Bạn đọc viết:
Giáo viên sợ làm chủ nhiệm lớp
(Dân trí) - Phần lớn giáo viên ngoài công việc giảng dạy thì còn phải kiêm nhiệm một số công việc khác như: phụ trách lao động, nề nếp…, nhưng công việc mà ai cũng e ngại đó là làm giáo viên chủ nhiệm một lớp. Vì sao giáo viên lại ngại công việc này mặc dù được gần gũi học sinh và được học sinh quý mến?
Giáo viên giảng dạy bình thường thì đến tiết họ lên lớp, hết tiết lại ra về không phải lo lắng gì cả. Còn giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp thì không được “nhàn” như vậy. Một số giáo viên cho rằng làm công tác chủ nhiệm giống như là “bảo mẫu” của một lớp vậy. Và số tiết dường như chưa được tính phù hợp với công sức mà họ bỏ ra và phải chịu nhiều áp lực. Theo đó, GVCN lớp sẽ phải tham gia chào cờ đầu tuần được tính một tiết, tổ chức sinh hoạt hoạt lớp được tính thêm một tiết.
Hai tiết trên là “số tiết cứng” dễ đong đo tính đếm với công việc mà giáo viên thực hiện. Tuy nhiên hai tiết còn lại là “một núi công việc” mà không bao giờ được tính đủ cho công sức của GVCN khi thực hiện nhiệm vụ. Đó là phải xây dựng kế hoạch chủ nhiệm từ đầu năm học với rất nhiều nhiệm vụ và chỉ tiêu. Mà chỉ tiêu quan trọng nhất là hai mặt chất lượng về học lực và hạnh kiểm mà cuối năm lớp phải đạt được trên cơ sở chỉ tiêu chung của nhà trường và không được thấp hơn chỉ tiêu chung của trường xây dựng.
Theo quy định hiện hành của ngành Giáo dục, người giáo viên phổ thông phải dạy đúng số tiết quy định, đó là 17 tiết/tuần với giáo viên THPT, 19 tiết/tuần với giáo viên THCS và 23 tiết/tuần với giáo viên tiểu học. Với giáo viên THCS khi làm công tác chủ nhiệm sẽ được giảm định mức giảng dạy là khoảng 4-5 tiết, tùy trường tính toán.
Kế đó là cập nhật đầy đủ thông tin các loại sổ liên quan công tác chủ nhiệm như học bạ, sổ điểm chính, chuẩn bị nội dung sinh hoạt hàng tuần. Cuối mỗi học kỳ hay cả năm học, giáo viên còn phải làm hồ sơ sơ kết, tổng kết, để đánh giá kết quả xem mặt nào đạt được, mặt nào chưa được để tìm giải pháp thực hiện ở học kỳ hay năm học tới… rồi còn phải chuẩn bị nội dung họp phụ huynh thông báo tình hình,
Tuy nhiên đó cũng chưa phải là hết việc, điều GVCN lo lắng nhất chính là các nội dung thi đua. Mà việc này ở trường THCS thì rất nhiều, tùy mỗi tháng sẽ có một chủ đề và sẽ có nội dung thi đua khác nhau. Ví dụ như chủ điểm tháng 11 “Tôn sư trọng đạo” và tháng 3 “Tiến bước lên Đoàn”, đó là hai hoạt động mà GVCN lớp phải tốn nhiều công sức nhất.
Nỗi vất vả của người GVCN lớp vẫn chưa hết khi thực hiện xong hai chủ điểm trên. Mà nỗi vất vả cũng không kém nữa đó là công tác vận động học sinh đi học nhằm đảm bảo số lượng của lớp đến cuối năm. Bởi đây cũng là tiêu chí để đánh giá xếp loại thi đua giáo viên cuối năm. Học sinh bỏ học sau Tết là nỗi "ám ảnh" đối với GVCN lớp. Theo đó, họ phải đi đến từng nhà học sinh bỏ học để vận động các em ra lớp. Tuy nhiên không phải đi một lần mà rất nhiều lần.
Đó là còn chưa kể các buổi lao động, ngoại khóa hoạt động ngoài giờ GVCN cũng phải tham gia để quản lí lớp, nếu giáo viên không tham gia thì sẽ bị nhắc nhở, khiển trách…
Những điều trên cũng chưa là gì với nỗi vất vả lo lắng mà người GVCN lớp. Điều GVCN lớp lo lắng nhất chính là kết quả học tập cuối năm của lớp. Theo đó, nếu kết quả của lớp thấp quá so với chỉ tiêu đề ra từ đầu năm thì GVCN sẽ bị hạ hoặc cắt thi đua do “không hoàn thành nhiệm vụ”. Xét cho cùng kết quả học tập của học sinh không hoàn toàn là lỗi của GVCN. Mà từ nhiều yếu tố, đó là ý thức học tập của các em, từ giáo viên bộ môn… nhưng “trăm dâu đổ đầu tằm” và GVCN là người chịu trách nhiệm trước nhất.
Qua đó, để thấy làm công tác chủ nhiệm lớp là một công việc chịu nhiều vất vả, áp lực. Và dường như nghe đến làm chủ nhiệm là giáo viên nào cũng “than thân, trách phận”. Mong rằng lãnh đạo ngành Giáo dục quan tâm hơn nữa đến người làm chủ nhiệm lớp. Có như vậy mới bù đắp được bao nỗi vất vả mà người làm GVCN gặp phải khi thực hiện nhiệm vụ được giao phó.
Quang Châu