Bạn đọc viết:
Giáo viên khổ vì khuôn mẫu giáo án!
(Dân trí) - Giáo án (nay đổi tên thành kế hoạch bài dạy) là một trong số những hồ sơ sổ sách bắt buộc của giáo viên.
Người thầy lên lớp lẽ tất nhiên phải soạn giáo án, thiết kế bài học và dự kiến các hoạt động dạy học. Tuy nhiên, những đổi mới liên tục về mẫu giáo án khiến chúng tôi "chạy bở hơi tai" theo… mẫu.
Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 18-12-2020 về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, trong đó có quy định cụ thể việc biên soạn giáo án của giáo viên theo phụ lục IV, thống nhất mẫu giáo án chung.
Mỗi giáo án phải xác định năng lực, phẩm chất chung và đặc thù theo từng môn học. Đặc biệt, thay đổi lớn nhất trong mẫu giáo án này chính là việc mỗi tiết học phải soạn thành 4 hoạt động: 1. Xác định vấn đề, 2. Hình thành kiến thức mới, 3. Luyện tập, 4. Vận dụng.
Trong mỗi hoạt động đều phải đầy đủ mục tiêu, nội dung, sản phẩm và tổ chức thực hiện. Riêng hoạt động 2, đối với mỗi đơn vị kiến thức mới được hình thành cũng phải lặp lại: mục tiêu, nội dung, sản phẩm, tổ chức thực hiện. Một khuôn mẫu theo tôi có phần cứng nhắc và rập khuôn như thế sẽ làm giáo viên tiêu tốn thời gian, hao phí giấy in và nhất là bó buộc sự sáng tạo của người thầy.
Tôi vốn là người cả lo, trong các buổi tập huấn liên quan đến đổi mới phương pháp hay bất kỳ vấn đề nào liên quan đến công tác chuyên môn của mình, tôi đều tập trung lắng nghe. Nhưng thú thật mọi thứ còn rất mơ hồ. Vẫn chỉ là chúng tôi tự mày mò soạn giảng, tham khảo mẫu này mẫu kia và "tự biên, tự diễn" từ khâu soạn giảng đến việc hiện thực hóa kế hoạch dạy học thành hoạt động trên lớp.
Có thật tâm tìm hiểu và tẩn mẩn tập tành soạn mẫu giáo án mới theo công văn 5512 này rồi mới thấy nó quá dài dòng và hình thức! Nhà giáo chúng tôi bao lâu nay vẫn chưa thoát ly được cảnh loay hoay tìm hiểu, chỉnh sửa giáo án theo yêu cầu của cấp trên.
Và những khuôn mẫu giáo án cột chặt người thầy vào việc viết lách, gõ phím. Mà có phải chỉ soạn 1-2 tiết ít ỏi gì đâu. Giáo viên ngữ văn chúng tôi nếu dạy hai khối lớp phải soạn đến 8-9 tiết/ tuần. Chúng tôi thường đùa nhau rằng chỉ mỗi việc ôm giáo án và thiết kế hoạt động cũng đã hết ngày chứ đừng nói đến việc đầu tư đổi mới phương pháp, thiết kế thiết bị dạy học, nghiên cứu nâng cao chuyên môn và vô số công việc "không tên" khác.
Người giáo viên nào hầu như cũng ngầm hiểu giáo án chỉ là một bản kế hoạch trên giấy để trình với cấp trên mỗi khi có kiểm tra, thanh tra. Chỉ cần giảng dạy khoảng một vài năm thì hầu như người thầy nào cũng có thể thoát ly giáo án để thăng hoa với bài giảng.
Cho nên việc đánh giá năng lực sư phạm của người thầy qua những trang giáo án e có phần cứng nhắc, rập khuôn. Hãy nhìn thực tế dạy học ở trên lớp để đánh giá chuyên môn của giáo viên sẽ thể hiện qua việc tổ chức các hoạt động, phong cách lên lớp, kỹ năng ứng xử tình huống…
Và bất kỳ sự đổi mới nào về phương pháp, giáo án… cũng cần có thời gian thích nghi. Hãy để giáo viên chúng tôi có thể thông hiểu lý thuyết rồi dần dần chuyển mình theo cái mới chứ đừng "bắt cóc bỏ dĩa" và khiến giáo viên thay đổi xoành xoạch theo "đổi mới"!