Giáo viên đánh gãy ngón tay học sinh bị kỷ luật, chưa rõ vô tình hay cố ý

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Hội đồng kỷ luật của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi đưa ra quyết định kỷ luật ở mức cảnh cáo đối với cô giáo làm gãy ngón tay học sinh.

Giáo viên đánh gãy ngón tay học sinh bị kỷ luật, chưa rõ vô tình hay cố ý - 1

Bé M.K. học sinh lớp 1 bị gãy ngón tay bên phải, đang phải cầm bút viết bằng tay trái (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Sáng 18/10, bà Nguyễn Thị Cẩm Thanh Trà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận Tân Bình, TPHCM) - xác nhận, đơn vị này đã có hình thức kỷ luật đối với cô giáo N.T.S. trong vụ "nghi giáo viên đánh gãy ngón tay học sinh".

Theo đó, Hội đồng kỷ luật của nhà trường họp hôm 13/10 và quyết định thi hành kỷ luật với hình thức cảnh cáo với cô giáo N.T.S.

Mức xử lý trên căn cứ vào khoản 2, Điều 17 của Nghị định 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ công chức, viên chức.

Được biết, quyết định kỷ luật này áp dụng bắt đầu kể từ ngày ký (16/10) và có thời gian kỷ luật trong vòng 12 tháng.

Các thông cáo báo chí của đơn vị này cũng không nêu rõ kết quả xác minh chi tiết vụ việc và sự vênh nhau giữa thông tin từ nhà trường và phụ huynh.

Phóng viên Dân trí hỏi về kết quả xác minh đã làm rõ việc cô giáo vô tình hay cố ý làm gãy ngón tay học sinh hay chưa, bà Nguyễn Thị Cẩm Thanh Trà chưa trả lời vấn đề này.

Còn phụ huynh V.T.T. - mẹ của bé M.K., học sinh bị gãy ngón tay - cho biết tới sáng sớm 18/10 chị chưa nhận được thông báo chính thức hình thức kỷ luật của cô giáo N.T.S. và cũng chưa nắm được kết quả xác minh chi tiết vụ việc và nguyện vọng của gia đình chị. 

"Tôi có đọc trên báo chí thông tin kỷ luật cảnh cáo. Tôi mong cô giáo rút kinh nghiệm để có hành vi ứng xử chuẩn mực hơn. Con tôi đã chuyển lớp sang cô giáo khác rất tốt nhưng tôi vẫn quyết tâm lên tiếng để các học sinh khác không phải chịu cảnh áp lực khi đi học như vậy", chị T. nói.

Trước đó, chị V.T.T. cho biết chiều ngày 4/10, khi đi học về, bé K. kêu bị đau nhức ngón tay rất nhiều. Ba mẹ kiểm tra bàn tay của bé thấy ở bàn tay bên phải có hiện tượng sưng.

Sau khi gặng hỏi, bé M.K. kể bị cô giáo chủ nhiệm đánh bằng cây gõ nhạc cụ vào mu bàn tay vào tiết học sáng. Kết quả chụp X-Quang cho thấy, bé M.K bị gãy xương ở vị trí nền của xương đốt ngón gần ngón 4 xương bàn tay phải.

Song, phủ nhận thông tin này, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi giải thích việc bé M.K. bị gãy tay là do cô giáo sơ ý, khi đang dạy cô "vô tình gõ thước trúng tay" học sinh.

Không đồng ý với nội dung trên, phụ huynh học sinh đề nghị nhà trường xác minh làm rõ việc cô chủ động đánh hay vô tình gõ trúng tay. Phụ huynh bảo vệ quan điểm đây là sự chủ động, không phải lỗi vô ý.

Ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM - khẳng định dù vô tình hay cố ý, hành động làm gãy ngón tay học sinh của cô giáo không nằm trong chuẩn mực môi trường sư phạm. 

Sở yêu cầu Phòng GD&ĐT quận Tân Bình và nhà trường phối hợp xử lý nghiêm theo quy trình xử lý kỷ luật viên chức, không bao che.