Giáo viên nhận định: Đề Toán sẽ rất hiếm điểm 10

(Dân trí) - Nhiều giáo viên, chuyên gia môn Toán nhận định đề thi môn Toán kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 có nội dung phân loại tốt. Đề thi này sẽ rất khó có thí sinh bị điểm liệt nhưng ngược lại cũng cực hiếm điểm 10.

Ths Phạm Hồng Danh, Trưởng Bộ môn Toán cơ bản Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho rằng đề thi môn Toán thi THPT quốc gia 2017 tương tự như đề thi minh họa lần 3 vừa qua nhưng dễ hơn so với đề thi minh họa lần 1 và lần 2 đã được Bộ GD-ĐT công bố.

Với đề thi này, học sinh sẽ rất phấn khởi khi ra khỏi phòng thi vì học sinh trung bình có thể được 4-5 điểm, học sinh khá giành được 6-7 điểm, học sinh học giỏi thì 8-9 điểm. Nhưng đề thi này cũng sẽ rất hiếm điểm 10 vì với lượng thời gian chỉ có 90 phút để trả lời 50 câu hỏi, có nghĩa thời gian chưa đủ 2 phút/câu là quá ít, vì vậy rất hiếm học sinh có thể làm trọn vẹn.

Nhìn chung, đề thi có phân loại khá tốt, nội dung phủ rộng nên phổ điểm cũng rộng và đáp ứng được nhu cầu xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH.

Học sinh tại TPHCM trong ngày làm thủ tục thi THPT quốc gia năm 2017
Học sinh tại TPHCM trong ngày làm thủ tục thi THPT quốc gia năm 2017

Ths Danh cũng cho rằng đây là lần đầu tiên môn Toán được đưa vào thi trắc nghiệm, với đề thi này yêu cầu học sinh phải học toán nhiều hơn, nội dung học nhiều hơn, chủ yếu học cơ bản và dàn trải hơn. Ngoài ra, khuyết điểm của trắc nghiệm ở chỗ có những câu chỉ cần bấm máy là đạt được kết quả nhưng có những câu hỏi học sinh không thể bấm máy được mà phải tính toán, suy luận và hiểu kiến thức căn bản mới làm được.

Tương tự, thầy Trần Tuấn Anh, giáo viên bộ môn Toán của Trung tâm GDTX Gò Vấp cũng đưa ra nhận xét đề thi chính thức giống như đề minh họa công bố lần 3 mới đây với với sự phân bổ từ dễ đến khó trong nội dung trong chương trình lớp 12 với bao gồm: hàm số, mũ logarit, tích phân, hình học không gian, hình học giải tích. Điểm khác là có thêm hai dạng bài toán thực tế về chuyển động và tài chính.

Ông Tuấn Anh cho rằng, "10 câu đầu của các mã đề đều rất dễ với nội dung kiến thức sơ đẳng nên sẽ rất khó có điểm liệt. Trong 50 câu, khoảng 30 câu đầu ở mức trung bình, học sinh có thể làm dễ dàng. Còn 20 câu còn lại thuộc dạng vận dụng cao, trong đó khó nhất là 5 câu cuối. Số câu vận dụng nâng cao cũng tăng hơn so với đề tham khảo. Có lẽ ý định của người ra đề tạo nên sự phân hóa rõ rệt hơn".

Ngoài ra, ông Tuấn Anh đánh giá đề hơi dài, đòi hỏi học sinh phải có kiến thức thực sự tốt bởi trong vòng 90 phút làm bài thì học sinh phải hết sức tập trung, não bộ phải hoạt động rất vất vả vì kiến thức trong đề quá nhiều.

Theo thầy Tuấn Anh, với đề năm nay, khả năng phổ điểm cả nước ở mức 5-6, ngoài ra những học sinh trường tốp cao thì khả năng đạt điểm 8-9 cũng sẽ nhiều. Độ vênh điểm của thí sinh sẽ không cao do số câu khó chỉ chiếm 0,2 với xác suất đánh lụi nữa. Số thí sinh đạt điểm 10 sẽ rất hiếm, nếu có khả năng em đó học siêu giỏi hoặc có một phần may mắn.

Thầy Tuấn Anh cũng cho rằng những học sinh có nền tảng tự luận tốt sẽ giúp các em giải đề nhanh với dạng đề yêu cầu suy luận nhiều như năm nay. Đồng thời, nên xem máy tính như một phần bổ trợ chứ không nên quá lạm dụng, nếu các em không có kiến thức thực sự thì sẽ không làm bài tốt được.

Khó có sự công bằng tuyệt đối với thí sinh

Thầy Trần Tuấn Anh nhận định: “Qua tham khảo các mã đề học sinh thi chiều nay, có thể đoán người ra đề xác định một lượng kiến thức, chẳng hạn trong 10 đơn vị kiến thức thì sẽ ra những dạng bài tập tương tự nhau để các đề có tính tương đồng nhau. Mỗi một đề có thể có một số hữu hạn kiến thức, dựa vào đó sẽ lấy một số bài tập để yêu cầu kiểm tra kiến thức của học sinh. Do đó, việc có 24 mã đề lại phát sinh thêm một xác suất hên xui giữa các thí sinh. Ngoài 25% xác suất của một trong 4 đáp án còn có thêm một xác suất mới giữa 1/24 đề nếu học sinh gặp những bài tập mình hợp “gu” hơn”.

Đối với việc mỗi thí sinh thi mã đề khác nhau, ông Tuấn Anh cho rằng: “Chắc chắn sẽ khó có thể công bằng như việc các thí sinh đều thi một đề. Bởi vì mỗi “gu” học sinh khác nhau, cũng trên một đơn vị kiến thức nhưng đối với những bài tập hợp “gu” thì có thí sinh thấy dễ, có thí sinh thấy khó”.

Ths Phạm Hồng Danh cũng cho rằng có 4 nguồn đề và được xáo trộn thành 24 mã đề thi khác nhau với độ khó tương đương nhau nhưng giữa các mã đề vẫn chưa thật sự cân bằng tuyệt đối nên sẽ không có sự công bằng tuyệt đối với thí sinh.

“Về sự công bằng giữa độ khó, hai số 62 và 63 tương đương nhau nhưng tính toán vẫn có sự chênh lệch nhau. Tôi nghĩ, không cần một sự lãng phí đề thi như vậy vì với câu hỏi lớn như vậy vẫn có thể chỉ cần một nguồn đề và xáo trộn, điều này vừa có sự công bằng tuyệt đối cho thí sinh", ông Danh nêu.

Lê Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm