụ dạy học và giáo dục.

Ngoài số tiết dự giờ, thao giảng, thanh tra, chuyên đề, số lượng học sinh… thì bao giờ cũng vậy, việc đăng ký chỉ tiêu về chất lượng luôn khiến lòng người trăn trở và quá đỗi muộn phiền.

Giáo viên tranh nhau giành giật suất học sinh yếu - 1

(Ảnh: Ngọc Diệp).

Năm nay, chúng tôi vẫn bước vào lối mòn xưa cũ: nhà trường ấn định chỉ tiêu, giáo viên cứ thế mà đăng ký và không được thấp hơn mặt bằng chất lượng chung của trường.

Bao người đành bấm bụng đăng ký những con số cao ngất ngưởng về chất lượng. Tỉ lệ khá giỏi bộ môn phải vượt ngưỡng 50% số học sinh của lớp, đặc biệt là học sinh yếu không được vượt quá 2%, nghĩa là toàn khối chỉ có khoảng 3 em bị xếp loại yếu, vị chi có lớp có 1 học sinh yếu và có lớp sẽ không được phép có học sinh yếu.

Thế là chúng tôi tranh nhau "giành giật" suất học sinh yếu: "để lớp chị, vì có học sinh viết và đọc rất yếu", "lớp em cũng có vài em, em cũng đăng ký một cháu yếu".

Câu chuyện bi hài ấy đã và đang xảy ra âm thầm trong nhiều trường phổ thông cột chặt giáo viên vài "vòng kim cô" chỉ tiêu chất lượng. Giáo viên được quyền đăng ký chỉ tiêu tùy vào tình hình thực tế giảng dạy nhưng trớ trêu là không được thấp hơn mặt bằng chất lượng chung của cấp trên và oái ăm hơn nữa là chỉ tiêu của năm sau phải bằng hoặc cao hơn năm trước.

Quá trình dạy học của giáo viên phải đảm bảo chất lượng so với chỉ tiêu đăng ký đầu năm. Sau mỗi học kỳ đều phải rà soát lại chất lượng với chỉ tiêu để mà phấn đấu. Và để không bị nhắc nhở, hạ thi đua, giáo viên buộc phải gồng mình lên để rượt theo chỉ tiêu. Đó chính là mấu chốt căn bản dẫn đến căn bệnh thành tích mà người ta thán trong giáo dục!

Người ta nói nhiều về "chiếc áo" thành tích của giáo dục, kêu gọi dạy học phân hóa, tôn trọng cá tính khác biệt của người học và cật lực phản đối những bản chỉ tiêu chất lượng như cái "khuôn" ụp lên các lớp. Tuy nhiên, thực tế còn lắm điều phải bàn cãi…

Những bản cáo thành tích mỗi năm về chất lượng hai mặt, tỷ lệ học sinh lên lớp, tốt nghiệp và khá giỏi cao ngất ngưởng. Trong khi đó, thỉnh thoảng những đứa trẻ "ngồi nhầm lớp" và đọc không thông viết không thạo lại được phát hiện khiến dư luận dậy sóng.

Chúng ta kêu gọi dạy học phân hóa và phát triển năng lực nhưng điểm số vẫn mang tính quyết định về chất lượng. Vậy nên, nhà giáo lên lớp vẫn chăm chăm vào kiến thức để trò hiểu bài, làm bài kiểm tra đạt điểm cao và đảm bảo chất lượng.

Nhà giáo năm nào cũng lên tiếng về những bản chỉ tiêu đăng ký mỗi dịp đầu năm học nhưng dường như lối mòn xưa cũ vẫn thế: Nhà trường ấn định chỉ tiêu, giáo viên bấm bụng đăng ký và "đua" theo thành tích. Tiếc thay!

Công cuộc cải cách giáo dục với khát vọng "dạy thật, học thật, nhân tài thật" của Thủ tướng Phạm Minh Chính đang được triển khai trên khắp cả nước cần loại bỏ căn bệnh thành tích, trước hết chính là cởi trói cho người thầy thoát khỏi những con số chỉ tiêu áp đặt. Dạy học đúng thực chất, đánh giá đúng thực chất mới là cái gốc bền vững của giáo dục!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm