Giáo viên dạy thêm không đúng quy định, tỉnh chỉ đạo kỷ luật hiệu trưởng

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Tỉnh Tiền Giang quy định thủ trưởng cơ sở giáo dục sẽ chịu hình thức xử lý kỷ luật hoặc liên đới chịu trách nhiệm khi để xảy ra hoạt động dạy thêm, học thêm không đúng quy định.

Trách nhiệm của hiệu trưởng được UBND tỉnh Tiền Giang quy định tại Quyết định số 01/2024/QĐ-UBND về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh, có hiệu lực từ ngày 20/1 tới đây.

Quy định áp dụng đối với người dạy thêm, người học thêm, nhà trường, cơ sở giáo dục và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn.

Giáo viên dạy thêm không đúng quy định, tỉnh chỉ đạo kỷ luật hiệu trưởng - 1

Hiệu trưởng sẽ bị kỷ luật nếu giáo viên dạy thêm không đúng quy định (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Theo đó, nguyên tắc tổ chức dạy thêm, học thêm và các trường hợp không được dạy thêm thực hiện theo quy định tại Điều 3 và Điều 4, Quy định về dạy thêm, học thêm ban hành kèm theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Đối với các cơ sở giáo dục, thủ trưởng đơn vị (hiệu trưởng) chịu trách nhiệm tổ chức và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo chương trình giáo dục phổ thông; bảo đảm quyền, lợi ích của người học; kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường và quản lý việc dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên do nhà trường quản lý theo quy định.

Người đứng đầu cơ sở giáo dục cần kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm về dạy thêm, học thêm; chịu trách nhiệm về chất lượng dạy thêm, học thêm; quản lý cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, kinh phí dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

"Thủ trưởng cơ sở giáo dục chịu hình thức xử lý kỷ luật hoặc liên đới chịu trách nhiệm khi buông lỏng quản lý giáo viên và học sinh để xảy ra hoạt động dạy thêm, học thêm không đúng quy định", văn bản nêu rõ.

Về mức thu tiền dịch vụ dạy thêm, học thêm trong nhà trường, tỉnh quy định thực hiện theo Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 8/7/2022 của Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu - chi các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND ngày 13/7/2023 của HĐND tỉnh).

Khi thu tiền dịch vụ dạy thêm, học thêm, nhà trường sử dụng hóa đơn theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

Đối với việc quản lý, sử dụng tiền dạy thêm, học thêm trong nhà trường, nhà trường chi nộp các khoản thuế theo quy định trên tổng số thu dạy thêm, học thêm.

Số còn lại được chi cho thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, chi tiền điện, nước phục vụ dạy thêm, học thêm, trích khấu hao tài sản theo quy định và chi cho công tác quản lý dạy thêm, học thêm.

Các trường xây dựng mức chi cụ thể cho các nội dung chi và đưa vào quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Nhà trường mở đầy đủ các loại hồ sơ, sổ sách theo dõi việc thu, sử dụng nguồn thu từ dạy thêm, học thêm; thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ việc thu và sử dụng tiền học thêm.

Tỉnh này nghiêm cấm mọi trường hợp để ngoài sổ sách các khoản thu, chi từ nguồn thu dạy thêm, học thêm. Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh toán, quyết toán tiền dịch vụ dạy thêm, học thêm qua bộ phận tài vụ; giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu tiền học thêm.

Ngoài hiệu trưởng, tỉnh này cũng quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị: Sở GD&ĐT, UBND cấp huyện, xã, phòng GD&ĐT, các sở ngành liên quan.

Giáo viên dạy thêm không đúng quy định, tỉnh chỉ đạo kỷ luật hiệu trưởng - 2

Phụ huynh đưa đón con tại lớp học thêm tại nhà (Ảnh phụ huynh cung cấp).

Vấn đề dạy thêm, học thêm luôn là chủ đề "nóng" trong đời sống học đường bởi dù cấm nhưng vẫn hoạt động sôi nổi. Nguyên nhân do chế tài chưa nghiêm và việc quản lý, kiểm tra, kỷ luật còn những bất cập. 

Hồi cuối năm 2023, nhiều địa phương đã có những chỉ đạo, chấn chỉnh việc quản lý tình trạng dạy thêm, học thêm đang tràn lan. 

Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, năm học 2023-2024, đơn vị này đã nhận được phản ánh của cha mẹ học sinh về việc dạy thêm, học thêm không đúng quy định đối với học sinh tiểu học. Sở yêu cầu trưởng phòng GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo, quán triệt việc chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo viên tiểu học.

Đơn vị này nhấn mạnh nghiêm cấm giáo viên tổ chức dạy thêm, học thêm. Giáo viên phải có bản cam kết với lãnh đạo nhà trường về việc tuân thủ nghiêm túc không tổ chức dạy thêm.

Sở cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm quy định dạy thêm, học thêm một cách kịp thời. Đồng thời, chỉ đạo hiệu trưởng các cơ sở giáo dục tiểu học phối hợp địa phương kiểm tra, giám sát việc dạy thêm, học thêm, chịu trách nhiệm nếu giáo viên của cơ sở giáo dục vi phạm.

Tại Hải Phòng, Thường trực Thành ủy đã có những chỉ đạo các đơn vị tuyên truyền chủ trương, chính sách và có giải pháp xử lý nghiêm đối với những trường hợp thực hiện sai quy định việc dạy thêm, học thêm, việc liên kết giáo dục và lạm thu trong trường học.

Sở GD&ĐT Nam Định cũng yêu cầu các đơn vị trên địa bàn không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm. Giáo viên có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường nhưng không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép (bằng văn bản) của Hiệu trưởng quản lý giáo viên đó.

Mới đây, phát biểu về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn đại biểu Thái Bình) phản ánh tình trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc cho nhân dân, tạo áp lực lớn cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học.

Ông Huy kiến nghị đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để giám sát cho lành mạnh và đúng quỹ đạo.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm