Giáo viên cho dùng điện thoại, nhiều học sinh THPT Lê Hồng Phong từ chối

Hoài Nam

(Dân trí) - Có một số tiết, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong được sử dụng điện thoại nhưng nhiều em từ chối. Các em chọn cách tập trung lắng nghe, chỗ nào chưa hiểu thì tra cứu sau.

"Dây" đến điện thoại, rất khó kiểm soát

Thông tin được cô Đặng Ngọc Trâm Anh, Trợ lý thanh niên, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM chia sẻ tại tọa đàm "Học sinh (HS) được sử dụng điện thoại - Nên hay không?" do báo Tiền Phong tổ chức. 

Giáo viên cho dùng điện thoại, nhiều học sinh THPT Lê Hồng Phong từ chối - 1

Đặng Ngọc Trâm Anh, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM cho biết, nhiều HS ở trường từ chối dùng điện thoại trong lớp dù được phép

Một số ý kiến bày tỏ, trước khi ra quy định liên quan đến nội dung này (Cấm HS sử dụng điện thoại trong lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên (GV) - cũng được hiểu là cho phép sử dụng khi có điều kiện - Bộ GD&ĐT đã tham khảo, lấy ý kiến các nhà chuyên môn, chuyên gia rất cẩn trọng. 

Tuy nhiên, cô Đặng Ngọc Trâm Anh đặt vấn đề, đây là việc liên quan trực tiếp đến các em, liệu trước khi ra quy định, chúng ta đã lấy ý kiến HS để hỏi các em có thật sự muốn sử dụng điện thoại trong giờ học hay không?

"Khi sử dụng điện thoại di động quá nhiều, ảnh hưởng rất lớn về sức khỏe tinh thần, thể chất. Con người mất đi cảm xúc kéo theo mất đi sức khỏe xã hội, mất sự tương tác, kết nối, sự quan tâm...", PGS. TS Lương Thị Ngọc Ánh, Trưởng bộ môn Giáo dục Thể chất, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng

Cô Anh cho biết, ngay tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, một số tiết cho HS sử dụng điện thoại nhưng nhiều từ chối không xài.

Các em chỉ lắng nghe, ghi nhận những chỗ chưa hiểu, về nhà các em tra cứu, học nhóm với các bạn.  

"Nhiều tiết học trường cho HS sử dụng điện thoại nhưng ở các hội nghị, các chuyên đề có các diễn giả, chuyên gia đến giảng, chúng tôi cấm các em mang điện thoại vào",  cô Anh nói và bày tỏ, nhiều em muốn mang vào để chụp lại bài giảng. Mục đích tốt, nhưng khi có điện thoại trong tay lại rất khó kiểm soát. 

Ngay trong buổi tọa đàm hôm nay, nhiều HS được mời tham dự. Và không ít em vẫn...tranh thủ sử dụng điện thoại. 

Giáo viên cho dùng điện thoại, nhiều học sinh THPT Lê Hồng Phong từ chối - 2

Nhiều học sinh tranh thủ sử dụng điện thoại ngay trong buổi tọa đàm 

Ông Lê Quang Huy, Phó Hiệu trưởng trường THPT Hùng Vương, TPHCM cho biết, việc kiểm sát được bản thân khi sử dụng điện thoại không hề đơn giản. 

Con người muốn sử dụng thiết bị thông minh thì chính mình phải thông minh hơn nó, làm chủ được nó chứ không để điện thoại làm chủ mình. Với tâm lý của học sinh thì rất dễ bị lôi cuốn. 

Nâng cao kỹ năng quản lý học sinh cho giáo viên 

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Phương, ĐH Quốc tế Hồng Bàng dẫn chứng: "Trong 18 nước chúng tôi khảo sát chỉ có 2 nước là cho HS sử dụng điện thoại trong giờ học là Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên mới đây một số bang ở Mỹ và một số tỉnh ở Trung Quốc cũng cấm cho HS sử dụng”. 

Giáo viên cho dùng điện thoại, nhiều học sinh THPT Lê Hồng Phong từ chối - 3

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Phương thông tin, hầu hết các nước họ khảo sát đều không cho học sinh sử dụng điện thoại 

Bà cũng nhấn mạnh, Thông tư 32  không phải là cho HS sử dụng điện thoại trong lớp, mà Bộ giao quyền cho GV đứng lớp quyết định.

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Giáo dục chính trị HSSV, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, lâu nay, TPHCM đã thực hiện theo tinh thần của Thông tư 32. 

Ngành giáo dục thành phố không cấm việc sử dụng điện thoại hay các trang thiết bị phục vụ trong giờ học. Việc này được giao quyền sử dụng các thiết bị này cho mỗi nhà trường và các thầy cô giáo.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập, công việc là xu thế không thể đi ngược lại. 

Đối với việc cho phép HS sử dụng điện thoại trong lớp, giáo viên rất cần được tập huấn để nâng cao kỹ năng quản lý học sinh sử dụng điện thoại di động.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm