Giáo viên chủ nhiệm với chuyện họp phụ huynh đầu năm
(Dân trí) - Vào thời điểm đầu năm học, chuyện về Ban đại diện cha mẹ học sinh lại trở nên nóng. Một điều dễ nhận thấy rằng, người chỉ trích ban đại diện cha mẹ học sinh không ít, người thông cảm với “những người đứng mũi chịu sào” này cũng rất nhiều.
Nhưng ít ai hiểu rằng, giáo viên chủ nhiệm lớp - người chủ trì những buổi họp phụ huynh hai đến ba lượt một năm cũng nhiều tâm trạng không kém.
Tôi là người trong cuộc, xin chia sẻ nỗi lòng ở phương diện “người nối giữa hai bờ vui” này - nối giữa nhà trường và gia đình.
Với gần 15 năm “gõ đầu trẻ”, điều tôi nhận thấy trước tiên của những phiên họp cha mẹ học sinh thường rơi vào những ngày cuối tuần như thứ bảy hay chủ nhật. Mang tâm lí chung, ngày đáng ra được nghỉ, giáo viên chủ nhiệm lại phải đi thêm một buổi nữa (đa phần là vào chủ nhật)
Trước đó, giáo viên chủ nhiệm được Ban giám hiệu phát cho một xấp tài liệu dày cộm bao gồm thành tích của trường; đặc điểm của lớp chủ nhiệm, các khoản thu của trường, các khoản thu hộ, các loại quỹ đầu năm...
Tùy vào khả năng diễn thuyết hay tài ăn nói của mỗi giáo viên để biến buổi họp Cha mẹ học sinh trở nên hào hứng nhưng chung quy lại vẫn theo mô típ đó mà làm.
Có giáo viên lo lắng, cô đồng nghiệp của tôi còn thức suốt đêm để thảo đến ba trang A4 sắp xếp nội dung sẽ nói trong buổi họp phụ huyng của lớp mình vì cô này cho rằng bản thân mình không có khả năng nói trước phụ huynh.
Điều thật đặc biệt, mỗi buổi họp cha mẹ học sinh thường được quy định trong vòng từ 1 tiếng đến 1 tiếng rưỡi, sau thời gian đó sẽ nhường cho suất họp thứ hai tiếp theo, nhưng khổ nỗi phụ huynh không hiểu điều đó và thế là “giờ cao su” diễn ra.
Có khi đã quá đến ba mươi phút và phụ huynh chỉ “lèo tèo” vài người lúc này giáo viên chủ nhiệm như “ngồi trên đống lửa”. Đến khi chờ đủ số lượng phụ huynh thì thời gian không còn nên cuộc họp chỉ bàn và làm những việc mà trọng tâm như thu các khoản đầu năm, kêu gọi “tự nguyện” đóng góp...
Từ đó, nỗi ám ảnh trong quý vị phụ huynh, các bậc cha mẹ đơn giản với họ họp cha mẹ học sinh là để đóng tiền. Chính điều này đã làm cho lần gặp gỡ giữa nhà trường không theo mục đích ban đầu nữa. Đó là sự kết nối hai trong ba chân kiềng vững chắc để giáo dục con em họ trở thành những người công dân tốt cho xã hội.
Câu chuyện vui hơn nữa nơi tôi công tác. Một người mẹ tất bật đi họp phụ huynh cho ba anh em học cùng trường. Mỗi lớp chị này ghé qua một chút chỉ để đóng các khoản cho con, xong lại tất bật ra về vì công việc nhà nông vào mùa gặt, mặc cho giáo viên chủ nhiệm thiết tha mời ở lại để nắm tình hình của con.
Bên cạnh đó, chuyện buồn về họp cha mẹ học sinh đầu năm mà cô đồng nghiệp tôi vừa chứng kiến cũng làm cho ta đáng suy ngẫm.
Buổi họp phụ huynh gần đây nhất, bạn chủ nhiệm một lớp 9 - lớp cuối cấp bậc THCS. Bạn đã chuẩn bị chu đáo mọi công đoạn cho buổi họp hôm đó. Thế mà...
Buổi sáng hôm ấy, cô đồng nghiệp của tôi đến sớm hơn mọi khi, cô đã nhìn thấy một người phụ nữ cũng đến sớm như mình. Trông chị phụ nữ này sang trọng và quý phái, cô bạn tôi nhanh chóng mời vị phụ huynh này vào phòng họp và không quên thu lại giấy mời. Với vẻ mặt hầm hầm, vị phụ huynh theo cô giáo vào phòng và ngồi xuống ghế.
Sau khi các bậc cha mẹ đã đến đầy đủ, căn phòng trở nên đông đúc và nhộn nhịp hơn. Thế nhưng chính chị phụ huynh này đứng bật dậy và nói oang oang: “Cô giáo nhanh lên đi, thu tiền gì thì thu đại đi chứ tôi chờ lâu lắm rồi. Mục đích của phiên họp này cũng chỉ để đóng các khoản mà thôi”. Cả phòng họp im lặng trước lời nói của chị.
Sau một phút run người vì lời nói của chị phụ huynh kia, bạn tôi nhanh trí ứng phó với khả năng hiểu biết của mình. Cuối cùng, buổi họp phụ huynh cũng thành công.
Và... không ai trong giáo viên chúng tôi cũng đều có cách ứng xử thông minh và nhanh nhẹn như cô bạn tôi vậy đâu.
Để “uốn nắn những cây con” thành “những cây có ích”, rất cần sự chung tay của toàn xã hội, trong đó không thể thiếu sự hợp tác giữa gia đình và nhà trường mà giáo viên chủ nhiệm là chiếc cầu nối vô cùng quan trọng.
Để những buổi họp phụ huynh trở nên có ý nghĩa, “tất cả vì tương lai con em chúng ta”, hãy chung tay, chung lòng.
Thanh Thanh
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.
Xin trân trọng cảm ơn!