Giáo viên mầm non giỏi đến từ tư duy khoa học tốt
(Dân trí) - Trong chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ GD&ĐT, giáo dục mầm non cần huy động nguồn lực đầu tư cho trẻ 0-5 tuổi, vì đây là giai đoạn vàng, có ý nghĩa đối với sự phát triển đất nước.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm học 2019 - 2020 cả nước có 5.517.000 trẻ mầm non, trong đó có 932.000 trẻ ở độ tuổi nhà trẻ, 4.585.000 trẻ độ tuổi mẫu giáo. Toàn cảnh hệ thống giáo dục mầm non ở Việt Nam còn gặp nhiều vấn đề hạn chế.
Nghề giáo viên mầm non chưa được nhìn nhận đúng
Giáo dục mầm non là môi trường học tập đầu đời, và được xem là một trong những giai đoạn có ảnh hưởng nhất đến quá trình phát triển trong những giai đoạn tiếp theo của con người. Vai trò của giáo viên mầm non, do đó, là một trong những vai trò quan trọng nhất đối với trẻ em. Giáo viên mầm non không chỉ là người truyền đạt nhận thức mà còn ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của trẻ.
Để thực hiện thành công vai trò này, giáo viên mầm non cần hiểu biết về nền tảng khoa học của giáo dục mầm non và kết hợp nghệ thuật với khoa học trong cách hoạt động với trẻ.
Ngoài các môn năng khiếu như vẽ, đàn, hát, múa thì để trở thành giáo viên mầm non, tối thiểu nhất các sinh viên sư phạm phải học các môn chuyên ngành: Tâm lý trẻ, giáo dục mầm non, Bệnh học nhi, và hệ thống các môn phương pháp... Các môn đại cương bao gồm văn học, toán cao cấp, mỹ thuật, âm nhạc, mỹ học - nghệ thuật học, chính trị...
Theo các chuyên gia thuộc Global Embassy – một mạng lưới chuyên gia tư vấn giáo dục – nhìn chung, thời gian thực hiện chế độ sinh hoạt một ngày của trẻ hiện đang nhiều hơn số giờ lao động của giáo viên theo Luật Lao động. Môi trường áp lực, cường độ làm việc cao đòi hỏi ở các giáo viên trí thông minh cảm xúc (EQ), tính kiên nhẫn và lòng yêu thương.
“Ma trận” phương pháp giáo dục đầu đời
Trong định hướng phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2016-2025, mạng lưới mầm non sẽ phát triển theo hướng chuẩn hóa, xã hội hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cùng cố nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non.
Hiện tại, giáo dục mầm non tại Việt Nam được xây dựng trên cơ sở kế thừa và tiếp cận những xu hướng tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới. Quan điểm tổng quát nhất trong giáo dục mầm non là giáo dục toàn diện, tích hợp và lấy trẻ làm trung tâm.
Từ đó, nhiều trường mầm non ra đời với đa dạng chương trình tư vấn, như Reggio Emilia, Montessori, Waldorf, Steiner, STEM…
Tuy nhiên, tốc độ quy hoạch mạng lưới trường học chưa bắt kịp tốc độ xã hội hóa giáo dục mầm non, khiến phụ huynh băn khoăn tìm những chương trình chính thống, nguyên bản, chuẩn quốc tế, tránh tình trạng “giả hiệu”.
Thiết lập tư duy khoa học
Với tinh thần “bình thường mới,” Global Embassy – một mạng lưới các chuyên gia giáo dục Việt Nam ra mắt các hoạt động học thuật, đặc biệt là chương trình tư vấn – phát triển chuyên môn cho giáo viên mầm non trong năm 2020 tại Việt Nam, hợp tác quốc tế cùng Reggio Children (Ý). 2020 là một năm đặc biệt, khi chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày sinh Loris Malaguzzi, người đặt nền tảng cho hướng tiếp cận Reggio Emilia Approach®.
Qua các chương trình tư vấn giáo viên, Global Embassy hỗ trợ giáo viên mầm non phân tích và ứng dụng các lý luận giáo dục có giá trị bậc nhất của giáo dục mầm non thế giới vào bối cảnh Việt Nam, từ thuyết lịch sử văn hóa của Vygotsky đến thuyết phát triển nhận thức của Jean Piaget và mô hình đa trí tuệ của Gardner, cùng những thành quả khoa học hiện đại như trí tuệ cảm xúc và liệu pháp nghệ thuật. Đó cũng là nguồn gốc khoa học đã truyền cảm hứng cho Loris Malaguzzi xây dựng và phát triển hướng tiếp cận Reggio Emilia Approach®.
Các hoạt động của Global Embassy giúp các nhà lãnh đạo, quản lý trường mầm non tìm được lời giải đáp cho nguồn gốc khoa học của giáo dục mầm non, mục đích của việc dạy học và tổ chức hoạt động cho trẻ mầm non. Nhờ tư duy khoa học với đội ngũ chuyên gia cố vấn giàu kinh nghiệm từ Global Embassy, các trường mầm non sẽ xây dựng được chương trình phát triển chuyên môn cho giáo viên của mình, từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.