Bệnh thành tích của ngành giáo dục- ca bệnh hết thuốc chữa?

Tỷ lệ tốt nghiệp 98-99% nhưng vẫn bằng sống bằng chết tốn kém hàng ngàn tỉ để thi bằng được. Cô hiệu trưởng nói chuyện bằng xăng, đoàn tuyển thủ đi hốt huy chương ở một giải sinh viên...

Bệnh thành tích của ngành giáo dục- ca bệnh hết thuốc chữa? - 1
Phát hiện một giáo viên trong trường đang mang thai con thứ 3, hiệu trưởng trường mầm non yêu cầu cô hoặc phá thai, hoặc phải chuyển trường để không ảnh hưởng tới... thành tích. Ảnh TH/LĐO

 Tháng 6.2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục hứa sẽ “gắt gao” với bệnh thành tích. Tháng 12 năm đó, Bộ đưa hàng loạt tuyển thủ quốc gia từng giành huy chương SEA Games, Asiad... đi thi đại hội thể thao sinh viên. Và đến giờ, 97,7% khẳng định có bệnh thành tích trong giáo dục.

Tháng 12.2018, một sự kiện thể thao đã gây phản ứng mạnh trong dư luận.

Ấy là đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á, danh sách “đoàn sinh viên” Việt Nam vô số các tuyển thủ quốc gia, những người đã giành huy chương SEA Games, thậm chí huy chương Asiad. Đặc biệt trong môn điền kinh, hầu hết các ngôi sao đội tuyển quốc gia đang thống trị các đường đua đều có tên.

Chả có gì lạ, đoàn “sinh viên” điền kinh chén đến 11 HCV, 4 HCB, 2 HCĐ xếp số 1- đương nhiên.

Cử toàn tuyển thủ quốc gia đi hốt huy chương một giải sinh viên - nói theo trends thì đại loại “tôi năm nay 70 tuổi rồi mà tôi chưa gặp cái trường hợp nào như thế này”.

Cần phải nhắc lại, trong phiên chất vấn trước Quốc hội ngày 6.6.2018, tức 6 tháng trước đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ xác nhận "bệnh thành tích" đã tồn tại từ lâu mặc dù ngành Giáo dục luôn cố gắng “nói không". Và bộ trưởng đổ lỗi cho “văn hóa và thói quen của một bộ phận không nhỏ những người làm trong ngành giáo dục”.

Chính trong phiên chất vấn “nóng” đến “treo máy” vì có quá nhiều chất vấn ấy, Bộ trưởng tiết lộ đang tích cực hạn chế, đang rất “gắt gao”, đang vân vân và vân vân.

“Một bộ phận không nhỏ” là bộ phận nào? Suốt 2 năm qua không ai biết. Cho đến hôm qua.

Hôm qua, báo chí cho biết chuyện một nữ hiệu trưởng doạ nói chuyện bằng... xăng với trưởng phòng Giáo dục kể cả “chết tôi vẫn chấp nhận”. Nguyên do: chỉ vì trường không được chọn để biểu dương, khen thưởng.

Hôm qua, kết quả khảo sát được công bố chính thức cho biết: 97,7% đồng ý là có bệnh thành tích trong giáo dục. Thậm chí, 4,6% cho rằng nó đã ở mức độ “đặc biệt nghiêm trọng”.

Và đây là các biểu hiện - thật không tin nổi- được chỉ ra bởi chính cán bộ trong ngành giáo dục: “Giấu diếm, không báo cáo khuyết điểm; Cường điệu, phô trương, thổi phồng ý nghĩa, tầm quan trọng của kết quả; “Tòng phạm, đồng lõa với hành vi gian lận, lừa dối với các mức độ khác nhau”. Và ngay cả “Bịa đặt, tạo dựng thành tích giả để gây uy tín cho đơn vị”.

Dấu diếm, gian lận, dối trá, thổi phồng... không thiếu thứ gì.

Tỷ lệ tốt nghiệp 98-99% nhưng vẫn bằng sống bằng chết tốn kém hàng ngàn tỉ để thi bằng được. 70% sĩ số là học sinh giỏi. Cô hiệu trưởng nói chuyện bằng xăng, đoàn tuyển thủ đi hốt huy chương ở một giải sinh viên, và tuyệt đại đa số xác nhận căn bệnh thành tích... Nghe rất vô lý nhưng lại đầy thuyết phục.

Ở chỗ, giống như ai cũng bệnh, trừ mình ra.

Ở việc đâu cũng thấy, cũng quyết liệt nói không, cũng “gắt gao”... nhưng lại chỉ thấy như chuyện của ngành giáo dục cung trăng vậy.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm